Khai thác tiềm năng du lịch Bình Dương
(BDO) Bình Dương được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với rừng tự nhiên, hồ, sông, vườn cây ăn trái, di tích lịch sử - văn hóa, khu du lịch… Để phát triển du lịch trong tương lai gần và xa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã xây dựng, từng bước thực hiện đề án quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch.
Du lịch bắt đầu khởi sắc
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, du lịch Bình Dương bắt đầu khởi sắc. Con số đó được thể hiện qua việc lượng khách du lịch đến với Bình Dương tăng hàng năm, đưa doanh số du lịch tăng liên tục. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng lượt khách du lịch của tỉnh đạt hơn 4,5 triệu lượt, trong đó có 240.000 lượt khách quốc tế và 4,3 triệu lượt khách nội địa; doanh thu từ du lịch đạt 1.280 tỷ đồng.
Du lịch tâm linh thu hút đông du khách đến với Bình Dương dịp đầu năm mới. Trong ảnh: Đông đảo du khách tham gia lễ rước Kiệu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu rằm tháng giêng Mậu Tuất 2018
Thu hút đông khách du lịch đến với Bình Dương phải kể đến là lễ hội tâm linh chùa Bà Thiên Hậu tại TP.Thủ Dầu Một. Đây được xem là lễ hội ấn tượng nhất trong năm. Chỉ tính riêng trong thời gian diễn ra lễ hội, mỗi năm có hàng triệu du khách đến chùa tham quan, chiêm bái. Để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội Rằm tháng giêng TP.Thủ Dầu Một có những hoạt động đón tiếp, chăm lo du khách. Trong đó phải kể đến đó là việc kêu gọi các cá nhân, đơn vị cùng thực hiện “lễ hội miễn phí” từ món ăn, nước uống, xe ôm… cho du khách trong 2 ngày diễn ra lễ chính. Chính vì vậy du khách cảm thấy hài lòng khi chọn Bình Dương là điểm đến đầu năm mới.
Ngoài du lịch tâm linh, các khu du lịch tư nhân, địa danh du lịch trong tỉnh cũng đã thu hút khách đến với Bình Dương. Đơn cử là Khu du lịch Đại Nam, mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách với những khu trò chơi, tham quan, nghỉ dưỡng. Còn những điểm du lịch miễn phí như chùa núi Thái Sơn - lòng hồ Dầu Tiếng, chùa núi Châu Thới (TX.Dĩ An), vườn cây ăn trái Lái Thiêu, du lịch làng nghề, làng tre Phú An… những năm qua cũng là điểm dừng chân của du khách khi đến với Bình Dương. Chị Lê Thị Minh Hoa, đến từ TP.Đã Nẵng, cho biết chị thường xuyên đi công tác tại Bình Dương nhưng chưa được tham quan những địa danh nơi đây. Mùa hè này, chị đưa cả gia đình đến đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, sự phát triển của mảnh đất này. Gia đình chị đã dành 3 ngày để đi những địa điểm nổi tiếng của tỉnh, ai cũng yêu thích và hứa hẹn sẽ còn quay lại.
Chuẩn bị tốt đón du khách
Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết có được thành quả trên là do sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành du lịch tỉnh Bình Dương, bên cạnh đó, ngành đã kêu gọi nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư; tổ chức quán triệt cho các điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những hành vi sai trái trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch còn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ bằng cách mở các lớp học nghiệp vụ. Từ năm 2008 đến nay, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các trường đào tạo trong và ngoài tỉnh tổ chức được 11 lớp chuyên môn nghiệp vụ dành cho đội ngũ lao động đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Điều này đã từng bước góp phần ngày càng chuẩn hóa đội ngũ phục vụ, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của ngành du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.
Xác định vai trò cấp thiết trong việc phát triển du lịch địa phương, tỉnh cũng đã cho thành lập Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh. Những năm qua, trung tâm cũng đã phát huy vai trò của mình trong việc biên soạn các ấn phẩm du lịch, triển lãm trưng bày các gian hàng giới thiệu du lịch Bình Dương tại các hội chợ. Đặc biệt, trung tâm tạo điều kiện, tổ chức hội thảo, gặp gỡ các doanh nghiệp lữ hành trong, ngoài tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch…
Phát triển tiềm năng du lịch, Bình Dương cũng xác định, phân chia các loại hình du lịch như du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch thể thao cao cấp, du lịch văn hóa truyền thống. Trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành các cụm du lịch tiêu biểu như cụm phía nam, gồm TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và một phần phía nam TX.Bến Cát sẽ tập trung xây dựng sản phẩm chính là du lịch miệt vườn, tham quan làng nghề, vui chơi giải trí, di tích lịch sử, văn hóa.
Với lĩnh vực du lịch, đến năm 2020, tỉnh có nhu cầu được đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước chiếm từ 15 -20%, phần còn lại từ các nguồn vốn kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cũng từ nay đến năm 2020, tỉnh Bình Dương phấn đấu đạt mục tiêu phát triển du lịch với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt khoảng 20%. Tỉnh chú trọng bảo tồn quỹ đất cho phát triển du lịch sinh thái, hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành dịch vụ cao cấp.
TỐ TÂM