CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ CÙNG QUÂN DÂN CAMPUCHIA CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG:

“Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn” - Bài 3

Thứ sáu, ngày 04/01/2019

(BDO) Bài 3: Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép”

 Với tinh thần quốc tế cao cả, cùng với các đơn vị khác, Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long anh hùng đã phối hợp với lực lượng cách mạng của Campuchia và quân Chính phủ của Cộng hòa Nhân dân Campuchia mở các chiến dịch triệt hạ các căn cứ của Pôn Pốt.

 Cuộc chiến mới

Từ cuối năm 1975 đến cuối năm 1976, hành động xâm phạm biên giới, chủ quyền lãnh thổ càng ngày càng nghiêm trọng. Với phương châm “phá sạch, đốt sạch, giết sạch”, quân Pôn Pốt đã gây ra nhiều vụ tàn sát đồng bào ta hết sức dã man. Ngày 30-4- 1977, Pôn Pốt và Iêng Xa-ri chính thức công khai phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên quy mô lớn.

 

 Lễ xuất quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam năm 1977. Ảnh: T.L

Đại tá Phan Bá Tuyết, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4, cho biết Quân đoàn 4 là lực lượng dự bị, cơ động, chiến lược của bộ ở địa bàn phía Nam. Quân đoàn 4 khi đó đang trong quá trình củng cố tổ chức đơn vị, vừa huấn luyện chiến đấu vừa tham gia xây dựng kinh tế để đáp ứng với tình hình mới những năm đầu thống nhất, lại phải lao vào một cuộc chiến mới, đầy gian khổ và hy sinh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (1977-1978).

Trong 2 tháng, 6 và 8-1977, chấp hành mệnh lệnh của bộ, Quân đoàn 4 lần lượt điều các đơn vị cấp tiểu đoàn rồi trung đoàn đi chiến đấu, hỗ trợ và phối hợp với các lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 9 và nhân dân các địa phương ngăn chặn các cuộc tấn công của quân Khơ-me Đỏ. Ngày 25-9-1977, trong tình hình lực lượng vũ trang tại chỗ không đủ sức đẩy lùi quân địch, việc điều động các đơn vị dự bị của Quân khu 7 gặp khó khăn, Quân đoàn 4 nhận lệnh gấp rút điều động lực lượng cơ động lên biên giới Tây Ninh (vùng tây nam Tây Ninh tiếp giáp với Soài Riêng của Campuchia, trọng điểm tiến công của Khơ-me Đỏ), chính thức tham gia chiến đấu.

Với nhiệm vụ ban đầu là “nhanh chóng giải vây cho các đồn công an biên phòng và các khu vực đông dân cư đang bị địch bao vây; tiêu diệt các cụm địch trên đất nước ta, khôi phục lại biên giới”, Quân đoàn 4 điều Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9) giải vây khu vực Xa Mát (Tân Biên), Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) và Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) lên Bến Cầu. Đến ngày 2-10, sau hơn nửa ngày chiến đấu, các đơn vị của Quân đoàn 4 đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục biên giới, đồng thời triển khai chốt giữ các trọng điểm ở biên giới (như Mộc Bài, ấp Cây Me, cầu Thúc Múc, Tốc Xế và rừng Long Khánh) đánh địch phản kích, quấy phá biên giới…

 

 Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Phnôm Pênh ngày 7-1-1979. Ảnh: T.L

Sau khi hoàn thành việc giải vây, “làm sạch” khu vực giáp ranh, trước tình hình địch dồn quân ra biên giới, liên tục lấn chiếm và pháo kích sang đất ta, Quân đoàn 4 tiến hành nhiều trận phản công qua bên kia biên giới “nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch trên đất ta và khu vực giáp biên giới, tạo thế bố trí mới có lợi cho ta trong việc phòng thủ bảo vệ biên giới Tây Ninh”, “phá thế bu bám lấn chiếm của địch vào đất ta, buộc chúng phải đối phó ở bên kia biên giới, giúp lực lượng cách mạng của bạn củng cố, mở rộng căn cứ, bảo đảm cho các lực lượng phía sau xây dựng tuyến phòng thủ”.

Tiêu biểu là các trận phản kích tiến công quân Khơ-me Đỏ ở khu vực từ Bà Vét 2 đến Bà Vét 1 vào ngày 23-10-1977, cùng với lực lượng địa phương hỗ trợ cho nước bạn tiêu diệt địch ở khu vực này, đây là trận phản kích đầu tiên của Quân đoàn. Chiến dịch phản công đánh sang đông đông - bắc Soài Riêng lần thứ nhất tháng 12- 1977, ta đã giành thế chủ động, đánh bại âm mưu đánh sang Tây Ninh của địch. Chiến dịch phản công đánh đông đông - bắc Soài Riêng lần thứ hai từ ngày 26-4 đến 31-7-1988 gồm 2 giai đoạn và 5 đợt, chiếm khu vực này, chủ động tiến công tiêu diệt địch, đưa chiến tranh ra xa biên giới, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới tây nam tỉnh Tây Ninh…

Song song với việc tổ chức các cuộc phản kích qua biên giới, các đơn vị của Quân đoàn 4 còn tổ chức các chốt, cụm, tuyến phòng thủ từ cấp đại đội tới cấp quân đoàn nhằm bảo vệ biên giới, bảo vệ dân, hỗ trợ có hiệu quả cho các đợt phản kích theo chiến thuật “chốt kết hợp với vận động tiến công, dụ địch vào sâu để tiêu diệt; cử các đơn vị, cán bộ giúp các tỉnh vùng biên xây dựng các tuyến phòng thủ, huấn luyện du kích… Đặc biệt, Quân đoàn 4 còn tổ chức chiến dịch phòng thủ dài ngày (143 ngày đêm), quy mô cấp quân đoàn mang tên “Chiến dịch phòng ngự mùa mưa năm 1978” trên hướng đông đông - bắc Soài Riêng bắt đầu từ ngày 28-7-1978, nhằm tạo thế tiêu diệt địch, giữ vững tuyến biên giới 50km trong mùa mưa.

Hoàn thành sứ mệnh cao cả

Trước hành động tiến công của quân Pôn Pốt trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta và theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, từ ngày 6 và 7-12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm tổng phản công - tiến công chiến lược giải phóng Campuchia. Lực lượng tham gia gồm 18 sư đoàn thuộc 3 quân đoàn (4, 3, 2), 3 quân khu (5, 7, 9) với hơn 600 xe tăng, xe thiết giáp, 137 máy bay, 160 tàu thuyền chiến đấu và vận tải, tổng cộng 250 ngàn quân do đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh Mặt trận trực tiếp chỉ huy.

Trong hai ngày 30 và 31-12- 1978, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 họp tại Sở chỉ huy ở Bos Môn, nam ngã tư Nhà Thương. Hội nghị tổ chức quán triệt quyết tâm của bộ, tập trung bàn sâu, kỹ về vinh dự, tự hào và trách nhiệm được bộ giao nhiệm vụ phối hợp cùng bạn tiến công giải phóng Phnôm Pênh từ hướng Đông Nam (hướng chủ yếu); nhiệm vụ chung của quân đoàn; tổ chức hiệp đồng và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân đoàn được phổ biến nhanh chóng đến các đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ tràn đầy khí thế sẵn sàng. Công tác chuẩn bị được khẩn trương xúc tiến để bước vào chiến dịch.

Đại tá Phan Bá Tuyết cho biết ngày 1-1-1979, ta thực hiện quyết tâm của bộ, các đơn vị đồng loạt nổ súng. Sau bảy ngày chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đến 7 giờ, ngày 7-1-1979 đội hình tiến vào Phnôm Pênh của Quân đoàn 4 lần lượt xuất phát. Trung đoàn 141, Trung đoàn 209 và Trung đoàn 165 phối hợp với Binh đoàn 1 của bạn tổ chức vượt sông Mê Kông qua bến phà Nek Lương. Vào lúc 10 giờ, liên quân chiếm được cầu Mô Ni Vông. Sư đoàn 260 của địch chốt giữ ở đây chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy về hướng tây. 11 giờ, liên quân tiến vào thành phố Phnôm Pênh. Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 141) chiếm Khu Sứ quán, Tiểu đoàn 1 chiếm Cơ quan Trung ương địch, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 209) chiếm đài phát thanh, Tiểu đoàn 9 phát triển về phía tây. Đúng 12 giờ ngày 7-1-1979, các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và Binh đoàn 1 của bạn đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Phnôm Pênh.

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn kể từ lúc nhận nhiệm vụ đảm nhiệm hướng chủ yếu giúp bạn giải phóng Phnôm Pênh, được sự giúp đỡ và phối hợp chiến đấu của nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, Quân đoàn 4 đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến dịch: Tiêu diệt sinh lực địch, đập tan bộ máy chính quyền phản động, chiếm giữ các vị trí trọng yếu và làm chủ thành phố trước thời hạn một ngày, giải phóng cho nhân dân nước bạn, thực hiện tốt chính sách dân vận, chính sách đối với tù hàng binh và công tác quần chúng. Trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, chưa hiểu biết nhiều về phong tục tập quán của nhân dân bạn, kẻ địch vẫn ngoan cố tìm mọi cách chống trả quyết liệt, những chiến công và thành tích của Quân đoàn 4 càng mang tầm vóc và ý nghĩa lớn lao, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến lược của toàn mặt trận. Các đơn vị và các cán bộ, chiến sĩ đều lập công xuất sắc, chấp hành tốt công tác chính sách và trong quy định quan hệ với nhân dân nước bạn, được nhân dân tin yêu, nhiệt tình giúp đỡ (còn tiếp).

 THU THẢO