CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ CÙNG QUÂN DÂN CAMPUCHIA CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG:
“Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn” - Bài 2
Bài 2: Sông Bé - Bình Dương cầm súng diệt ác!
(BDO) Tập đoàn phản động Pôn Pốt đã phản bội lại lợi ích dân tộc Campuchia và mối quan hệ hữu nghị gắn bó từ lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Và lẽ đương nhiên khi biên cương Tổ quốc bị xâm lấn, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân ta phải cầm vũ khí chống lại. Cùng với các đơn vị vũ trang, nhân dân Sông Bé - Bình Dương, mà chủ lực là Tiểu đoàn Phú Lợi đã lên đường cầm súng diệt ác, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, không để kẻ thù xâm phạm lãnh thổ.
Ký ức của người lính
Ông Dương Văn Liễu nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi, một trong những lực lượng nòng cốt của LLVT tỉnh Sông Bé - Bình Dương tham gia đánh bọn phản động Pôn Pốt. Hiện nay, ông đã bước qua tuổi 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng sức khỏe khá yếu do căn bệnh giống như vảy nến hành hạ. Ông nói: “Đi khắp các bệnh viện, uống đủ thứ thuốc nhưng bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn ngày càng phát triển. Ngày trước, tôi chỉ bị chân phải nay lan sang chân trái. Ngứa không thể tả. Bệnh làm chân sưng to như chân voi, co rút các gân đi lại khó khăn”. Ông cho biết, chất độc trong cuộc chiến chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh quái ác này. Ngứa ngáy khó chịu là vậy nhưng ông Dương Văn Liễu còn rất lạc quan và cho biết, ông vẫn còn may mắn. Bởi có người vừa bước chân lên đất nước bạn, đạp phải chất độc này, bị ăn rụng cả bàn chân. Đến giờ, vẫn chưa ai xác định được đó là chất độc gì.
Đại tá Trần Văn Châu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi đang giao nhiệm vụ cho cán bộ Tiểu đoàn Phú Lợi trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới
Đó chính là hậu quả của gần 2 năm ông tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam để giúp bạn cũng là giúp mình. Ông Dương Văn Liễu bắt đầu hồi tưởng lại những ngày tháng tham gia chiến đấu trên đất nước bạn Campuchia. Ông kể, ngày 30-4- 1977 Pôn Pốt đã tấn công sang nhiều làng mạc dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng biên giới Sông Bé, Đặc khu 505 của Kratié và Sư đoàn 260 của quân khu Đông Bắc Campuchia, chúng đã điều lực lượng áp sát biên giới tỉnh Sông Bé. Tháng 4-1977, chúng liên kết mở những đợt hoạt động xâm nhập trinh sát từ bắc Bù Đốp đến Tống Lê Chân, hòng lấn chiếm một số vị trí quan trọng trên tuyến biên giới của tỉnh Sông Bé, tạo bàn đạp và thế tấn công vào sâu trong đất nước ta. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của trên, Tỉnh ủy Sông Bé đã ra nghị quyết xác định phòng thủ biên giới là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn Đảng bộ và chủ trương xây dựng tuyến phòng thủ biên giới.
Tỉnh đội Sông Bé - Bình Dương lập Bộ Chỉ huy tiền phương, huy động các tiểu đoàn, các đại đội của tỉnh, huyện đã được quân khu tăng cường tập trung củng cố điều động bố trí đứng chân nhằm giữ vững đường biên giới và vùng lãnh thổ. Sau đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập Ban Biên giới nhằm thống nhất chỉ huy đánh địch và huy động lực lượng xây dựng tuyến phòng thủ. Mặt khác, tỉnh phối hợp với quân khu mở chiến dịch tấn công Cà Chay, Mi Mốt, Snoul, đợt tấn công nhằm để phòng thủ, đưa chiến tranh sang đất địch, sau đó ta chủ động rút về biên giới giữ đất nước ta. Thế nhưng địch lại tập trung tăng cường lực lượng xây dựng và củng cố các cao điểm ở phía nam huyện Snoul thành pháo đài, từ đó bằng pháo tầm xa chúng bắn phá các xã biên giới Lộc Ninh.
Trước ngày 25-9-1977, dọc tuyến biên giới Quân khu 7, quân Khơ-me Đỏ có sư đoàn 3, sư đoàn 4 bộ binh. Sau ngày 25- 9-1977, chúng tăng cường lên 7 sư đoàn với khoảng 55.000 tên, chiếm 40% tổng quân số quân chủ lực của chúng. Riêng vùng biên giới Sông Bé - Kratié, Pôn Pốt đã huy động Sư đoàn 260 cùng một sư đoàn thuộc Sư đoàn 920 phối hợp với một Trung đoàn vùng 505 và nhiều tiểu đoàn, đại đội địa phương rải đều, áp sát vùng biên giới. Bọn Khơ-me Đỏ xây dựng các điểm cao 95, 100, 102 ở phía nam huyện Snoul thành những cứ điểm vững chắc. Từ những căn cứ bàn đạp này, chúng dùng pháo bắn vào các xã biên giới của ta và tổ chức tiến vào các vị trí Hoàng Diệu, Hoa Lư. Theo lộ 13, chúng luồn qua biên giới đến làng 7, làng 9 thuộc xã Lộc Tấn, uy hiếp, đe dọa đoạn đường từ cầu Trắng đến ngã ba Công Chánh; luồn rừng, thọc sâu gây thảm họa ở Thiện Hưng, Hưng Phước. Tất cả những hành động của chúng đã xác nhận bộ mặt phản bội, tàn ác dã man.
“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”
Trước thực tế đó, quân dân Sông Bé - Bình Dương quyết tâm cùng bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân, không để kẻ thù xâm phạm lãnh thổ. Công trường xây dựng tuyến phòng thủ chiến đấu được triển khai liên tục, hoàn chỉnh tuyến mìn, cò vây, đào hào đắp ụ chiến đấu rộng 50m chạy suốt đường biên giới, trừ những nơi hiểm trở địch không thể vượt qua được. Sau tuyến phòng thủ chiến đấu là con đường rừng có thể cho xe cơ giới hoạt động, cơ động. Trong lòng vòng cung biên giới là 9 làng xã sẵn sàng chiến đấu. Nhân dân, bộ đội, dân công đào hào, rào kẽm gai, cắm chông, đắp ụ chiến đấu bảo đảm “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Ông Dương Văn Liễu nhớ lại, tháng 5-1977, cùng với LLVT Quân khu 7, Tiểu đoàn Phú Lợi được điều lên biên giới đánh địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngày 20- 6-1977, Trung đoàn trưởng Hun Sen cùng 4 người lính đã rời huyện Memot, tỉnh Kompong Cham đến ấp Hoa Lư (xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) để tìm kiếm sự giúp đỡ của Việt Nam. Lúc này, ông Hun Sen chỉ mới 25 tuổi và đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, vì không còn đường về. Bởi lẽ, rất nhiều người Campuchia trở về gần như đều bị Khơ-me Đỏ bắn chết. Còn với Việt Nam, khi chủ quyền lãnh thổ, cuộc sống của nhân dân đang bị đe dọa, không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng để bảo vệ biên giới, bảo vệ đồng bào mình và đứng về phía quân cách mạng Campuchia để giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Giai đoạn này, trên biên giới Sông Bé - Kratié, tình hình ngày một căng thẳng. Cuối tháng 11-1977, Tiểu đoàn Phú Lợi được lệnh phối hợp với Trung đoàn Gia Định thọc sâu vào đất Campuchia tiến công vào vị trí trú quân của địch với tư tưởng, một tấc đất của Tổ quốc dù chỉ là sỏi đá cũng phải giữ cho bằng được.
Ông Dương Văn Liễu cho biết, kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra ở toàn tuyến biên giới Tây Nam trên địa bàn Quân khu 7 (ngày 25-9-1977) cho đến lúc ta chặn được bước chân xâm lược của Khơ-me Đỏ ở bên kia biên giới (tháng 1-1979), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, LLVT tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã trải qua 21 tháng vừa chiến đấu vừa xây dựng với sự chi viện của quân dân TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Phối hợp với LLVT của quân khu, các LLVT tỉnh Sông Bé đã góp phần quan trọng vào việc giải phóng hoàn toàn Tà Nung, Mi Mốt, Snoul của tỉnh Kratié, góp phần mở ra vùng giải phóng đầu tiên để Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đứng chân trực tiếp lãnh đạo nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ, góp phần xứng đáng vào chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Với sự giúp đỡ của quân dân Sông Bé - Bình Dương và cả nước, tỉnh Kratié từ đống tro tàn của chế độ diệt chủng, nhân dân Kratié nói riêng và người dân Campchia nói chung đã dần hồi sinh. (còn tiếp)
Kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra ở toàn tuyến biên giới Tây Nam trên địa bàn Quân khu 7 (ngày 25-9- 1977) cho đến lúc ta chặn được bước chân xâm lược của Khơ-me Đỏ ở bên kia biên giới (tháng 1-1979), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, LLVT tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã trải qua 21 tháng vừa chiến đấu vừa xây dựng với sự chi viện của quân dân TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Phối hợp với LLVT của quân khu, các LLVT tỉnh Sông Bé đã góp phần quan trọng vào việc giải phóng hoàn toàn Tà Nung, Mi Mốt, Snoul của tỉnh Kratié, góp phần mở ra vùng giải phóng đầu tiên để Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đứng chân trực tiếp lãnh đạo nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ, góp phần xứng đáng vào chiến thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc...
(ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi)
THU THẢO