Lực lượng vũ trang Bình Dương: Những dấu ấn lịch sử - Kỳ 5

Thứ bảy, ngày 13/12/2014

Kỳ 5: Tự hào Đội biệt động TX.Thủ Dầu Một

Đội biệt động TX.Thủ Dầu Một (BĐ TX.TDM) ra đời năm 1963, với nhiệm vụ kết hợp hoạt động tác chiến với xây dựng cơ sở, nhằm phá thế kìm kẹp của địch, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân thị xã, nhất là trong nội ô phát triển, buộc địch phải căng kéo đối phó với ta ngay tại sào huyệt của chúng tại trung tâm tỉnh lỵ. Trải qua bao gian nguy, thử thách, Đội BĐ TX.TDM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là niềm tự hào của lực lượng vũ trang tỉnh.

(BDO)

 Ông Tư Quỳ dò tìm, nhớ lại tên những đồng chí, đồng đội của mình năm xưa trong lực lượng BĐ TX.TDM Ảnh: THU THẢO

Hồi ức của người lính già

Thời gian trôi mau, dễ khiến người ta quên đi nhiều thứ. Nhưng có lẽ với những người đã có thời gian hoạt động cách mạng, một thời vào sinh ra tử, họ sẽ không bao giờ quên những đồng đội đã từng sát cánh cùng nhau. Những người mà chúng tôi may mắn đã gặp được thuộc lực lượng tình báo, biệt động tỉnh Bình Dương nói chung và Đội BĐ TX.TDM nói riêng cũng vậy.

Trong những ngày tháng lịch sử này, chúng tôi tìm đến với những người lính thuộc Đội BĐ TX.TDM năm xưa cũng là lúc họ đang tiến hành khởi công xây dựng phần cổng rào và một số công trình phụ cho Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ngành quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương được đặt tại phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên.

Tóc đã bạc, da đã nhăn vì năm tháng và cũng vì những vết thương còn dai dẳng từ những trận đánh ác liệt, nhưng ông Nguyễn Văn Quỳ (tức Tư Quỳ), Đội trưởng Đội BĐ TX.TDM từ năm 1968, vẫn hàng ngày chạy hàng chục km lui tới trông coi công trình đang xây dựng. Ông Tư Quỳ tâm sự: “Đây là tâm huyết của những anh em đang sống để tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Xây đền tưởng niệm này để anh em có chốn đi về...”.

Rờ rẫm từng cái tên, từng bức hình của đồng đội xưa, ông Tư Quỳ hồi tưởng. Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tại TX.TDM, địch sử dụng bộ máy kìm kẹp tề điệp, cảnh sát chìm nổi nhằm khống chế quần chúng với cách mạng, gây cho ta nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở cũng như vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, nhất là từ khi địch thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, tiến hành gom dân, khoanh dân lập ấp chiến lược.

Trong tình hình ấy, đầu năm 1963, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định thành lập Đội BĐ TX.TDM, với nhiệm vụ kết hợp hoạt động tác chiến với xây dựng cơ sở, nhằm phá thế kìm kẹp của địch tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân thị xã, nhất là trong nội ô phát triển, buộc địch phải căng ra đối phó với ta ngay tại sào huyệt của chúng tại trung tâm tỉnh lỵ. Những năm 1963- 1964, lực lượng BĐ TX.TDM được tổ chức thành những tổ biệt động hoạt động độc lập với các mật danh K9, K12, K13… do Ban Chỉ huy Thị đội trực tiếp chỉ huy, quyết định những trận đánh.

 Các thành viên Ban Liên lạc Trinh sát Quân báo - Biệt động tỉnh đang họp bàn kế hoạch xây dựng cổng rào và một số hạng mục công trình của Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ngành quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương Ảnh: T.THẢO

Bước sang năm 1965, do sự phát triển của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng, Đội BĐ TX.TDM phải thực hiện được những trận đánh mạnh, đánh hiểm hơn nữa vào hang ổ địch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng lực lượng BĐ TX.TDM thành một đơn vị độc lập (tương đương cấp đại đội) do đồng chí Nguyễn Văn Ẩn (Sáu Ẩn) làm đội trưởng, với lực lượng có 2 bộ phận: Bộ phận hoạt lộ (đứng chân tại các căn cứ lõm của TX.TDM và huyện Châu Thành) và bộ phận hoạt động công khai trên địa bàn với quân số khoảng 20 - 25 đồng chí.

Đến tháng 1-1968, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới (chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân năm 1968), Bộ Tư lệnh Phân khu 5 quyết định sáp nhập Đại đội 65 (thị xã) vào Đội biệt động, do ông Tư Quỳ làm đội trưởng. Quân số lúc ấy khoảng hơn 60 đồng chí, tổ chức thành 2 trung đội chiến đấu và bộ phận hậu cứ.

Từ giữa năm 1972, lực lượng BĐ TX.TDM lấy phiên hiệu là Đội 7, giữ vững tổ chức, hoạt động chiến đấu cho đến ngày 30- 4-1975.

Những chiến công vang dội

Suốt chặng đường dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc (từ những năm 1963 đến ngày giải phóng tháng 30-4-1975), Đội BĐ TX.TDM đã lập nên biết bao chiến công vang dội.

Ông Tư say sưa kể, ngay sau ngày thành lập, tháng 4-1963, lực lượng BĐ TX.TDM phối hợp với cơ sở mật tập kích tiêu diệt bọn bảo vệ cột đồng hồ trung tâm chợ Thủ Dầu Một giữa ban ngày, diệt 6 tên cảnh sát. Tháng 9-1963, tập kích chốt kiểm soát khu vực Gò Đậu, diệt 5 tên ác ôn. Đến tháng 6-1964, đội phục kích diệt tiểu đội dân vệ càn quét địa bàn căn cứ du kích ấp Phú Văn của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 7 tên, thu 5 súng… Những trận đánh của lực lượng BĐ TX.TDM trong năm 1963-1964 tuy chỉ là những trận đánh nhỏ, tiêu hao sinh lực địch, nhưng đã làm cho tinh thần binh lính địch trong thị xã hoang mang, lo lắng vì không còn chỗ nào an toàn cho chúng; đồng thời tiếp sức, động viên tinh thần các tầng lớp nhân dân trong nội ô thị xã đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, đòi tự do đi lại làm ăn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng địa phương đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vận động quần chúng đóng góp tiền, gạo, thuốc men ủng hộ cách mạng, động viên con em thoát ly, tham gia lực lượng vũ trang.

Đặc biệt, sau thời gian theo dõi nắm chắc được quy luật hoạt động của địch, ngày 10-2-1965, Đội BĐ TX.TDM đã phối hợp với đơn vị đặc công huyện Bến Cát tổ chức tập kích Nhà việc Phú Cường (trụ sở làm việc của bộ máy chính quyền địch ở thị xã) và Ty Thông tin ngụy (cách Nhà việc Phú Cường khoảng 300m về phía đông nam). Chỉ trong 10 phút chiến đấu, lực lượng BĐ TX.TDM và đặc công huyện Bến Cát đã đánh sập một góc Nhà việc Phú Cường (có 2 tầng) và Ty Thông tin, loại khỏi vòng chiến đấu 92 tên (có 50 tên bình định, 25 tên công an và 17 tên lính dân vệ). Trung đội dân vệ gác Ty Thông tin chỉ còn 4 tên chạy thoát.

Trận đánh Nhà việc Phú Cường và Ty Thông tin ngụy ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ của đơn vị BĐ TX.TDM và đặc công Bến Cát là trận đánh táo bạo, tiêu diệt lớn sinh lực địch, đặc biệt là diệt lực lượng cảnh sát, bình định trong thị xã. Sau trận đánh này của ta, chúng rất hoang mang, từ đó góp phần hỗ trợ tích cực cho quần chúng trong nội ô thị xã đấu tranh nới lỏng sự kìm kẹp của địch.

Thừa thắng xông lên, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và chỉ thị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng BĐ TX.TDM đã nghiên cứu một số mục tiêu để tổ chức những trận đánh táo bạo hơn, tiêu hao nhiều sinh lực và bộ máy kìm kẹp, tác động đến tinh thần của địch trong thị xã. Cụ thể, sau trận đánh của đồng chí Hồ Văn Mên (tự vệ mật) đánh lựu đạn (giấu trong ổ bánh mì) vào hậu cứ Sư đoàn 5 bộ binh ngụy tại ngã tư Phú Văn, ngày 9-3-1966, Đội BĐ TX.TDM đã tổ chức cơ sở dùng mìn hẹn giờ đánh Nhà việc Phú Cường, lần thứ hai đánh sập một góc nhà việc, diệt 8 tên tề điệp ác ôn và một số tên dân vệ. Trận đánh tuy tiêu diệt sinh lực địch không nhiều, nhưng đánh thẳng vào bộ máy kìm kẹp của địch tại trung tâm thị xã đã làm cho tinh thần ngụy quân, ngụy quyền tại tỉnh lỵ rúng động.

Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đội BĐ TX.TDM đã kết hợp chiến đấu đánh chiếm các mục tiêu và phát động quần chúng nổi dậy giải phóng tỉnh lỵ. Điển hình, khi tên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Của cùng tên đại tá Phó Tư lệnh Sư đoàn 5 bộ binh và một số sĩ quan tùy tùng ngồi trên chiếc xe Jeep chạy về Sài Gòn đã bị tổ BĐ TX.TDM do đồng chí Lô Thị Cẩm Vân chỉ huy chặn bắt tại Phú Văn lúc 9 giờ 40 phút ngày 30-4-1975.

Nhớ về một thời oanh liệt, ông Tư Quỳ bồi hồi: “Đội BĐ TX.TDM có những lúc thăng trầm, lực lượng tiêu hao nhiều, giờ đồng chí, đồng đội năm xưa đâu còn lại mấy người. Đó là những năm 1968, 1969, có khi lực lượng chỉ còn khoảng 20 cán bộ, chiến sĩ phân tán hoạt động trên cả địa bàn cánh nam và cánh bắc thị xã. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh nào, Đội BĐ TX.TDM cũng vừa bám trụ chiến đấu, vừa cùng các lực lượng địa phương móc nối xây dựng cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Kỳ 6: Du kích Định Hòa - đội quân anh hùng

 

 THU THẢO