Khai thác lợi thế từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Kỳ 1
Kỳ 1: Nhiều cơ hội, không ít thách thức
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương, phát triển kinh tế nội khối nhưng cũng không ít thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam.
AEC có hiệu lực vào cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Quốc tế Chutex (Khu công nghiệp Sóng Thần 2, TX.Dĩ An, Bình Dương).
Ảnh: XUÂN THI
Giao thương ngày càng gia tăng
Sau 47 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hiện nay, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế “ASEAN tầm nhìn 2020” và AEC là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.
Hơn 10 năm qua, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN tăng đáng kể; xuất khẩu tăng từ 9 tỷ USD năm 2003 lên 18,47 tỷ USD năm 2014; nhập khẩu đạt 21,3 tỷ USD năm 2014. ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và EU. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong ASEAN giai đoạn 2003-2014 tăng trưởng đều qua các năm, trung bình đạt 17%/năm. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN ngày một chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cao cả về chất lượng và giá trị.
AEC gồm có 4 hiệp định là ATIG (hàng hóa di chuyển tự do), AFAS (dịch vụ di chuyển tự do), ACIA (vốn di chuyển tự do/đầu tư tự do) và MNP (nhà đầu tư/người lao động chuyên môn di chuyển tự do). Các hiệp định này khi đi vào thực tiễn sẽ tạo nên một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất. Khi AEC có hiệu lực cũng sẽ tạo ra một thị trường phi thuế quan cho 600 triệu dân và GDP khoảng 3.000 tỷ USD của ASEAN. Tuy nhiên thực hiện AEC, các nước vẫn có quyền chủ động về các chính sách thuế, ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển.
Như vậy sau khi AEC chính thức có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp sẽ được bình đẳng như nhau, có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại ở một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường mở. Bên cạnh đó, các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ, hầu hết mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN được hưởng ưu đãi thuế quan… sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand… thông qua các hiệp định thương mại tự do riêng giữa ASEAN với các đối tác kinh tế lớn. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực.
Chủ động trước thời cơ
Tuy nhiên, khi AEC có hiệu lực, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ, trong đó có thể kể đến là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, một số sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, nhóm hàng công nghiệp có giá trị gia tăng thấp; riêng mặt hàng máy vi tính mới chỉ dừng ở gia công, lắp ráp nhóm hàng.
Điều đáng chú ý là thuế quan của nhiều mặt hàng được cắt giảm nhưng rào cản thương mại có thể bị siết chặt hơn, trong đó quy tắc xuất xứ có vai trò đặc biệt quan trọng. Quy tắc xuất xứ yêu cầu ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm làm ra phải xuất xứ từ ASEAN thì mới được hưởng thuế suất 0%, nếu nhập quá nhiều nguyên liệu từ ngoài khu vực thì thuế suất 0% cũng trở nên vô nghĩa. Trước việc mở cửa hội nhập kinh tế như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó đáp ứng được những quy định nguồn gốc nguyên liệu. Bởi vì hiện nay chỉ khoảng 20% hàng hóa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn về nguyên tắc xuất xứ, trong khi các nước khác tỷ lệ này nằm ở mức 90% trở lên.
Như vậy, khi Việt Nam gia nhập AEC thì thách thức và khó khăn đối với các doanh nghiệp khá lớn. Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động để hội nhập. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương, phó trưởng Đoàn đàm phán AEC của Việt Nam, cho biết sau khi AEC chính thức có hiệu lực sẽ có nhiều cơ hội mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nên các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh trước vận hội mới.
Hôm qua (16-9), Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho các cơ quan báo chí và báo cáo viên 22 tỉnh, thành phía Nam để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Tại hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương, phó trưởng Đoàn đàm phán AEC của Việt Nam, đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về những cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam khi AEC chính thức có hiệu lực, cũng như một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Kỳ 2: Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh
KHÁNH VINH