Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - những chặng đường vẻ vang – Bài 1
(BDO) Bài 1: Đoàn kết, vùng lên vì độc lập, tự do
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung, vì độc lập tự do của Tổ quốc. 85 năm qua, ở mỗi thời kỳ khác nhau, với những hình thức và tên gọi khác nhau phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã luôn trở thành nơi tập hợp các giai tầng trong xã hội, vì những mục tiêu lớn của dân tộc.
Vai trò lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng thiết tha của nhân dân đã đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra qua 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa như 3 cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Đó là cao trào cách mạng (1930-1935) mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945). Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Từ Hội phản đế đồng minh (1930) đến Phản đế liên minh (1935), đại đoàn kết dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức, tập hợp lực lượng đấu tranh theo đường lối của giai cấp công nhân cách mạng.
Trong quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, sự ra đời của Mặt trận Việt Minh có ý nghĩa lịch sử to lớn, quy tụ, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Trong ảnh: Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh: T.LIỆU
Trong những năm 1936- 1939, tình hình thế giới diễn biến mau lẹ, phức tạp. Chủ nghĩa phát xít xuất hiện, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Sau khi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, đoàn đại biểu Đảng ta cùng với Ban Chấp hành Trung ương tổ chức hội nghị vào tháng 11-1936, xác định mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng quyết định tạm thời chưa nêu khẩu hiệu “đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày”, đồng thời chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3-1938 quyết định đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (Mặt trận dân chủ Đông Dương). Nhờ có chính sách đúng đắn, có phương pháp vận động khôn khéo, phương pháp đấu tranh linh hoạt nên mặt trận đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi chẳng những công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ tư sản mà còn bắt tay với các đảng phái cải lương, kể cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương nhằm chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Phong trào này đã lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu quần chúng; uy tín của Đảng càng được mở rộng và ăn sâu trong nhân dân lao động và để lại những kinh nghiệm quý báu là “việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, như vậy mới là một phong trào quần chúng”.
“Đem sức ta mà giải phóng cho ta”
Ngày 1-9-1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp đầu hàng và thỏa hiệp với phát xít Nhật thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến tranh của nhân dân ta. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939 đã chỉ rõ bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn con đường đánh đổ đế quốc Pháp; chống tất cả các ách ngoại xâm, tiến lên giải phóng dân tộc và nhấn mạnh nhiệm vụ chấn chỉnh các tổ chức quần chúng và chuyển hoạt động của Mặt trận dân chủ thành Mặt trận Dân tộc thống nhất chống chiến tranh. Tháng 11-1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế, nhằm tập hợp những lực lượng phản đế, phản phong kiến ở Đông Dương, đánh đổ đế quốc Pháp, phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Nhờ những chủ trương đúng đắn đó, các tổ chức phản đế nhanh chóng được phát triển, mặt trận được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Năm 1941, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 để xem xét các chủ trương, chính sách của Đảng. Hội nghị nhận định: Cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc giải phóng, trước mắt tạm gác khẩu hiệu cách mạng thổ địa để lôi kéo địa chủ tiến bộ, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Pháp, Nhật nhằm giải quyết nhiệm vụ sống còn của dân tộc lúc này là giải phóng dân tộc. Nghị quyết của Đảng đã khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không thực hiện được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) bao gồm các Hội cứu quốc của các tầng lớp nhân dân. Hội nghị vạch rõ chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm, quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; quy định những nguyên tắc về tuyên truyền, tổ chức, khẩu hiệu và phương thức đấu tranh... Nhờ có chính sách đúng đắn của Đảng, phong trào Việt Minh đã phát triển nhanh chóng và lan tỏa khắp cả nước. Cao Bằng trở thành trung tâm của phong trào cứu quốc của cả nước. Tháng 10-1941, Việt Minh công bố tuyên ngôn, chương trình và điều lệ. Đây là lần đầu tiên một Mặt trận Dân tộc thống nhất trình bày rõ ràng đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình. Ngày 7-5- 1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa. Tháng 10-1944, Bác Hồ có thư kêu gọi đồng bào ra sức chuẩn bị để họp toàn quốc đại hội, đại biểu cho tất cả các đảng phái cách mạng và các đoàn thể trong nước để bầu cử ra “Một cơ cấu đủ lực lượng và uy tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.
Ngày 22-12-1944, Bác Hồ ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 9-3-1945, Nhật lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện chỉ thị đó, một cao trào cách mạng đã xuất hiện nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh được thành lập. Tình hình chuyển biến mau lẹ, phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh hãy “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập, họp ở Tân Trào trong hai ngày 16 và 17-8- 1945 đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thông qua lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, sau này trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chỉ trong vòng hơn 2 tuần lễ, Cách mạng Tháng Tám thành công trên phạm vi cả nước, chính quyền về tay nhân dân, UBND lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. (còn tiếp)
CAO SƠN