Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam tỉnh Bình Dương: Đoàn kết nhân dân, hòa mình cùng dòng chảy của cách mạng

Thứ bảy, ngày 14/11/2015

Trong 2 cuộc kháng chiến thống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các cấp mặt trận và đoàn thể giải phóng ở Thủ Dầu Một đã luôn đồng hành cùng các cơ quan kháng chiến, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, góp phần làm nên những chiến công hiển hách của dân tộc.

(BDO) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, quân và dân Thủ Dầu Một đã làm nên những chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến. Trong ảnh: Bộ đội Sư đoàn 9 cùng bộ đội địa phương Thủ Dầu Một và du kích xã An Điền (Bến Cát) “bắt sống” xe bọc thép M113 của Mỹ trong chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng tháng 11-1965 Ảnh: T.L

Bảo vệ thành quả cách mạng

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cũng như cả nước, chính quyền dân chủ nhân dân ở Thủ Dầu Một được thành lập nhưng đứng trước muôn vàn khó khăn. Công tác mặt trận trở thành nhiệm vụ trọng yếu tập hợp quần chúng xung quanh chính quyền cách mạng để giữ gìn độc lập. Trong những ngày đầu, Mặt trận Việt Minh đã được thành lập từ tỉnh đến quận, tổng, làng. Với nòng cốt là các hội cứu quốc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Đảng bộ và chính quyền cách mạng.

Cùng với việc hình thành cơ quan Việt Minh lâm thời các cấp, công tác xây dựng các đoàn thể quần chúng trở thành nhiệm vụ trung tâm. Các đoàn thể Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc được tổ chức đều khắp và trở thành trung tâm của mọi sinh hoạt trong đời sống xã hội. Các chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền cách mạng đưa xuống các đoàn thể quần chúng đều được các tổ chức này trực tiếp vận động đoàn viên, hội viên thực hiện nhanh chóng và tự giác. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tổ chức quyên góp, điều hòa thóc gạo giữa các vùng nhằm giải quyết nạn đói, khắc phục tình trạng trống rỗng về ngân sách, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc Thủ Dầu Một tổ chức “Tuần lễ vàng”, phát động các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền ủng hộ “Quỹ độc lập”. Hệ thống chính quyền Thủ Dầu Một cùng các đoàn thể tích cực tuyên truyền, phát động nhân dân tăng gia sản xuất, tạo điều kiện để nông dân khai phá đất hoang trồng lúa, khoai, rau, đậu…

 Đồng thời, Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một phát động phong trào bình dân học vụ khắp các tổng, làng. Khi Pháp nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, Tỉnh bộ Việt Minh thông qua các đoàn thể cứu quốc kêu gọi nhân dân ủng hộ sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến. Song song đó là chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Tháng 6-1946, tại căn cứ Thuận An Hòa, tỉnh đã tổ chức hội nghị cán bộ Việt Minh và đại biểu chưa tham gia mặt trận để thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tỉnh Thủ Dầu Một (Hội Liên Việt).

Từ đây, Mặt trận đoàn kết toàn dân ở Thủ Dầu Một ngày càng được mở rộng. Với sự chỉ đạo và giúp đỡ tích cực của Tỉnh bộ Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc ngày càng được củng cố về tổ chức, bổ sung cán bộ, tập hợp thêm nhiều đoàn viên, hội viên, vận động nhân dân chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Mặt trận Việt Minh, Hội Liên Việt và các đoàn thể quần chúng Thủ Dầu Một đều gắn chặt trách nhiệm đối với công cuộc kháng chiến. Ngày 7-5- 1954, tin chiến thắng vang dội từ Điện Biên Phủ truyền về làm nức lòng quân dân. Lúc này, hầu hết cán bộ mặt trận, đoàn thể cứu quốc trở thành những “báo cáo viên thời cuộc”, hướng dẫn cán bộ và nhân dân học tập và nắm vững tin tức thời sự, đồng thời, tổ chức các cuộc mít-tinh mừng thắng lợi.

Góp phần làm nên đại thắng mùa xuân

 Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đảng bộ Thủ Dầu Một xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác mặt trận trong giai đoạn này là tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu rõ đường lối, biện pháp đấu tranh trong tình hình mới; vạch trần những âm mưu, luận điệu của Mỹ - Diệm; vận động nhân dân đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ các quyền dân sinh, dân chủ, chống khủng bố, bắt bớ, trả thù những người kháng chiến cũ…

Từ đầu tháng 7-1956, gần đến ngày tổng tuyển cử theo Hiệp định Giơnevơ, các tổ chức Đảng đã vận động nhân dân khắp các địa phương tổ chức hàng chục cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị với những khẩu hiệu chống khủng bố, chống trả thù những người kháng chiến, đòi quan hệ bình thường hai miền Nam - Bắc, đòi giảm tô, chống xáo canh…

 Trong hai năm đầu sau Hiệp định Giơnevơ, tuy phải chịu nhiều tổn thất nặng nề nhưng nhờ nỗ lực thực hiện công tác vận động quần chúng nên phong trào cách mạng trên địa bàn Thủ Dầu Một vẫn được duy trì. Với hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã vận động đông đảo các thành phần công nhân, nông dân, giáo chức, thợ thuyền nỗ lực giữ gìn lực lượng để từng bước chuyển thế đấu tranh trong khoảng thời gian kế tiếp. Giữa lúc phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam đang lan rộng, tháng 12-1960 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, đã tạo ra không khí phấn khởi, sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân miền Nam từ nông thôn đến thành thị. Cuối tháng 12-1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Thủ Biên cũng được thành lập. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, các huyện, xã nhanh chóng tổ chức hội nghị đại biểu các đoàn thể, các giới đồng bào để thành lập hệ thống cơ quan Mặt trận Dân tộc giải phóng ở cấp huyện và cấp xã.

 Các tổ chức, đoàn thể gia nhập thành viên mặt trận ngày càng đông, đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, chống chiến tranh, lập lại hòa bình. Tất cả đều nhằm thực hiện mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất. Từ đây, Mặt trận Dân tộc giải phóng đã xây dựng cơ sở cốt cán trong tất cả các tầng lớp nhân dân, động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân xây dựng vùng căn cứ kháng chiến, xây dựng những căn cứ bí mật trong lòng địch làm chỗ dựa cho lực lượng cách mạng hoạt động; phát động phong trào phá kìm, phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn, làm phá sản các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Đến cuối năm 1974, với những thắng lợi về nhiều mặt cả đấu tranh chính trị và vũ trang, tỉnh đã tạo được thế và lực mới, sẵn sàng chuẩn bị bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

 Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, các mặt trận và đoàn thể giải phóng khẩn trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các đợt học tập trong nông thôn về chủ trương tổng tiến công và nổi dậy. Các cấp hội và đoàn thể giải phóng vận động hàng ngàn đồng bào tham gia dân công vừa tải đạn, tải thương, làm đường cho bộ đội vừa tham gia thu mua lương thực, vận chuyển, dự trữ lương thực phục vụ bộ đội. Từ đầu tháng 4-1975, hòa trong khí thế tiến công thần tốc của lực lượng vũ trang, đồng bào trong tỉnh đã cùng các bộ phận quân, chính, Đảng đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị nổi dậy ở địa phương.

Ngày 18-4-1975, Mặt trận Dân tộc giải phóng và Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Thủ Dầu Một ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các cấp, các ngành, các vùng phát huy cao độ vai trò tiên phong, gương mẫu, kiên cường bất khuất đạp bằng mọi gian khổ hy sinh quyết cùng đồng bào liên tục tấn công đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành chính quyền trong tỉnh về tay nhân dân. Khí thế tấn công và nổi dậy của quân và dân địa phương thật mạnh mẽ, đều khắp. Đến trưa ngày 30-4-1975, hàng ngàn quần chúng từ các xã, ấp giương cao cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và biểu ngữ tiến vào thị xã. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi. (còn tiếp)

Ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy tiền phương Thủ Dầu Một cho rằng, vai trò của mặt trận trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã được phát huy cao độ. Trong đó, mặt trận đã đi sâu, đi sát giáo dục truyền thống yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc cho các tầng lớp nhân dân. Thông qua vai trò của mình và các tổ chức đoàn thể, mặt trận đã xây dựng được các cơ sở vững chắc ở khắp các địa phương và ngay cả trong lòng địch. Từ đó, trong những cuộc tiến công, lực lượng ta đồng loạt nổi dậy đứng lên để giành được thắng lợi cuối cùng.

CAO SƠN (tổng hợp)