Khai thác lợi thế từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Chính vì thời gian từ nay đến ngày 31-12- 2015 còn rất ít nên ngay từ bây giờ các DN phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh trước thềm hội nhập.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh trước thềm AEC. Trong ảnh: Sản xuất động cơ điện tại Công ty Bonfiglioli, Khu công nghiệp Bàu Bàng (TX.Bến Cát) Ảnh: XUÂN THI
Nhiều DN còn “mù mờ” về AEC
Trong một hội thảo gần đây về khả năng thích nghi của DN Việt Nam được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho hay, nếu xét mối quan hệ trong AEC thì Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, AEC sẽ có tác động tiêu cực đến không ít ngành nghề, DN khác nhau; trong đó có một số ngành mà Việt Nam sẽ bị thu hẹp ít nhiều, thậm chí một số DN sẽ bị phá sản.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương, Phó Trưởng đoàn đàm phán AEC của Việt Nam cho rằng, một số ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều khi tham gia AEC nhưng các ngành dịch vụ, thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Riêng ngành nông nghiệp, ông Thái đánh giá sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, muốn tham gia tốt bà con nông dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm nông nghiệp các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines…
Ảnh hưởng lớn là thế nhưng theo khảo sát mới nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện tại 700 DN vừa và nhỏ ở 5 tỉnh, thành là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Dương thì có tới 76% DN cho biết không biết và không hiểu gì về AEC, 94% DN không biết về nội dung đàm phán của AEC; trong khi đó có đến 63% DN không hiểu gì về thách thức và cơ hội khi Việt Nam gia nhập AEC vào cuối năm nay.
Việc thiếu thông tin về hội nhập sẽ khiến cho DN Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi gia nhập AEC. Đây là nỗi lo lớn nhất đối với DN trước ngưỡng cửa hội nhập đang cận kề. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc về khu vực DN trong nước. Năm 2015 là “Năm doanh nghiệp”, rất cần sự đồng thuận từ Chính phủ tới các bộ, ngành để hỗ trợ nhiều hơn cho DN trước thềm AEC.
Cần nắm thế chủ động
Để chủ động trước thềm hội nhập, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng DN Việt Nam cần linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, nhanh chóng tận dụng những lợi thế và ưu đãi để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN. Trước mắt, DN trong nước cần nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực, để một vài năm tới các DN Việt Nam sẽ vừa tăng thị phần vừa giảm nhập siêu và tiến tới từng bước cân bằng cán cân thương mại trong buôn bán với các quốc gia thành viên ASEAN.
Tại Bình Dương, hiện nay vốn đầu tư trực tiếp cũng như kim ngạch xuất, nhập khẩu từ ASEAN đang chiếm tỷ lệ lớn. Chính vì thế, các DN đầu tư nước ngoài và DN trong nước đều phải nắm thế chủ động trước thềm hội nhập. Theo các chuyên gia, trước mắt DN phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập và đối mặt với xu thế mới như tự do hóa đầu tư, thương mại, giảm và xóa bỏ thuế quan, đơn giản hóa thủ tục, hình thành tiêu chuẩn hàng hóa chung. DN cần liên tục cải cách quy tắc xuất xứ, đưa ra những điều chỉnh cần thiết để thích ứng với những thay đổi trong quy trình sản xuất toàn cầu; hàng hóa phải đáp ứng được những tiêu chí, quy định về xuất xứ mới được hưởng ưu đãi về thuế quan…
Khi AEC được thành lập vào cuối năm nay, đồng nghĩa với việc DN trong nước sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh với DN các nước trong khu vực. Tuy nhiên, để tận dụng được điều này, các DN phải tự nỗ lực để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xác định cơ hội thị trường, đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, trong những năm qua, công ty chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sang các nước Đông Nam Á nên việc AEC thành lập vào cuối năm nay có tầm ảnh hưởng rất lớn. Chính vì thế, bản thân Đại Thiên Lộc nói riêng và các DN thép Việt Nam nói chung trong thời gian qua đã cố gắng hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa trên mức 40% để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Để tận dụng được những cơ hội từ AEC, đồng thời phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, ngoài vai trò của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, điều hành và tuyên truyền các chính sách liên quan, DN cần phải tích cực, chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt thông tin, thị trường. Đặc biệt, DN cần đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng quản lý, công nghệ… Có như thế DN Việt Nam mới vững vàng trong AEC.
KHÁNH VINH