Liên kết tiềm năng để thúc đẩy du lịch sinh thái phát triển
(BDO) Được bao bọc, bồi đắp bởi con sông Đồng Nai nặng phù sa, mảnh đất Tân Uyên có cảnh quan thiên nhiên xanh tươi, mát mẻ. Trong quá trình đô thị hóa, Tân Uyên vẫn giữ được những nét đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, với những ruộng lúa xanh mướt, những vườn cây ăn trái trĩu quả… Đây cũng là tiềm năng để Tân Uyên khai thác, liên kết với các sản phẩm du lịch khác nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái (DLST) trên địa bàn, thu hút khách đến tham quan.
Những vườn bưởi tại xã Bạch Đằng đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan
Điểm nhấn du lịch sinh thái
Một trong những sản phẩm đặc trưng, mang “hương sắc” của Tân Uyên được nhiều người biết đến đó là bưởi Bạch Đằng. Ngày trước, muốn đến với Bạch Đằng phải qua đò, phà nên khá cách trở. Nhiều năm trở lại đây, khi cây cầu “nối những bờ vui” Bạch Đằng được xây xong, đưa vào sử dụng, người dân xã Bạch Đằng muốn đưa sản phẩm của mình đi tiêu thụ khắp nơi, cũng như du khách các nơi muốn đến đây tham quan, nghỉ ngơi đều rất thuận lợi. Cù lao Bạch Đằng cũng chỉ cách trung tâm TX.Tân Uyên chỉ vài km nên mọi người có thể đến đây bằng các phương tiện đường sông hay đi xe gắn máy, ô tô đều rất thuận lợi.
Nhắc đến Bạch Đằng người ta nghĩ ngay đến những vườn bưởi xanh tươi, trĩu cành khi vào mùa vụ. Điều đặc biệt nữa đó là trái bưởi của xứ Bạch Đằng rất “ngon và lành”, chỉ ăn một lần là nhớ mãi không thôi. Vì thế, trong thời gian qua, bưởi Bạch Đằng đã được địa phương rất chú trọng đầu tư phát triển, vừa để giúp người dân phát triển kinh tế, vừa tạo ra những vườn bưởi chất lượng để có thể khai thác phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) bưởi Bạch Đằng chia sẻ, HTX hiện có 11 thành viên, với khoảng 9,2ha bưởi các loại. “Đưa các vườn bưởi vào khai thác phát triển DLST theo định hướng của địa phương là điều rất được các thành viên quan tâm, ủng hộ. Ngoài quan tâm trồng bưởi đạt chất lượng, trong thời gian qua, các thành viên cũng đã đầu tư cải tạo lại vườn để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Hiện nay, 100% vườn cây thành viên đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong thời gian qua, HTX đã đón nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm cũng như học hỏi kinh nghiệm”.
Những vườn bưởi nơi đây với không gian xanh mát, yên tĩnh, con người thân thiện, nhiệt tình… là những điểm nhấn lôi cuốn du khách đến tham quan; trong đó có vườn bưởi của ông Dương Văn Minh, ở ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng rộng khoảng 2.300m2. Ngoài phục vụ bưởi ăn, trong thời gian qua, từ trái bưởi, ông Minh còn nghiên cứu sản xuất thêm tinh dầu bưởi, rượu bưởi, mứt bưởi… được khách hàng đón nhận và đánh giá cao. Thời gian qua, vườn bưởi của ông đã đón rất nhiều đoàn khách trong cũng như ngoài tỉnh đến tham quan. Nhiều đoàn khách đã trở nên thân thiết, mỗi khi đến địa phương đều phải ghé vào vườn bưởi của ông Minh để thư giãn trong không gian xanh. Nếu có nhu cầu, ông cũng sẵn sàng hỗ trợ du khách ăn uống, vui chơi ngay tại nhà mát trong vườn của mình.
“Khách du lịch ngoài tham quan, trải nghiệm, họ còn có nhu cầu mua các sản phẩm đặc sản về làm quà. Khi có nhiều người đến vườn bưởi, sản phẩm chúng tôi làm ra sẽ bán được giá hơn là bán trực tiếp cho các thương lái. Để phục vụ du lịch, nông dân chúng tôi chỉ dừng lại ở việc đầu tư cải tạo lại vườn, làm thêm những con đường nhỏ trong vườn để khách đi tham quan, cất nhà nghỉ mát, hay trồng thêm hoa để tạo không gian cho khu vườn thêm đẹp. Còn lại, muốn phát triển du lịch cần phải có sự hỗ trợ của địa phương, các ngành chức năng, đơn vị lữ hành… trong việc giới thiệu, quảng bá, tổ chức thêm các dịch vụ khác thu hút khách đến tham quan”, ông Minh chia sẻ.
Cách Bạch Đằng không xa, xã Thạnh Hội cũng là địa phương có tiềm năng khai thác để phát triển DLST. Ngoài di tích khảo cổ cấp quốc gia cù lao Rùa nổi tiếng, trên địa bàn xã Thạnh Hội còn có đình Nhựt Thạnh - ngôi đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Cùng với đó là con đường bản đồ do ông Mai Sông Bé (nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai) phối hợp thực hiện trong thời gian qua, đã và đang tạo thêm nét đẹp văn hóa độc đáo cho người dân địa phương cũng như thu hút thêm nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu.
Không gian yên bình, xanh mát của những ruộng lúa, vườn bưởi cùng với lối sống giản dị, ôn hòa của người dân vùng cù lao là những điểm nhấn, tiềm năng để liên kết với những lợi thế sẵn có khác của địa phương nhằm khai thác phát triển hoạt động DLST trên địa bàn TX.Tân Uyên.
Liên kết để phát triển
Phát triển DLST là một trong những định hướng phát triển trong kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn TX.Tân Uyên đã được UBND thị xã ban hành vào cuối năm 2021 vừa qua. Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Tân Uyên, việc triển khai thực hiện kế hoạch nhằm quản lý, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển du lịch.
Con đường bản đồ do ông Mai Sông Bé thực hiện đã tạo thêm nét văn hóa độc đáo cho vùng đất TX.Tân Uyên
Theo kế hoạch trên, phát triển DLST vườn, du lịch ven sông, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm đặc trưng là một trong những nội dung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Theo đó, trong thời gian tới, TX.Tân Uyên sẽ hình thành sản phẩm DLST ven sông; huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư sản phẩm du lịch đường sông, xây dựng các bến thủy phục vụ vận chuyển du lịch; đồng thời liên kết với tỉnh Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh để phát triển du lịch trên sông Đồng Nai. Cùng với đó, thị xã cũng sẽ đôn đốc nhà đầu tư triển khai hiệu quả dự án khu đô thị sinh thái Mekong Golf Villa Bạch Đằng. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP gắn kết với hoạt động du lịch, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân và du khách cũng được thị xã chú trọng. Đối với các địa phương có điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút khách du lịch và tăng mức chi tiêu của du khách. Cũng theo kế hoạch trên, việc phát triển loại hình du lịch homestay, farmstay, DLST gắn với tham quan di tích lịch sử, văn hóa cũng được địa phương quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm về những tiềm năng du lịch của TX.Tân Uyên, ông Nguyễn Tấn Phát cho biết, nhắc đến DLST TX.Tân Uyên không thể không nói đến những vùng cù lao nổi tiếng, gắn với những giá trị văn hóa truyền thống đã sớm hình thành trên vùng đất này như cù lao Bạch Đằng, cù lao Rùa (xã Thạnh Hội). Bên cạnh đó, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa của TX.Tân Uyên cũng khá phong phú, từ các căn cứ cách mạng đến các đình, chùa, miếu và nhà cổ. TX.Tân Uyên từ lâu còn có những sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ được nhiều người biết đến như nghề tre đan, nghề gốm… Điều thuận lợi nữa đó là trên địa bàn TX.Tân Uyên có con sông Đồng Nai chảy qua và giáp với những trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh như TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An.
Đến với TX.Tân Uyên du khách sẽ được tận hưởng không gian trong lành của những vườn cây trái ngon ngọt, đi thuyền trên sông, trải nghiệm làng nghề, thưởng thức ẩm thực địa phương, tìm hiểu đời sống yên ả của người dân vùng thôn quê. Với kế hoạch phát triển du lịch mới cùng với những giải pháp đã đặt ra và sự nỗ lực, vào cuộc của địa phương, ngành chức năng, rồi đây trên địa bàn TX.Tân Uyên sẽ sớm có những tour, tuyến DLST để phục vụ du khách, góp phần vào sự phát triển của TX.Tân Uyên trong thời gian tới.
HỒNG THUẬN