KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN TIẾT (1909-2019)
Một lòng vì nước, vì dân - Bài 2
Bài 2: Cả đời cống hiến cho cách mạng
(BDO) Tháng 8-1930, Chi bộ cộng sản xã Bình Nhâm, thuộc quận Lái Thiêu (chi bộ đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một) được thành lập với 6 đảng viên và đồng chí Nguyễn Văn Tiết là 1 trong 6 đảng viên đầu tiên ấy. Bước ngoặt này đã đánh dấu lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Nhâm bước sang thời kỳ mới. Và cũng từ đây, người con ưu tú của Bình Dương - đồng chí Nguyễn Văn Tiết có điều kiện để bùng cháy với lý tưởng cách mạng của mình.
Ngôi nhà của đồng chí Nguyễn Văn Tiết hiện đang được mẹ con chị Lưu Tú Thanh trông nom, gìn giữ. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Căn nhà nơi thờ cúng đồng chí Nguyễn Văn Tiết nằm trong một con hẻm nhỏ ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An. Những ngày cuối năm nên mọi thứ được chuẩn bị một cách tươm tất hơn. Chị Lưu Tú Thanh, hiện đang trông nom căn nhà cho biết, chị là cháu dâu trong nhà. Hiện tại, ba mẹ chồng, chồng chị đều đã mất. Căn nhà này chỉ còn hai mẹ con chị sớm hôm nhang khói. Rồi chị kể, ngày chị yêu, rồi về làm dâu, đã thấy bằng Tổ quốc ghi công của ông được treo trang trọng và kỷ vật để lại gồm 1 chiếc mũ cối và cái bàn. Nhưng năm tháng qua đi, cái bàn đã bị mục nát; chiếc mũ cối thì cũng thất lạc, chỉ còn tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng trên tường. Đó cũng là kỷ vật còn lại đến hôm nay của đồng chí Nguyễn Văn Tiết.
Bà Tống Ngọc Khương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Bình Nhâm, cho biết cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Tiết - người con ưu tú của Bình Dương nói chung và vùng đất Bình Nhâm nói riêng là bài học quý trong những buổi nói chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương, để từ đó thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống, làm rạng danh quê hương.
Theo bà Tống Ngọc Khương, qua sử sách còn ghi lại, sau khi ra đời, Chi bộ Cộng sản Bình Nhâm tiến hành tổ chức Nông Hội đỏ ở một số xã và Hội tương tế ở Lò chén, Lò đường, Trại mộc… thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia. Và dưới sự lãnh đạo của chi bộ, những tháng cuối năm 1930, nhân dân Bình Nhâm đã 4 lần tổ chức mít-tinh, biểu tình, đưa đơn kiến nghị lên hội ban tề xã, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng lân cận như Thuận Giao, Tân Khánh… đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Riêng đồng chí Nguyễn Văn Tiết, trong ngày 7-11-1930, nhân kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, đồng chí được giao nhiệm vụ diễn thuyết cho gần 200 quần chúng xã Thuận Giao về mục đích, ý nghĩa ngày cách mạng vĩ đại này. Sau buổi diễn thuyết, đồng chí kêu gọi mọi người hãy tích cực đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, đoàn kết chống lại sự nô dịch áp bức của thực dân đế quốc. Do bị chỉ điểm, sau cuộc mít-tinh, thực dân Pháp cho lính đến bắt, chúng đưa đồng chí ra tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo.
7 năm tù đày giữa Côn Đảo lạnh lẽo tàn khốc, giữa năm 1937, đồng chí Nguyễn Văn Tiết cùng hơn 200 tù cách mạng được thả về do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị do Đảng bộ nhà tù Côn Đảo lãnh đạo vào tháng 5-1937. Không nhụt chí, vừa thoát khỏi nhà tù giặc, mang trong mình nhiều thương tích và bệnh tật, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Giữa năm 1937, đồng chí cùng Chi bộ Phú Cường vận động thợ thủ công các làng Phú Cường, Phú Thọ, Chánh Mỹ làm đơn lên Quận trưởng Châu Thành đề nghị được lập Hội Ái hữu. Nhờ những hoạt động của hội mà nông dân, thợ thủ công, công nhân, tiểu thương dấy lên nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực về cơm áo, tự do đang bị kẻ thù vi phạm. Từ năm 1938 đến năm 1940, đồng chí cùng các đồng chí cấp ủy Đảng Thủ Dầu Một xây dựng, củng cố Chi bộ Lái Thiêu, Dầu Tiếng, đặc biệt là các hoạt động trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đêm 23-8-1945, hội nghị Tỉnh ủy mở rộng được tổ chức tại chợ Bưng Cầu thuộc làng Tương Bình Hiệp do đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị kêu gọi cán bộ, đảng viên, các đơn vị cứu quốc, đơn vị tự vệ, đồng bào đoàn kết, nhất trí giành chính quyền nhanh, gọn, thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25-8-1945. Tỉnh ủy và Ủy ban Khởi nghĩa triển khai các biện pháp thực hiện và đồng chí Nguyễn Văn Tiết được đề cử phụ trách Mặt trận Việt Minh tỉnh. Với nhiệm vụ được giao, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã cùng các đồng chí khác trong Ủy ban Khởi nghĩa lãnh đạo nhân dân tổ chức đấu tranh và giành thắng lợi.
Tháng 3-1946 đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Tiết. Đó là ngày đồng chí Nguyễn Đức Thuận, đặc phái viên của Xứ ủy đến Thủ Dầu Một triệu tập cuộc họp bất thường gồm những cán bộ chủ chốt của tỉnh. Hội nghị đã chỉ định Tỉnh ủy Thủ Dầu Một gồm 7 đồng chí và đồng chí Nguyễn Văn Tiết được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Tổng Thư ký Bộ Việt Minh. Trong những năm 1946- 1947, giữa lúc cách mạng còn non trẻ, lại phải đương đầu với dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, địch ra sức thực hiện chính sách chia để trị, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã đem hết tinh thần và năng lực đào tạo được nhiều cán bộ nòng cốt cho tỉnh, huyện, xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Công cuộc kháng chiến thắng lợi, trách nhiệm lãnh đạo cách mạng của Đảng càng nặng nề. Đồng chí Nguyễn Văn Tiết luôn quan tâm củng cố và phát triển Đảng cả ở vùng tự do và vùng tạm chiếm, vùng công nhân, nông dân, các đơn vị chiến đấu và cơ quan dân chính. Theo đó, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tăng cường thực hiện củng cố về tổ chức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Tiết chỉ rõ: Đảng phải mạnh, phải trong sạch và kiểu mẫu. Toàn Đảng phải nhất trí về tư tưởng, thống nhất về tổ chức và hành động. Cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chấp hành tốt mọi chính sách của Đảng và Chính phủ, phải liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Phải thực hiện tự phê bình và phê bình như Trung ương Đảng và Bác Hồ đã dạy. Thực hiện chủ trương này, đồng chí Nguyễn Văn Tiết chỉ đạo toàn Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một tiến hành đợt học tập và củng cố về tổ chức. Nhờ đó mà năng lực và phẩm chất của đa số cán bộ, đảng viên trong tỉnh được nâng cao và mạnh dạn đưa ra khỏi Đảng một số người mất phẩm chất.
Là Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, đồng chí Nguyễn Văn Tiết luôn nêu cao tinh thần cách mạng, chủ trương bám đất bám làng, bám dân xây dựng căn cứ kháng chiến. Những Chiến khu Thuận An Hòa, Long Nguyên… là những địa danh ghi dấu ấn đậm nét của đồng chí Nguyễn Văn Tiết.
Tháng 9-1947, nhằm chỉ đạo phong trào dân quân ở Nam bộ, Xứ ủy quyết định thành lập Phòng Dân quân do đồng chí Lê Duẩn làm trưởng phòng. Quân khu 7 chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Tiết làm Ủy viên dân quân kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một. Sau khi đảm nhiệm thêm cương vị mới, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Đảng đề ra nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào kháng chiến với tinh thần “Thi đua ái quốc”. Các phong trào xây dựng lực lượng ba thứ quân chiến đấu, sản xuất tự cung, tự cấp, đóng thuế nuôi quân được nhân dân tích cực hưởng ứng. Và lần lượt tại các quận, xã đều lập quận đội bộ, xã đội bộ dân quân. Phong trào dân quân của tỉnh Thủ Dầu Một từ khi có các cơ quan chuyên trách chỉ đạo đã nhanh chóng phát triển thành phong trào quần chúng sôi nổi và rộng khắp. Trong quá trình công tác, đồng chí đã động viên cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của lực lượng dân quân, tự vệ và du kích theo đường lối, quan điểm của Đảng và Bác Hồ. Đồng chí đã cùng với cấp ủy các cấp chỉ huy lực lượng dân quân phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong công tác này. Nhờ vậy, lực lượng dân quân, tự vệ ở Thủ Dầu Một đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và trang bị. Ở khắp nơi trong tỉnh, vùng tự do hay vùng tạm chiếm, vùng đồn điền cao su hay vùng nông thôn đều có lực lượng du kích hoạt động. Nhiều xã có đội du kích mạnh như Hòa Lân, Thanh Tuyền, Thới Hòa… (còn tiếp)
THU THẢO