Lực lượng vũ trang Bình Dương: Những dấu ấn lịch sử - Kỳ 8

Thứ tư, ngày 17/12/2014

Kỳ 8: Ấp Suối Dứa vang mãi trận công đồn diệt viện

Tại ấp Suối Dứa thuộc xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, ngày 8-7- 1965, Tiểu đoàn Phú Lợi và Đại đội 64 huyện Bến Cát đã phá tan hệ thống đồn bốt của địch, tiêu diệt toàn bộ quân cứu viện, lực lượng bảo an chi khu Trị Tâm và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 ngụy. Đây là trận “công đồn diệt viện” thể hiện sự vận dụng sáng tạo cách đánh chiến thuật “đánh điểm diệt viện” ở miền Đông Nam bộ giai đoạn đầu chống lại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

(BDO)

Thượng úy Bùi Ngọc Thanh, nguyên Trung đội phó, Đại đội 4, Tiểu đoàn 3 Phú Lợi vui thú điền viên lúc tuổi già. Ảnh: K.HÀ

Thượng úy Bùi Ngọc Thanh, nguyên Trung đội phó, Đại đội 4, Tiểu đoàn 3 Phú Lợi cho biết: “Trước đây, liên tỉnh lộ14 từ Thủ Dầu Một đi Dầu Tiếng chạy qua ấp Suối Dứa, xã Thanh An nằm trong vùng tranh chấp giữa ta và địch. Địa hình hai bên đường là các đồng lúa và rừng cao su. Để đối phó với hoạt động của ta, từ năm 1965, chi khu Trị Tâm ngụy tổ chức xây bốt tại cầu Suối Dứa, đưa 2 trung đội bảo an đến chiếm đóng làm nhiệm vụ bảo vệ đoạn đường lộcho các đoàn xe vận chuyển từ Thủ Dầu Một đi Dầu Tiếng và ngược lại. Hoạt động của địch là tổ chức các tốp tuần tra đường, chốt giữ các vị trí chờ đoàn xe địch đi qua thì thu quân về bốt cố thủ. Khi bị ta tiến công, lợi dụng công sự lô cốt chống trả, gọi binh lính ở chi khu đánh phá và chờ lực lượng cơ động từ Dầu Tiếng đến giải tỏa…”.

Diễn biến trận đánh Suối Dứa qua sơ đồ.
Ảnh: K.HÀ

Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy đẩy mạnh phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, phá kế hoạch bình định của địch, mở rộng vùng căn cứ Bến Cát, Tỉnh đội đã xây dựng kế hoạch tiến công tiêu diệt lực lượng chủ lực ngụy tại Bến Cát, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang ở xã, huyện tiến công các tua bốt và ấp chiến lược của địch trên địa bàn.

Ông Phan Văn Hiếu, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành giai đoạn 1973-1976 kể lại: “Để giữ vững trận địa, Tỉnh ủy đề ra phương án chiến đấu cụ thể là sử dụng Tiểu đoàn Phú Lợi và Đại đội 64 tiến công bốt Suối Dứa, tổ chức trận địa phục kích địch đến ứng cứu. Ta bí mật xây dựng trận địa, chờ địch vào khu vực trận địa, đồng loạt nổ súng tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch đến giải tỏa. Bộ phận kìm pháo do hai khẩu đội 81 ly của Đại đội 4 Tiểu đoàn Phú Lợi đảm nhiệm có nhiệm vụ bắn kiềm chế trận địa pháo địch tại chi khu Trị Tâm, trong khi các đơn vị thực hành nổ súng đánh địch”.

Quân số chiến đấu khoảng 400 đồng chí, được trang bị 2 ĐKZ 57 ly, 2 súng cối 81 ly, 5 đại liên, 5 trung liên và hơn 200 súng tiểu liên. Đội hình chiến đấu tổ chức thành ba bộ phận. Bộ phận tiến công bốt Suối Dứa gồm 1 trung đội của Đại đội 64 Dầu Tiếng, được tăng cường 1 đại liên có nhiệm vụ tiến công uy hiếp bót Suối Dứa, buộc địch từ chi khu Trị Tâm phải đến ứng cứu. Bộ phận phục kích đánh địch đến ứng cứu bót Suối Dứa gồm có Đại đội bộ binh 1, Đại đội bộ binh 2, Đại đội bộ binh 3 của Tiểu đoàn Phú Lợi và Đại đội 64 được tăng cường 2 ĐKZ 57 ly, 4 đại liên, bố trí trận địa phục kích từ phía bắc bốt Suối Dứa, cách khoảng 500m đến phía nam cầu Cát (dài 1,5km). Công tác bảo đảm chỉ huy chiến đấu từ tiểu đoàn đến các đại đội thông qua phương tiện vô tuyến điện và thông tin vận động, tổ trinh sát kỹ thuật, đài quan sát...

Thượng úy Bùi Ngọc Thanh nhớ lại: “Trong trận này, tôi chỉ huy một đại đội tham gia trực chiến, kìm trận địa pháo ở Bến Cát. Đêm mùng 7-7-1965, các đơn vị của ta từ căn cứ hành quân bí mật vào vị trí chiếm lĩnh, xây dựng trận địa. Rạng sáng ngày 8-8-1965, bộ phận tiến công bốt Suối Dứa nổ súng tiến công. Địch tại bốt Suối Dứa xin cứu viện. Ta tiếp tục vây ép, tổ chức bắn tỉa, dùng hỏa lực chế áp. Địch dùng pháo bắn vào các vị trí quanh bốt Suối Dứa và tổ chức Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 8 đến cứu viện. 10 giờ cùng ngày, địch đến khu vực trận địa của ta bố trí, chúng chia thành hai mũi so le tiến cặp theo hai bên lộ. Chờ địch vào cách 70m, tôi chỉ huy đại đội đồng loạt nổ súng, cùng lúc hỏa lực ĐKZ nổ súng bắn sập chòi gác cầu Cát, bắn vào khu vực quyết chiến điểm, tạo điều kiện cho bộ đội của Đại đội bộ binh 2 tổ chức vận động khóa đuôi đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, địch chưa kịp tổ chức chống trả thì lực lượng đánh chính diện Đại đội bộ binh 1 đã vận động đến sát mép lộ dùng thủ pháo, lựu đạn đồng loạt ném vào các vị trí địch đang ẩn núp. Sau hai loạt thủ pháo, bộ đội ta đồng loạt xung phong ra mặt lộ, tiêu diệt địch. Hai trung đội của bộ phận chặn đầu và bộ phận khóa đuôi lúc này cùng hình thành 2 mũi đánh cặp theo lộ về giữa đội hình địch, thành thế tiến công ở cả ba hướng, đẩy địch chạy dạt về phía Tây lộ. Trung đội làm nhiệm vụ đối diện nổ súng, vận động hợp vây tiêu diệt địch. Khi được lệnh tiến công, anh em thao tác nhanh, đồng loạt, chính xác, tạo thế áp đảo địch ngay từ đầu. Quá trình thực hành tiến công, chỉ huy trận đánh sử dụng hỏa lực hợp lý nhanh chóng diệt hỏa lực địch tại cầu Cát; tổ chức kiềm pháo, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng xung kích áp sát diệt bộ binh địch bằng thủ pháo và vũ khí cá nhân…”.

Sau hơn 30 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 8, trong đó có4 cố vấn Mỹ, bắt 49 tên, thu 270 súng các loại, trong đó có 9 súng trung liên, 7 máy VTĐ PRC25. Trong quá trình chiến đấu, bộ phận làm nhiệm vụ kiềm chế pháo ở chi khu Trị Tâm liên tục bắn phá trận địa pháo 105mm của địch, nên địch không thể chi viện hỏa lực cho Tiểu đoàn 2 khi bị ta tiến công.

Nói về trận đánh này, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh nhận định: “Đây là trận công đồn diệt viện của Tiểu đoàn PhúLợi và Đại đội 64 Dầu Tiếng, thể hiện sự vận dụng sáng tạo cách đánh chiến thuật “đánh điểm diệt viện” ở miền Đông Nam bộ giai đoạn đầu chống lại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Trận đánh thắng lợi là do ta nắm chắc địch, nghiên cứu bố trí trận địa ở vị trí rất bất ngờ đối với địch, tạo thuận lợi cho bộ đội xung phong đánh ở cự ly gần. Đội hình phục kích các bộ phận hợp lý, có lực lượng đối diện, hình thành thế bao vây. Hơn nữa, trận đánh được nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, bộ đội được luyện tập trước nhiều ngày theo phương án chiến đấu, kỹ thuật đánh thủ pháo đồng loạt, bắn găm theo phương án rất thành thục. Quá trình tổ chức thu gom chiến lợi phẩm, bắt tù binh và rút khỏi trận địa nhanh, chặt chẽ nên ta đã hạn chế được thương vong, giành thắng lợi lớn…”.

Kỳ 9: Tiêu diệt đoàn biệt kích “Lôi Hổ”

KIM HÀ