Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Bình Dương: Đoàn kết nhân dân, hòa mình cùng dòng chảy của cách mạng - Bài 1
(BDO) Bài 1: Từ khi có Đảng lãnh đạo, dẫn đường
Trong 15 năm lãnh đạo đấu tranh, từ khi hình thành những chi bộ cộng sản đầu tiên vào năm 1930 cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ Thủ Dầu Một luôn đặc biệt chú trọng đến công tác vận động quần chúng. Với nỗ lực quên mình của đội ngũ cán bộ, đảng viên biết làm và dám làm công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu để khi thời cơ đến có đủ sức mạnh tổng hợp quần chúng nhân dân, vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chi bộ Đề - pô xe lửa Dĩ An ra đời năm 1930 đã lãnh đạo đẩy mạnh phát triển lực lượng quần chúng vào tổ chức Công hội đỏ. Trong ảnh: Công viên tượng đài công nhân Đề - pô xe lửa Dĩ An (phường Dĩ An, TX.Dĩ An), nơi đánh dấu sự ra đời một trong những chi bộ Đảng đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.V
Những bước đi đầu tiên
Tại Thủ Dầu Một, đầu năm 1930, Chi bộ Đề-pô xe lửa Dĩ An được thành lập. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một. Từ sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, Chi bộ Đề-pô xe lửa Dĩ An đẩy mạnh phát triển lực lượng quần chúng trong tổ chức Công hội đỏ và các tổ chức khác như hội tương tế, hội ca cổ… đồng thời phát động và lãnh đạo các cuộc đấu tranh có tiếng vang lớn. Ngày 16-3-1930, Công hội đỏ huy động hơn 300 công nhân Đề-pô xe lửa tham gia đấu tranh đòi chủ tăng lương và tăng khẩu phần gạo. Đây là cuộc tập hợp lực lượng lớn đầu tiên ở Thủ Dầu Một.
Trước sức mạnh của công nhân, giới chủ buộc phải chấp nhận yêu sách. Trong lúc Chi bộ Đề-pô xe lửa Dĩ An nỗ lực phát triển tổ chức, tập hợp lực lượng đấu tranh, khoảng tháng 8-1930, Chi bộ làng Bình Nhâm được thành lập vào thời điểm Tỉnh ủy Gia Định phát động các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, thu hút nhiều quần chúng lao động tham gia. Các cuộc đấu tranh đòi giảm tô, miễn thuế ruộng, giảm thuế, chống bắt lính, chống khủng bố của đồng bào đã diễn ra sôi nổi. Tháng 11-1930, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chi bộ Bình Nhâm hướng dẫn các cơ sở quần chúng trên địa bàn quận Lái Thiêu tiến hành rải truyền đơn và họp mít tinh “ủng hộ Liên bang Xô viết”. Cuộc mít tinh được tiến hành sôi nổi và nhanh chóng. Ảnh hưởng của cuộc mít tinh đã làm cho hệ thống chính quyền đế quốc phong kiến ở địa phương lo sợ và tìm cách dập tắt phong trào.
Có thể thấy, ngay sau khi thành lập, Chi bộ Đề-pô xe lửa Dĩ An và Chi bộ cộng sản làng Bình Nhâm đã rất coi trọng công tác vận động quần chúng. Các chi bộ đã sớm lập ra các tổ chức quần chúng, thu hút đông đảo các thành phần từ công nhân, thợ thủ công, nông dân để tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức thành lực lượng nòng cốt trong phong trào cách mạng địa phương. Nhờ tất cả cán bộ, đảng viên đều làm công tác vận động quần chúng, phong trào yêu nước tại địa phương đã ghi được dấu ấn quan trọng cả về lượng và chất. Tiêu biểu là phong trào công nhân của Đề-pô xe lửa Dĩ An, phong trào đấu tranh của công nhân cao su Dầu Tiếng và các hoạt động đòi quyền lợi dân sinh ở Lái Thiêu… Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh trong năm 1930 là thành công bước đầu rất quan trọng trong công tác mặt trận của các chi bộ Đảng ở Thủ Dầu Một.
Nhận định về vai trò của công tác mặt trận trong giai đoạn 1930-1945, ông Mai Sơn Việt, cán bộ tiền khởi nghĩa tỉnh cho rằng, ngay từ đầu các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Thủ Dầu Một đã tiếp thu tốt các tư tưởng về công tác mặt trận của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng ta. Chính vì vậy, tỉnh đã có cách làm sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong việc tập hợp tất các tầng lớp nhân dân như trí thức, công nhân, nông dân và các tôn giáo. Từ đó, tỉnh phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết, phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng lực lượng, vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.
ĐÀ BÌNH (ghi)
Tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng
Từ cuối năm 1935, với sự phục hồi của phong trào cách mạng, số đảng viên cộng sản ở Lái Thiêu phải chuyển vùng hoặc bị bắt trước đây đã trở về hoạt động. Với sự phát triển mạnh về tổ chức Đảng và đảng viên, mùa xuân năm 1936, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một được thành lập. Thực hiện chỉ thị mới của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ ủy Nam kỳ, Tỉnh ủy lâm thời đẩy mạnh công tác vận động tập hợp quần chúng vào các hội tương tế, hội ái hữu, ủy ban hành động… đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình.
Ở những địa bàn có đông công nhân như Dĩ An, Dầu Tiếng, các chi bộ Đảng tập trung vào việc tổ chức Công hội đỏ. Ở Lái Thiêu, tổ chức Đảng nỗ lực phát triển các Hội Ái hữu, Hội Tương tế, Nông hội đỏ, Hội Tuồng chèo, các nhóm ca cổ thu hút đông đảo các thành phần từ công nhân, thợ thủ công, nông dân để tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức các phong trào đấu tranh. Trong giai đoạn này, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chủ trương chuyển mạnh các hình thức tổ chức các hội đoàn thể sử dụng mọi khả năng công khai và bán công khai, tập hợp rộng rãi nhất quần chúng vào các tổ chức công hội, nông hội, hội hữu ái, hội cứu tế… Tất cả cán bộ của Tỉnh ủy và các chi bộ đều được phân công phụ trách công tác truyên truyền, vận động quần chúng.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, trực tiếp là các chi bộ Đảng tại địa phương, ngày 1-5- 1939, gần 1.000 thợ thủ công, nông dân và tiểu thương Thủ Dầu Một và các quận Lái Thiêu, Tân Uyên tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động dưới nhiều hình thức; biến lễ kỷ niệm thành cuộc mít tinh đòi quyền tự do nghiệp đoàn, giảm tô cho nông dân, giảm thuế môn bài cho tiểu thương. Cao trào 1936-1939 ở Thủ Dầu Một là một phong trào quần chúng rộng lớn, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết của quần chúng, buộc chính quyền thực dân, phong kiến phải nhượng bộ. Qua phong trào này, hàng ngàn quần chúng được giác ngộ về chính trị và trở thành lực lượng hùng hậu của cách mạng; đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện và ngày càng trưởng thành. Phong trào dân chủ 1936-1939 đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng cách mạng trên địa bàn Thủ Dầu Một, chuẩn bị những tiền đề trực tiếp cho giai đoạn tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Từ tháng 8-1940, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một xúc tiến thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Công tác vận động quần chúng lúc này tập trung vào việc đưa sách báo và truyền đơn của Đảng lưu hành và phổ biến trong nhân dân, các đội tuyên truyền thâm nhập vào quần chúng. Đặc biệt, phong trào chống bắt lính diễn ra sôi nổi và rộng khắp cùng với những đợt tuyên truyền cổ động binh lính chống chiến tranh và ủng hộ cách mạng được tổ chức nhiều nơi. Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Thủ Dầu Một là một trong 9 tỉnh, thành sớm nổi dậy mạnh mẽ. Riêng về công tác vận động quần chúng cách mạng, Thủ Dầu Một đã tổ chức được hàng chục cuộc mít tinh, thu hút hàng trăm ngàn quần chúng tham dự; nhiều địa điểm trong tỉnh treo cờ đỏ, sao vàng và cờ búa liềm, tổ chức rải truyền đơn, treo khẩu hiệu… Từ cuối năm 1944 đầu năm 1945, các hội cứu quốc lần lượt ra đời và hoạt động bí mật ở Sở cao su Dầu Tiếng, Sở cao su Phước Hòa và các địa phương Bến Cát, Tân Uyên, Lái Thiêu… Thông qua các hội cứu quốc, Tỉnh ủy tích cực tuyên truyền vận động đồng bào tham gia công tác cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động của các hội cứu quốc, Tỉnh ủy chú trọng vận động phong trào nhân dân sắm sửa vũ khí với nhiều biện pháp đem lại kết quả tốt.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, đúng 7 giờ sáng ngày 25-8-1945, cuộc mít tinh lớn được tổ chức trọng thể trước Tòa thị chính (làng Phú Cường, quận Châu Thành). Suốt buổi mít tinh, quần chúng khởi nghĩa hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Chính quyền về tay Việt Minh!”… Tiếp đó, lực lượng khởi nghĩa tỏa đi tiếp quản các cơ quan hành chính, tòa án, trụ sở cảnh sát… Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn tỉnh đã giành thắng lợi hoàn toàn. (còn tiếp).
CAO SƠN