Lực lượng vũ trang Bình Dương: Những dấu ấn lịch sử - kỳ 7
(BDO) Kỳ 7: Tập kích đồn Bến Sắn
Trong quá trình lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã thực hiện nhiều trận đánh oanh liệt, khiến kẻ thù phải khiếp sợ, tạo dựng lòng tin trong nhân dân sẵn sàng đứng lên theo kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Các trận đánh ấy cùng với những chiến công đã tạo nên những dấu ấn lịch sử của LLVT địa phương trung dũng kiên cường, đoàn kết quyết thắng.
Đã 78 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Phê, Thiếu tướng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé giai đoạn 1993-1996 vẫn không quên những ngày tháng chiến đấu đầy tựhào. Ngày 27-10-1952 là một ngày khó phai trong ký ức của ông cũng như những người lính đã từng tham gia chiến đấu, tập kích đồn Bến Sắn năm xưa, nay thuộc phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên.
Ông Nguyễn Văn Phê tường thuật lại diễn biến trận đánh tập kích
đồn Bến Sắn qua sơ đồ. Ảnh: K.HÀ
Với phong thái minh mẫn, hoạt bát, ông Nguyễn Văn Phê tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở đường ĐT743, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Thời ấy, ông Phê chỉ huy đại đội bộ binh đánh địch chiếm giữ đồn Bến Sắn. Ông kể: “Đồn Bến Sắn do một đại đội lính ngụy đóng giữ, cấu trúc theo kiểu hình tam giác mỗi cạnh 50m, có 3 lô cốt ở 3 góc, giữa đồn có 1 lô cốt chính được bố trí hỏa lực đại liên khống chế quanh khu vực đồn. Xung quanh đồn còn có 5 lớp rào kẽm gai và mìn xen kẽ. Lực lượng địch trong đồn có 1 đại đội, khoảng 120 tên, trong số đó phần lớn binh lính bị bắt từ các nơi đưa về. Nắm chắc tình hình lực lượng địch tại đồn Bến Sắn, ta đã bắt liên lạc được với anh Tân, quê Bến Tre bị địch bắt vào đây. Sau khi liên lạc được với ta, anh Tân đã vận động thêm một số người nữa để làm nội ứng khi ta tiến công đồn. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 1 trung đội, Đại đội 55; 1 trung đội, đại đội địa phương của Lái Thiêu; 1 trung đội biệt động tỉnh Thủ Dầu Một, do đồng chíNguyễn Văn Lắm, Huyện đội trưởng huyện Lái Thiêu chỉ huy. Đại đội 60 và Đại đội 70 làm nhiệm vụ bao vây, khống chế Cây Trắc và Trung tâm huấn luyện Phú Lợi”.
“…Lực lượng ta mặc quần xà lỏn, bí mật tiến vào lô cốt, sờ vào người nào mặc quần áo quân phục là diệt. Số địch trong 3 lô cốt hầu hết bị diệt, một số tên chạy thoát, số còn lại đầu hàng. Sau khi đánh chiếm xong 3 lô cốt, địch ở lô cốt số 4 mới biết và tìm cách tháo chạy nhưng bị lực lượng của ta từ các lô cốt đánh sang tiêu diệt tiếp…” |
Ông Phê kể, ngày 27-10- 1952 là ngày rất đáng nhớ. Lúc ấy khoảng 15 giờ chiều, các bộ phận được lệnh hành quân vào vị trí tập kết. Đến 21 giờ tối, quân ta bao vây chiếm lĩnh trận địa, quan sát mục tiêu. Theo kế hoạch, một số nội ứng ở vị trí các lô cốt, còn anh Tân mời tên chỉ huy đồn và một số tên ác ôn tập trung tại lô cốt số 4 để chơi bài nhằm làm mất sự cảnh giác của địch. Đúng 24 giờ khuya, khi nhận được tín hiệu từcơ sởnội ứng phát ra, các bộ phận của ta nhanh chóng bí mật khắc phục vật cản, tiến vào lô cốt số 1, 2, 3 và dùng mã tấu diệt địch. Lực lượng ta mặc quần xà lỏn, bí mật tiến vào lô cốt, sờ vào người nào mặc quần áo quân phục là diệt. Số địch trong 3 lô cốt hầu hết bị diệt, một số tên chạy thoát, số còn lại đầu hàng. Sau khi đánh chiếm xong 3 lô cốt, địch ở lô cốt số 4 mới biết và tìm cách tháo chạy nhưng bị lực lượng của ta từ các lô cốt đánh sang tiêu diệt tiếp. Một số tên ởlô cốt số 4 ngoan cố chống lại, lực lượng biệt động đã dùng hai trái pê-ta đánh sập lô cốt số 4 diệt toàn bộ địch. Trận đánh kết thúc, bộ đội ta thu dọn chiến trường. Đến 3 giờ sáng ngày 28-10, các bộ phận rời khỏi trận địa rút về vị trí an toàn… Sau trận này, ta đã diệt gọn 1 đại đội địch gồm 120 tên (bắt sống 20 tên, thu 88 súng các loại) trong đó có 1 súng 40 ly, 1 súng cối 81 ly, 1 đại liên, 6 trung liên. Ta cũng hy sinh 2 đồng chí, bị thương nhẹ 7 người.
Hồi tưởng lại trận đánh, ông Phê tự hào cho biết: “Đây là trận tiến công tiêu diệt đồn Bến Sắn của các LLVT tỉnh Thủ Dầu Một, có tác động rất lớn đến phong trào kháng chiến của nhân dân trong tỉnh. Trận đánh thể hiện quyết tâm của quân dân ta sau khi đã nắm chắc tình hình địch, xây dựng cơ sở nội ứng. Công tác tổ chức rất chặt chẽ, chính xác. Do đó, trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Sau trận đánh, tinh thần binh lính địch trong các đồn bót quanh khu vực hoang mang, lo sợ, thiếu tin tưởng và nghi ngờ lẫn nhau. Trái lại, quân ta phấn khởi, dũng cảm, quyết tâm chiến đấu. Cũng sau trận đánh, đồng bào ở các xã Tân Hiệp, Vĩnh Lợi mổ bò, giết heo liên hoan, khao bộ đội ăn mừng chiến thắng...”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê cho biết, cũng trong năm 1952, LLVT tỉnh còn chủ động tiến công địch với 2 trận đánh tiêu biểu ở đồn Gò Lũy (xã Khánh Vân, huyện Tân Uyên cũ) và đồn Vĩnh Hòa (xã Thới Hòa, huyện Bến Cát cũ). Trong trận Gò Lũy, Đại đội 60 và Tiểu đội Đặc công, Tiểu đoàn 303 kết hợp với nội ứng đã tiêu diệt gọn ban chỉ huy đồn gồm 1 đại đội lính Hòa Hảo đóng giữ, thu 100 súng các loại. Lúc ấy đồng chí Nguyễn Văn Mây, Đại đội trưởng Đại đội 60 là người trực tiếp chỉ huy trận đánh. Nắm điểm yếu của địch là lực lượng đóng trong đồn được điều từ An Giang lên nên tư tưởng không yên tâm, muốn trở về quê, đồng chí Mây đã trao đổi với cơ sở, tổ chức trận đánh dùng Đại đội 60 bố trí sát hàng rào của đồn, sẵn sàng chi viện cho lực lượng trực tiếp đánh vào bên trong. Một tổ đặc công của tiểu đoàn nhanh chóng đột nhập vào bên trong tiêu diệt ban chỉ huy đồn. Sau khi tiêu diệt được địch, ta kêu gọi chúng giao nộp vũ khí, rút ra khỏi đồn. Ngày 19-6-1952, các bộ phận của ta đã có mặt tại các vị trí đã được phân công. Bộ phận đặc công được cơ sở trong đồn dẫn vào nhà ban chỉ huy. Khi lực lượng đặc công của ta vào, bọn chỉ huy đang đánh bài, lập tức ta nổ súng diệt toàn bộ ban chỉ huy đồn. Một tên thượng sĩ theo ta kêu gọi số lính còn lại trong đồn chuẩn bị tư trang để về quê, vợ con của chúng thì ra ngoài nhà dân ở tạm để sáng hôm sau về bằng đường công khai.
Một số lính trong đồn tháo chạy, mang theo súng, quân ta ở khu an toàn giải thích để chúng giao nộp vũ khí rồi cho người dẫn theo đường giao liên về chiến khu Đồng Tháp Mười. Trong trận này ta sử dụng lực lượng ít, kết hợp chặt chẽ với cơ sở từ bên trong tiêu diệt ban chỉ huy, phá hủy đồn, thu toàn bộ vũ khí. Chiến thắng Gò Lũy thể hiện công tác binh vận tốt, xây dựng cơ sở vững chắc, nắm chắc tình hình địch, chớp thời cơ đánh địch để giành thắng lợi.
Khác với trận Gò Lũy, trận đánh đồn Vĩnh Hòa của Tiểu đoàn 303, Đại đội Lê Hồng Phong và du kích xã Thới Hòa không giành được hoàn toàn thắng lợi do khẩu súng 40 ly gắn trên xe thiết giáp không thể chỉnh được tầm để bắn lên tháp canh chính, khống chế hỏa lực địch theo kế hoạch đã đề ra. Bọn địch trên tháp canh phản công, dùng đại liên bắn mạnh vào đội hình ta, ném lựu đạn xuống làm nhiều bộ đội ta hy sinh và bị thương. Tiểu đoàn bị tổn thất 30 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội du kích xã Thới Hòa bám về địa phương hoạt động, đưa phong trào địa phương của xã và các vùng lân cận tiếp tục phát triển nhất là phong trào đấu tranh chống gom dân, bắt lính của nhân dân Thới Hòa. Trận Vĩnh Hòa đã làm quân địch khiếp sợ, nhân dân khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 303.
Kỳ 8: Ấp Suối Dứa vang mãi trận công đồn diệt viện
KIM HÀ