Khai thác tiềm năng du lịch các đảo nhỏ ở Tây Nam Tổ quốc

Thứ bảy, ngày 28/12/2024

(BDO) Kiên Giang là tỉnh ven biển nằm ở cực Tây Nam Tổ quốc, có bờ biển dài hơn 200km, trên 143 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều bãi tắm đẹp thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch mỗi năm.


Du thuyền phục vụ khách du lịch trải nghiệm vùng biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Đặc biệt, những năm gần đây, một số quần đảo, hòn đảo như Hòn Sơn, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc… được quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh, đưa ngành Du lịch địa phương phát triển nhanh theo hướng bền vững.

Nét đẹp hoang sơ

Quần đảo Hải Tặc thuộc xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên có 18 hòn đảo (16 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 đảo chìm) với tổng diện tích tự nhiên hơn 250 ha. Đầu năm 2018, quần đảo này được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận là khu du lịch địa phương, từ đó đến nay được quan tâm đầu tư, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội xã đảo Tiên Hải phát triển mạnh. Quần đảo Hải Tặc luôn tạo sự tò mò ngay ở chính cái tên và đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn bởi sự hoang sơ, kỳ bí, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Chị Trần Mỹ Duyên, ngụ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hơn 10 năm trước, khi còn là học sinh Trung học phổ thông chị đã nghe và chú ý đến tên gọi đảo Hải Tặc, tuy nhiên đến nay, mới có dịp cùng gia đình tới tham quan quần đảo này. Chị Duyên cho biết, hơn 10 thành viên trong đoàn đều thích thú với cảnh thiên nhiên hoang sơ, bãi biển cát trắng trải dài bên làn nước biển trong xanh cùng nhiều trải nghiệm thú vị như thưởng thức hải sản tươi ngon tự tay bắt được, lặn ngắm san hô, các loại sò, ốc bằng những chiếc tàu du lịch tham quan quanh đảo. Bên cạnh đó, gia đình đến thăm miếu Bà chúa Hòn, chùa Sơn Hòa Tự, nhà thờ Phanxico - những địa điểm tâm linh quan trọng của người dân trên đảo.

Bà Nguyễn Thị Mộng Quyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Tiên cho biết, Hà Tiên có lịch sử hình thành lâu đời, với nhiều đặc trưng về văn hóa truyền thống, di sản thiên nhiên độc đáo, nổi tiếng của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những điểm đến không thể bỏ qua khi tới Hà Tiên là quần đảo Hải Tặc, đầm Đông Hồ, bán đảo Mũi Nai - Núi Đèn, Thạch Động, Đá Dựng, Pháo Đài, sông Đông Hồ, vịnh Bãi Nò, quần thể di tích Lăng Mạc Cửu... Riêng quần đảo Hải Tặc những năm gần đây phát triển mạnh du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút khoảng 400.000 lượt khách mỗi năm.

Quần đảo Hải Tặc có điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, nuôi trồng thủy sản, đạt chất lượng khá cao. Đặc biệt, những năm gần đây, xã đảo này phát triển du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương. Hiện nay, điện lưới quốc gia được kéo ra xả đảo Tiên Hải và địa phương đầu tư hồ chứa nước, cơ sở hạ tầng du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách.

Bà Quyên cũng cho biết, thời gian tới, thành phố Hà Tiên tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, chăm sóc và tôn tạo cảnh quan, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung huy động cộng đồng xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ du lịch gắn với thu hút, mời gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nâng lên tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; từng bước tạo thêm nhiều sản phẩm phục vụ du khách và thay đổi diện mạo du lịch địa phương thật ấn tượng, khai thác sâu tiềm năng để phát triển du lịch xã đảo.

Hòn Sơn là đảo nhỏ thuộc xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, có diện tích 11,5 km2, nằm cách thành phố Rạch Giá khoảng 65 km về phía Tây. So với một số đảo du lịch nổi tiếng ở tỉnh Kiên Giang như Phú Quốc, Nam Du, đảo Hòn Sơn được khai thác phát triển du lịch muộn hơn. Tuy nhiên, nhờ nét đẹp còn hoang sơ, với một số bãi biển trong xanh, dài cắt trắng như bãi Bàng, bãi Thiên Tuế, bãi Giếng, bãi Nhà, bãi Bấc… nơi đây có lượng khách đến tham quan, khám phá ngày càng tăng.

Du khách Lâm Văn Thái, ngụ thành phố Cần Thơ chia sẻ, đây là lần thứ 3 anh đến du lịch ở Hòn Sơn. Điều làm anh và nhóm bạn thích nhất khi đến đây chính là phong cảnh biển đảo còn hoang sơ, giá các dịch vụ tương đối bình dân và người dân địa phương lịch sự, mến khách.

Theo ghi nhận, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở xã đảo Lại Sơn thực hiện nghiêm chủ trương, quy định của chính quyền địa phương, ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang về xây dựng du lịch chất lượng, an toàn, thân thiện.

Anh Huỳnh Minh Kha, quản lý Khu Du lịch Bãi Bàng, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải cho biết, Khu du lịch Bãi Bàng được hình thành hơn 4 năm. Đơn vị đặt tiêu chí xây dựng và phát triển du lịch lâu dài nên rất chú trọng cung cách phục vụ khách, đồng thời kinh doanh đúng giá đã niêm yết.

“Lợi thế của chúng tôi là có nguồn hải sản tại chỗ tươi ngon và giá đầu vào cũng khá thấp nên khu du lịch phục vụ các món ăn với giá bình dân. Thời gian gần đây, bên cạnh cung ứng dịch vụ ăn, nghỉ tại bãi biển, chúng tôi tổ chức thêm một số dịch vụ như, đưa khách tham quan ven đảo, lặn ngắm san hô, chèo sub, trải nghiệm tại các bè nuôi cá… được du khách trong nước và quốc tế thích thú, đánh giá cao", anh Kha nói.

Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lại Sơn Trần Quốc Tiến, đảo Hòn Sơn bắt đầu phát triển mạnh du lịch từ năm 2018 đến nay; qua thống kê trung bình mỗi năm xã đảo này đón khoảng từ 600.000 - 700.000 lượt khách, lượng khách năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10-15%.

Xác định du lịch là một trong những ngành thế mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã tranh thủ nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông, kêu gọi đầu tư hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, resort và một số dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhu cầu cơ bản của khách du lịch. Cùng với đó là tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ du lịch về giá, an toàn thực phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện hiệu quả mục tiêu “xây dựng du lịch Hòn Sơn văn minh, an toàn, thân thiện”.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh thu hút 317 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch với tổng vốn trên 16,5 tỷ USD. Trong năm 2024, tỉnh đón trên 9,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của từ hoạt động du lịch của các hòn đảo, quần đảo trong tỉnh.

Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm cho biết, thời gian tới, bên cạnh củng cố các sản phẩm du lịch hiện có, tỉnh tiếp tục hình thành 3 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Tham quan hệ sinh thái địa hình karst giao thoa biển và đồng bằng (Hà Tiên - Kiên Lương); tham quan nghiên cứu về bò biển, cá heo và đồi mồi trong môi trường tự nhiên Phú Quốc; tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái rừng nhiệt đới Phú Quốc. Đồng thời, tỉnh hình thành sản phẩm du lịch thiên nhiên, du lịch thương mại cửa khẩu, khảo cổ văn hóa Óc Eo, du thuyền, mua sắm, du lịch sáng tạo, du lịch thực tế ảo, trải nghiệm đời sống hoang dã, du lịch khám phá thành phố Hà Tiên, quần đảo Hải Tặc…

“Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động nguồn lực phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho người dân bản địa làm du lịch và làm chủ kinh tế từ hoạt động du lịch cộng đồng… Đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước gắn công tác thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và hội nhập quốc tế”, bà Quảng Xuân Lụa chia sẻ.

Theo TTXVN