Mát lòng bánh canh quê
Hồi nhỏ, nghe mẹ nói hai tiếng “bánh canh” vào sáng sớm thì mừng rơn vì sẽ được ăn tô bánh canh ngon đến... tê lưỡi trước khi ôm vở đến trường. Nhưng vào buổi trưa hoặc buổi chiều mà nghe hai tiếng ấy thì sợ đến... ướt cả quần, vì cũng là ăn nhưng ăn đòn: cha rút cái roi tre giắt mái hiên, quất mấy phát đến tê mông vì những “tội danh” trời ơi đất hỡi của trẻ con.
“Dấu ấn” roi tre để lại là mấy lằn dài dài như con bánh canh. Nhưng con bánh canh trong tô thì trắng ngà dễ thương, còn con “bánh canh” trên mông thì màu hồng hồng trông “đau đớn” lắm. Sau này lên lớp năm, mình thường bốc phét với đám bạn rằng cái câu “món ngon nhớ lâu, nỗi đau nhớ đời” là nói về bánh canh quê mình đó. Vậy mà tụi nó tin sái cổ!
Làng có mấy dì nấu bánh canh làm quà sáng cho người quê. Nhưng ngon nổi tiếng là gánh bánh canh của dì Hai. Vì vậy, ngã tư chỗ dì ngồi bán mỗi sáng được người làng “ưu ái” đặt cho cái tên là “ngã tư dì Hai”. Con bánh canh dì nấu mềm mềm, deo dẻo, dìu dịu hương gạo ngọt lành. Những viên chả cá trong tô bánh canh của dì cũng rất đặc biệt: không bở, không lợn cợn mảnh xương nào, mới vừa nhai đã nghe ngòn ngọt, mằn mặn, beo béo, dai dai, cay cay, rất đậm đà và thơm đến vấn vương.
Bánh canh, món ăn giản dị chốn làng quê, cũng có cái lạ: ngày nào cũng xì xụp húp húp nhai nhai nhưng không nghe ai nói ngán. Xóm mình sáng nào cũng có cả chục người đứng đầu ngõ chờ dì Hai đi ngang qua. Tình dì hịch hạc, xuề xòa, dễ mến lắm. Đang quày quả, tất tả với gánh bánh canh nặng trĩu lên “ngã tư dì Hai” quen thuộc nhưng hễ có người đón là dì vui vẻ dừng lại bán mà không sợ bị trễ. Đôi tay dì thoăn thoắt múc bánh canh, rắc hành ngò, tiêu, ớt gọn gàng. Nhiều khi dì bán lai rai cho bà con dọc đường cũng đã gần hết nồi bánh canh rồi. Xóm ngã tư chờ lâu quá, lật đật xách cà mèn chạy ngược xuống xóm dưới tìm dì. Dĩ nhiên, ai chậm chân thì xách cà mèn trống không về hoặc miễn cưỡng đến chỗ khác mà mua vì nhiều lần bán hết giữa đường, dì đã “về tới nơi dù đi chưa tới chốn”.
Có lần mình tiếp bạn ở phố về “chơi giữa mùa trăng”, mải vui nên không hay ngày đã hửng. Đang khi ai nấy đói muốn lủi thì “vớ” được dì Hai với gánh bánh canh kĩu kịt giữa đường. Cả lũ ngồi bệt trên vệ cỏ ướt sương, xì xụp hết chén này đến chén khác, bánh canh xuống tới đâu nghe mát lòng tới đó...
Theo TNO