Lực lượng vũ trang Bình Dương: Những dấu ấn lịch sử - Kỳ 6

Thứ hai, ngày 15/12/2014

(BDO)  

Kỳ 6: Du kích Định Hòa - đội quân anh hùng

“Ai coi du kích Định Hòa

Đuổi Tây như thể đuổi gà, đuổi heo

Đuổi về đến bót còn theo

Đuổi cho giặc Pháp phải leo vô thành…”.

Những câu ca dao trên phần nào khái quát được hình ảnh những chiến sĩ du kích Định Hòa trung dũng, kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Để ghi nhận công lao đó, ngày 6-11-1978, Đội du kích Định Hòa đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Các cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trên mảnh đất Định Hòa trung dũng

Ông Nguyễn Văn Hữu, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Sông Bé, một cán bộ lão thành cách mạng ở phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ những năm 1930, phong trào cách mạng của Định Hòa đã bắt đầu nhen nhóm; khi thì âm ỉ như hòn than ủ trong lớp tro nóng, khi bùng cháy thành ngọn lửa hồng. Đặc biệt, năm 1934, khi đồng chí Văn Công Khai được Xứ ủy Nam kỳ cử về Định Hòa hoạt động, tình hình mỗi ngày một sáng sủa hơn. Khi ấy, Định Hòa chưa có chi bộ, đồng chí Văn Công Khai đi sâu tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước và chủ nghĩa cộng sản trong quần chúng.

Ông Nguyễn Văn Hữu, nhớ lại: “Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, phong trào ở Định Hòa phát triển rất mạnh. Đêm 23-8-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã họp tại chợ Bưng Cầu do đồng chí Bí thư Văn Công Khai chủ trì. Sau cuộc họp, các nghị quyết của hội nghị cũng như lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương nhanh chóng được truyền đi khắp các làng quê. Đến đêm 24-8-1945, lực lượng nhân dân từ các huyện, các đồn điền cao su tràn vào Thủ Dầu Một bao vây các công sở và đồn bốt địch với khí thế rung chuyển đất trời. Lúc ấy tại Định Hòa, tiếng loa truyền đi suốt đêm kêu gọi mọi người xuống đường. Đến rạng sáng ngày 25-8-1945, khi nghe tin toàn bộ quân địch ở Thủ Dầu Một đã nộp súng đầu hàng, chính quyền đã hoàn toàn thuộc về tay nhân dân, 3.000 người dân Định Hòa, trai cũng như gái, trẻ cũng như già tất cả đều say sưa tắm mình trong không khí tự do, trong cảnh đổi đời. Và cùng với nhân dân xã Tương Bình Hiệp, Tân An, nhân dân Định Hòa xếp thành đội ngũ chỉnh tề, rầm rập tiến về trung tâm. Người thì cầm đờ đỏ sao vàng, người thì cầm giáo mác… Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Kiên quyết giành độc lập”…”.

Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết trên nền tảng đó, cuối năm 1945, dân quân xã đã được thành lập, do đồng chí Trần Văn Bồi chỉ huy. Những ngày đầu, dân quân được gọi là tự vệ chiến đấu quân. Trai tráng nô nức xin gia nhập đội ngũ rất đông. Vũ khí thông dụng nhất là gậy tầm vông. Loại vũ khí này gắn bó với anh em suốt cả một thời kỳ dài mới bước vào cuộc kháng chiến.

Với vị trí chiến lược, cuối năm 1945, quân Pháp đã chọn Bưng Cầu làm điểm lập đồn chính với thành phần hỗn hợp 1 tiểu đội lính Pháp, 1 tiểu đội lính Miên và 1 trung đội lính ngụy. Tên quan ba chỉ huy người Pháp rất hung dữ, dân kêu nó là “thằng Tây mặt đỏ”. Chưa hết, dọc lộ 13 có tua đầu cầu Hòa Mỹ với binh lực 1 tiểu đội và bốt An Định non 1 trung đội, ở đây chúng thực hiện chính sách tam quang (giết sạch, đốt sạch, phá sạch), gây nên tội ác man rợ nhằm đè bẹp ý chí đề kháng của dân ta. Trong năm 1946, cuộc chiến đấu trên đất Định Hòa diễn ra trong tình huống tương quan lực lượng giữa ta và địch khá chênh lệch, chẳng khác “châu chấu đá voi”. Vì vậy, có những lúc cán bộ và du kích xã phải kéo nhau lên rừng Vĩnh Lợi đứng chân.

Trong bối cảnh đó, đầu năm 1947, Huyện ủy Châu Thành được thành lập. Đến tháng 3-1947, tại căn cứ Vĩnh Lợi, Huyện ủy Châu Thành quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam của xã Định Hòa, đồng chí Trần Văn Bồi được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Các cán bộ xã như Sáu Tràng, Tám Lên, Chính Rực… về bám đất, bám dân xây dựng phong trào. Đây là sự kiện quan trọng mở ra thời kỳ đầy triển vọng tốt đẹp cho cuộc chiến đấu giành độc lập tại Định Hòa. Lúc này, tại huyện Châu Thành, các đội tự vệ đổi tên thành đội du kích. Xã Định Hòa xây dựng lực lượng dân quân rộng rãi mà nòng cốt là là tiểu đội du kích tập trung do Xã đội trưởng Chính Rực trực tiếp chỉ huy. Lúc này, vũ khí trang bị cho lực lượng dân quân chỉ có 6 cây súng trường, đạn dược có nhưng rất ít. Mặc dù vậy, trong thời gian này, ta thực hiện hàng chục trận đánh với hình thức giao thông chiến. Du kích Định Hòa sát cánh cùng du kích các xã bạn chiến đấu trên một địa bàn rộng lớn hơn trước. Chẳng hạn, trận ngã tư Sở Sao, 8 du kích Định Hòa phối hợp với lực lượng Chánh Hiệp khoảng 20 người, phục kích 1 trung đội lính Pháp hành quân từ thị xã lên hướng Gò Mối, ta diệt 7 tên địch. Qua năm 1948, các trận đánh ngày càng thu được nhiều thắng lợi hơn. Vũ khí cũng nhiều hơn trước nhưng vũ khí thô sơ vẫn được coi trọng.

Đặc biệt, đầu năm 1953, sau một thời gian khủng hoảng lực lượng, chi bộ ra nghị quyết tăng cường củng cố đội du kích để làm nòng cốt đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân trong xã. Đây là nghị quyết quan trọng, thể hiện sự trưởng thành về mọi mặt của lực lượng cách mạng. Cuối tháng 6-1953, quân số của đội du kích xã là 16 đồng chí, ngoài ra có hơn 10 đồng chí bổ sung cho đại đội tập trung của huyện. Từ đây trở đi là thời kỳ tiến công dồn dập của ta. Địch liên tiếp bị đánh đau, đánh hiểm, trận sau thiệt hại nặng nề hơn trận trước.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ác liệt, những địa danh Cầu Cháy, cánh đồng Mèo, Truông Bồng Bông… gắn với tên tuổi du kích Định Hòa đã đi vào lịch sử oai hùng. Nay chiến tranh đã lùi xa, nhưng với những người từng tham gia lực lượng du kích Định Hòa thì những ký ức về một thời hào hùng như mới diễn ra hôm qua. Mỗi khi có dịp gặp nhau, anh em đồng chí đồng đội cùng ôn lại kỷ niệm một thời gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Ông Phạm Văn Sơn, một cựu chiến sĩ du kích Định Hòa (nay thuộc phường Định Hòa, TP.TDM) là một điển hình. Kể về những năm tháng chiến đấu oanh liệt, ông Phạm Văn Sơn tự hào cho biết: “Tôi tham gia Đội du kích Định Hòa năm 1972, khi ấy mới 14 tuổi. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là diệt tề, diệt ấp; vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước; vận động bà con tham gia các tổ chức Đoàn, Hội… và tham gia đánh trận. Mặc dù du kích không được trang bị vũ khí hiện đại nhưng vẫn lập được biết bao chiến công oanh liệt. Đến đầu năm 1973, tôi được đưa về tham gia Đội trinh sát đặc công của huyện Châu Thành cho đến ngày giải phóng”.

Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết thêm, “Từ phong trào yêu nước trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ác liệt, các cán bộ, chiến sĩ nhờ có dân mà tồn tại. Nhân dân Định Hòa truyền tụng câu ca: “Anh em du kích Định Hòa/ Yên tâm giết giặc, việc nhà em lo”. Các má, các chị đã chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai, viên thuốc để nuôi bộ đội. Thắng lợi của lực lượng du kích Định Hòa không thể tách rời nhân dân - một pháo đài kiên cố, bền vững bảo vệ lực lượng, bảo vệ cách mạng”.

Kỳ 7: Tập kích đồn Bến Sắn

THU THẢO