Khởi động lại thị trường du lịch nội địa- Kỳ 1

Thứ hai, ngày 25/05/2020

(BDO) Trong không gian du lịch Việt Nam, Bình Dương nằm trong tiểu vùng du lịch Đông Nam bộ, có khả năng kết nối với nhiều trung tâm du lịch ở các tỉnh, thành phố lân cận, như: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh... Trong những năm qua, Bình Dương được đánh giálànơi cónhiều tiềm năng đểphát triển du lịch với rừng tự nhiên, hồ, sông, vườn cây ăn trái, di tích lịch sử - văn hóa, khu du lịch nhân tạo…

Tham quan tìm hiểu làng nghề truyển thống Bình Dương, một trong những thế mạnh du lịch cần khai thác để thu hút du khách

 

Đa dạng tiềm năng

Bình Dương nằm trong lưu vực 3 con sông lớn gồm: Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé. Phù sa bồi lắng, tạo nên những cù lao xanh mát, vườn trái cây tươi tốt, trĩu quả, cùng với những khu, điểm du lịch đầy đủ các loại hình dịch vụ được đầu tư xây dựng quy mô hoành tráng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách. Trên địa bàn có những điểm du lịch tên tuổi như: Khu du lịch Đại Nam, Phương Nam Resort, Du lịch Xanh Dìn Ký, Khu du lịch sinh thái Thủy Châu, vườn cây ăn trái đặc sản Lái Thiêu, khu vực núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, núi Châu Thới… Cùng với đó, Bình Dương còn được biết đến là vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa truyền thống, như: Nhà tù Phú Lợi, Ðịa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Ð, chùa Hội Khánh, chùa Bà Thiên Hậu, những ngôi nhà cổ, các làng nghề truyền thống sơn mài, gốm sứ, mây tre đan…

Đến Bình Dương, du khách sẽ thực sự hài lòng với dịch vụ tiện nghi trong các khu, điểm du lịch, cảm nhận không khí mát mẻ, trong lành, hay khám phá những công trình kiến trúc, di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cũng như tìm hiểu đời sống văn hóa của vùng đất trù phú này. Một trong những điểm đến trên địa bàn tỉnh sẽ thu hút đông du khách là Khu du lịch Đại Nam (TP.Thủ Dầu Một). Đây là điểm đến thu hút khá đông lượng du khách bởi sự kết hợp giữa văn hóa, lịch sử, tâm linh với nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng những giá trị tinh hoa của đất Việt, tham quan những công trình tâm linh ấn tượng, khám phá biển, hồ, sông, núi nhân tạo được ví như hình ảnh non nước Việt thu nhỏ và được vui chơi trong những khu giải trí thú vị. Đặc biệt, trong dịp lễ, cuối tuần, khu du lịch thường tổ chức nhiều chương trình đặc sắc như đua xe, đua chó, đua ngựa... nhằm phục vụ nhu cầu của du khách.

Khu du lịch Thủy Châu (TP.Dĩ An) cũng là một chọn lựa cho những ai thích thú với dã ngoại. Thủy Châu là một khu du lịch sinh thái với khuôn viên rộng hơn 18 ha, có đầy đủ phong cảnh rừng cây, thác nước sạch. Bên cạnh đó, tại đây còn có khu nhà hàng sân vườn với giá cả hợp lý, thực đơn phong phú... Ngoài ra, tại các điểm khu vui chơi khác như hồ Dầu Tiếng, Khu du lịch Xanh Dìn Ký... cũng sẽ có đông đảo khách từ các tỉnh lân cận tìm về. Nếu không nhắc đến ẩm thực Bình Dương thì đó là một thiếu sót đối với du khách. Món bánh bèo bì chợ Búng, nem Lái Thiêu, gỏi trái cây làm từ măng cụt Lái Thiêu, bánh tráng Phú An… tất cả đang chờ đón du khách.

Chưa khai thác hết lợi thế

Bình Dương còn có hai thế mạnh rất quan trọng khác cho phát triển du lịch, đó là nằm ngay cạnh TP.Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế của cả nước, gần sân bay quốc tế, thuận lợi để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh là tỉnh có mức độ đô thị hóa và công nghiệp hàng đầu Việt Nam, kéo theo nhu cầu du lịch và năng lực kinh tế du lịch cao.

Mặc dù vậy, hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh chưa có giá trị thật sự nổi trội, chưa thành chuỗi dịch vụ liên hoàn để tạo khả năng cạnh tranh. Ông Phạm Phú Thy, Giám đốc Công ty Vietravel - Chi nhánh Bình Dương, chia sẻ chi nhánh công ty đã từng đưa ra thị trường với sản phẩm du lịch điểm đến là Bình Dương, tuy nhiên cũng chưa thu hút nhiều du khách tham quan. Du lịch Bình Dương vẫn còn nhiều hạn chế, như: Nghèo sản phẩm, thiếu đặc trưng, thiếu khả năng cạnh tranh... Bình Dương là điểm đến hấp dẫn, có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên chưa tạo được thương hiệu có sức lan tỏa lớn; cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, đồng bộ; sản phẩm du lịch chưa được khai thác hiệu quả. “Để hướng tới phát triển du lịch bền vững, đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là vấn đề đang được Bình Dương chú trọng và nỗ lực thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ. Do đó, việc quảng bá, tuyên truyền du lịch Bình Dương cần có kế hoạch cụ thể, chiến lược rõ ràng”, ông Thy bộc bạch.

SởVH-TT&DL đã xây dựng, từng bước thực hiện đề án quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh đến năm 2020 vàtầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào đầu tư hạtầng phục vụdu lịch, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụcho du lịch. Trong định hướng phát triển du lịch, tỉnh xác định du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược. Theo đó, tỉnh tập trung duy trì và ưu tiên phát triển ba không gian du lịch, bao gồm: Không gian phía nam (du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước; du lịch văn hóa tham quan di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề, tâm linh, tín ngưỡng; vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần, mua sắm, MICE, thể thao cao cấp...); không gian phía tây bắc (du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái); không gian phía đông (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, thể thao cao cấp).

Bình Dương phấn đấu đưa ngành du lịch phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp, từng bước trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố Bình Dương trong tương lai. Phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch Bình Dương được xếp vào nhóm địa phương có du lịch phát triển mạnh trong cả nước và khu vực. (còn tiếp)

Theo Sở VH-TT&DL Bình Dương, tổng doanh thu du lịch trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Con số đó được thể hiện qua việc lượng khách du lịch đến với Bình Dương tăng hàng năm, đưa doanh số du lịch tăng liên tục. Cụ thể, năm 2017, tỉnh thu hút 4,55 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.280 tỷ đồng; năm 2018, thu hút 4,75 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng; năm 2019, thu hút 5,15 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.440 tỷ đồng.

THOẠI PHƯƠNG

Từ khóa: