Lễ hội Thái miếu nhà Trần tại Quảng Ninh: Tri ân công đức các Vua Trần

Thứ tư, ngày 08/02/2023

(BDO)

Quang cảnh Lễ khai hội Thái miếu nhà Trần 2023.

Ngày 8/2 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Quý Mão), tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), Lễ hội Thái miếu nhà Trần năm 2023 đã khai mạc.

Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức to lớn của các Vua Trần và các bậc tiền nhân đã có công gây dựng đất nước, một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta.

Trong 175 năm trị vì đất nước (từ năm 1225 đến năm 1400), nhà Trần đã xây dựng Đại Việt trở thành một đất nước hùng cường, để lại những mốc son rực rỡ trên nhiều lĩnh vực chính trị và quân sự, kinh tế và văn hóa.

Với hào khí Đông A, vua tôi nhà Trần đã cùng chung sức, đồng lòng, mưu trí, dũng cảm, 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông, đế quốc hùng mạnh bậc nhất thời bấy giờ để giữ vững nền độc lập dân tộc.

Những địa danh như Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng giang, Vân Đồn mãi mãi in dấu những chiến công hiển hách của triều đại nhà Trần.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều Nguyễn Văn Ngoãn khẳng định Thái Miếu là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Triều đại nhà Trần đã khai sáng nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, với tư tưởng cư trần lạc đạo, làm nền tảng tư tưởng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam tới cấp độ Quốc giáo.

Với nhà Trần, Đông Triều không chỉ là quê gốc mà còn là Trung tâm văn hóa-tâm linh tiêu biểu và đặc sắc với quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, được coi là “thánh địa” linh thiêng của Thiền phái Trúc Lâm.

Tiêu biểu như am-chùa Ngọa Vân, nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và nhập Niết bàn-hóa Phật; đền An Sinh và lăng tẩm các Vua Trần được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngay từ đợt đầu năm 1962 cùng với nhiều di tích khác trên cả nước); Thái miếu - nơi thờ tổ tiên và hoàng tộc nhà Trần; chùa Quỳnh Lâm - được coi là Học viện Phật giáo đầu tiên của nước Đại Việt thời nhà Trần, nổi tiếng với bức tượng Phật Di Lặc-là một trong “An Nam tứ đại khí...”

Vùng đất An Sinh-Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, nơi đầu tiên nhà Trần đến sinh sống, lập nghiệp, sau này mới dời xuống vùng đất Long Hưng (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định) sinh sống.

Thái miếu nằm trên ngọn đồi thấp có tên là đồi Đình, địa thế núi có mặt bằng hình ông cá thiêng "linh ngư," nằm dài theo chiều Bắc Nam, mặt quay hướng chính Nam.

Sau khi lên ngôi, năm 1237, vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) đã ban cho anh trai mình là Trần Liễu vùng đất Ngũ Yên (Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Bang và Yên Hưng) để làm đất thang mộc và phong cho Trần Liễu là An Sinh Vương.

An Sinh Vương Trần Liễu đã cho xây dựng điện An Sinh và nhiều công trình phủ đệ tại đây. Đồng thời, ông cho xây dựng Tiên miếu (tức Thái miếu) để thờ cúng tổ tiên và cha của mình là đức Thái Tổ Trần Thừa.

Sau khi An Sinh Vương Trần Liễu mất, nhà Trần tiếp tục mở rộng Tiên miếu trở thành Thái miếu của Hoàng gia. Quy mô của Thái miếu ngày càng được mở rộng hơn. Các vị vua Trần sau khi mất đều được thờ tự tại đây.

Năm 2013, Thái miếu nhà Trần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích nhà Trần Đông Triều cho biết Lễ hội Thái miếu được phục dựng và bắt đầu được tổ chức vào năm 2019. Sau 3 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, đến năm 2023, Lễ hội tiếp tục tổ chức.

Lễ hội diễn ra từ ngày 18-20 tháng Giêng hàng năm. Ngày 18 tháng Giêng cũng là ngày giỗ Tổ Trần Thừa.

Về Lễ hội Thái miếu nhà Trần, nhân dân, du khách sẽ được vãn cảnh, du ngoạn 13 điểm di tích trong Khu Di tích nhà Trần như đền An Sinh, lăng Tư Phúc, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên./.

Theo TTXVN