Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Những chặng đường vẻ vang - Bài 2

Thứ tư, ngày 11/11/2015

Bài 2: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước

(BDO)  Trong giai đoạn 1945- 1975, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tiếp tục được củng cố, phát triển, là nơi đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

 Sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối .Ảnh: T.L

 Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ, thù trong giặc ngoài, tình thế đất nước vô cùng hiểm nghèo. Thực dân Pháp núp dưới bóng quân đồng minh vào nước ta với danh nghĩa tước vũ khí quân đội Nhật đã nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 23-9-1945. Ở phía Bắc, 18 vạn quân Tưởng đem theo bọn phản cách mạng thực hiện âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ” nhằm tiêu diệt Đảng ta, “phá tan Việt Minh”. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và tay sai, nhiệm vụ củng cố, phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể. Đó là việc phát triển các tổ chức cứu quốc thống nhất trong cả nước. Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật. Từ đó vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao, ngày càng thu nhận thêm những thành viên mới, góp phần ngăn chặn và phân hóa hàng ngũ các đảng phái chính trị phản động bám gót quân Tưởng; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào sản xuất cứu đói, tuần lễ vàng, hũ gạo tiết kiệm... Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thật sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thời điểm này, Đảng ta thấy cần phải có những hình thức, biện pháp mới để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh để giữ vững chính quyền, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) tuyên bố thành lập. Hội đã thu hút được thêm nhiều tầng lớp nhân dân kể cả một số nhân sĩ, địa chủ yêu nước, một số người trong các tôn giáo, dân tộc thiểu số. Cương lĩnh của hội chỉ rõ: “Mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Việc thành lập Hội Liên Việt là bước phát triển mới của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Từ giữa năm 1946, để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt ngày càng sát cánh bên nhau, đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng nhằm mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc. Việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trở thành yêu cầu khách quan của kháng chiến và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Đến tháng 3-1951, Đại hội thống nhất Việt minh- Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên Việt.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Liên Việt đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình: Tăng cường đại đoàn kết toàn dân, vận động các giới đồng bào chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, đập tan mọi hoạt động tàn bạo và âm mưu thâm độc của kẻ thù, vận động nhân dân thực hiện giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất nhằm động viên khí thế cách mạng của nông dân, tăng cường liên minh công - nông, góp phần củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất. Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới và mở đường cho một phong trào giải phóng dân tộc quy mô lớn trên nhiều châu lục.

Sau hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm chia làm hai miền Nam - Bắc để đi đến một cuộc tổng tuyển cử. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong lời kêu gọi sau khi hội nghị Giơnevơ thành công cũng như nhiều bức thư gửi đồng bào cả nước và nhiều bài nói, bài viết từ sau giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta là đấu tranh để thống nhất Tổ quốc và vai trò quan trọng của khối đoàn kết dân tộc trên cả hai miền đất nước.

Để mở rộng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết cả những người yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, không phân biệt thuộc đảng phái, tôn giáo, tầng lớp và quá khứ, nhằm tập trung mũi nhọn đấu tranh của nhân dân ta chống Mỹ - Diệm để thực hiện thống nhất Tổ quốc, Đại hội Mặt trận Liên Việt toàn quốc họp từ ngày 5-9 đến ngày 10-9-1955 tại Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân của Mặt trận Liên Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh được đại hội bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận.

Tại lớp huấn luyện cán bộ Mặt trận vào tháng 8-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”. Quan hệ giữa các tổ chức trong Mặt trận dựa trên nguyên tắc thương lượng dân chủ đi đến thống nhất hành động, thân ái, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tôn trọng tính chất độc lập của mỗi tổ chức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua yêu nước, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thật sự là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam cũng đòi hỏi phải có một mặt trận rộng lớn để đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân nhằm đánh đuổi đế quốc và làm sụp đổ chế độ độc tài tay sai của Mỹ. Tháng 12- 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với chương trình hành động 10 điểm mà nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trong quá trình hoạt động, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Đại hội lần thứ I vào tháng 3-1962 quyết định nhiều chính sách lớn về đối nội và đối ngoại như vấn đề hòa bình, trung lập, dân tộc, ruộng đất, trí thức, tư sản, tôn giáo, ngoại kiều, chính sách đối với binh lính và ngụy quyền miền Nam tạo điều kiện đoàn kết rộng rãi, sẵn sàng bắt tay với những ai tán thành chống Mỹ, cứu nước. Ngày 20-4-1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời với bản cương lĩnh thích hợp để đoàn kết và tranh thủ một số người ở thành thị, mở rộng thêm một bước Mặt trận chống Mỹ cứu nước.

Tháng 6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời và Hội đồng cố vấn. Từ khi ra đời, Mặt trận đã làm một phần chức năng của chính quyền dân chủ nhân dân và từ đây, Mặt trận trở thành vai trò trụ cột và hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng. Mặt trận không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (còn tiếp)

CAO SƠN (tổng hợp)