Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo
(BDO) Tại hội nghị đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: “Người dân là người bầu ra hệ thống chính quyền các cấp, được quyền hưởng các dịch vụ mà chính quyền cam kết mang lại và cũng là người giám sát cơ quan Nhà nước. Vì thế, Nhà nước xác định, cần coi sự hài lòng của người dân là một chỉ số quan trọng”.
Có thể nói, bên cạnh việc nêu rõ bản chất tốt đẹp về một chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quan điểm trên còn coi sự hài lòng của người dân chính là thước đo chân thực về chất lượng, hiệu quả, cung cách của một nền hành chính vì nhân dân phục vụ. Chỉ số SIPAS là kết quả mang tính định hướng của việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Chỉ số SIPAS cũng là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể. Chính quyền là do người dân bầu ra và phải có trách nhiệm phục vụ người dân nên chính quyền cần biết mọi người dân nghĩ gì. Và theo các nhà phân tích, việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức sẽ giúp xác định lĩnh vực và vấn đề trong cung cấp dịch vụ, đặc biệt là công tác cải cách hành chính, đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước ở quy mô quốc gia được triển khai lần đầu tiên vào năm 2015. Tính đến tháng 12-2016, có 4 bộ, ngành và 32 địa phương đã chủ động triển khai và công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương. Tuy ở từng bộ, ngành, địa phương có tiêu chí đo lường, thang đánh giá có sự khác nhau nhưng bước đầu đã phản ánh khá sát tình hình thực tế, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước hiện nay. Hay nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: “Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đã phần nào tác động làm thay đổi tư duy, phương pháp giải quyết công việc của cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức để phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn”.
ĐÀM THANH