Món “nhà nghèo”
Mỗi lần đi chợ thấy người bán ngọn rau lang, lòng tôi lại bồi hồi nghĩ về mẹ, một người mẹ trong khốn khó đã nuôi tôi khôn lớn thành người. Ngày ấy gia đình tôi sống ở vùng nông thôn, cuộc sống của thời bao cấp cái gì cũng thiếu. Mỗi lần ăn cơm với rau lang luộc, mẹ nói: “Rau lang ăn rất tốt, nhuận tràng và mát cho cơ thể”.
Nhưng dù thức ăn có là gì đi nữa thì mẹ cũng chỉ ăn lưng chén cơm là buông đũa. Ba nói: “Bà nhường ba con tôi phải không? Nếu bà nằm xuống thì các con khổ lắm đấy”.
Một hôm, em của ba từ trên huyện ghé chơi, mẹ nói với ba: “Ông ạ! Chú nó về chơi mà nhà mình cạn tiền rồi, hay có con gà mái đang đẻ bắt làm thịt đãi chú?”. Ba cười: “Bà nghĩ chú nó là ai? Nó là em mình, ăn gì mà chả được, cả nhà còn mỗi con gà mái đẻ”.
Bữa cơm hôm ấy dọn ra có một đĩa cá cơm khô rang, tẩm mắm, một bát canh rau tập tàng và một đĩa rau lang luộc cùng với chén mắm tỏi ớt. Bình thường tôi thấy không ngon nhưng hôm ấy sao ăn thấy ngon, bùi và thơm đến lạ lùng. Chú nói: “Cái món rau lang luộc chấm mắm tỏi ớt em ăn không biết chán”. Mẹ nói chữa: “Món này là món của nhà nghèo đấy chú ạ”.
Cái khốn khó của một thời rồi cũng qua đi, những năm sống ở thành phố tôi thường nhớ về món rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt ngày ấy.
Mỗi lần ngồi vào bàn ăn có món rau lang luộc, tôi nói với chồng và các con: “Đây là món ăn nhà nghèo đấy”. Chồng tôi phá lên cười: “Em nhầm rồi! Đây là món ăn của nhà giàu, là món ăn đặc sản của các nhà hàng khách sạn đấy”.
Mỗi lần ăn món rau lang đó, hình ảnh mẹ lại hiện về, mỗi lần đi làm đồng về trên tay mẹ thế nào cũng có một nắm rau lang. Sau khi rửa sạch sẽ, mẹ nói: “Rau này nhìn vậy nhưng kén lửa lắm, nếu lửa không to, không đều thì rau dễ bị đen, nếu luộc kỹ quá thì sẽ nát, ăn không ra gì, chỉ luộc vừa chín tới - ngọn rau vẫn xanh ăn vào giòn ngọt”.
Những lời mẹ dặn cứ ăn sâu vào tâm trí tôi. Mẹ tôi nay không còn nữa nhưng hình ảnh mẹ và món “nhà nghèo” luôn sống mãi trong trái tim tôi.
Theo NLĐ