Huyền thoại một con đường - Bài 10

Thứ bảy, ngày 18/05/2019

(BDO) Bài 10: Đường Hồ Chí Minh - Tượng đài sống mãi

Đường Hồ Chí Minh - con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trong suốt 16 năm (1959-1975). Đường Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại. Huyền thoại không chỉ bởi chiều dài của nó vượt đại ngàn miền Trung, Tây nguyên mà nghị lực lao động, tinh thần chiến đấu, hy sinh của hàng chục vạn con người mở đường, đã trở thành biểu tượng sâu sắc của lòng yêu nước. Và hôm nay đây, con đường này đang tiếp tục khẳng định tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Một đoạn đường Hồ Chí Minh hôm nay

Những con số

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đánh giá: Nếu không có tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua 16 năm, kể từ ngày đầu “xoi đường”, “mở lối” cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã phải đương đầu với sự ngăn chặn khốc liệt, tàn bạo, bằng nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn, nhiều loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ của kẻ thù. Tuy nhiên, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, lực lượng chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn suốt bao năm ròng không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, vì sự thông suốt của con đường, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ và kiên cường trụ bám trận địa, bám trụ mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá ngăn chặn của quân thù. Nhờ đó, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn không ngừng phát triển, đáp ứng sự chi viện to lớn, toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Trong vòng 16 năm, giặc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, hơn 40 triệu tấn bom đạn, hơn 10 triệu lít chất độc hóa học và hàng vạn tấn phương tiện trinh sát điện tử… đã trút xuống tuyến đường Trường Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng ta và ngăn chặn cuộc chi viện chiến lược cho miền Nam. Song với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, vì sự nghiệp thống nhất đất nước, các lực lượng Trường Sơn đã anh dũng, sát cánh bên nhau suốt từ Bắc vào Nam, chiến đấu xả thân. Với các khẩu hiệu “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, bộ đội Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17.000km đường xe cơ giới. Lực lượng vận tải với 2 sư đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu “Gan vàng dạ ngọc” đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường…


Di tích đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn, điểm Bu Prăng - Lộc Ninh

Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Tôi tham gia bộ đội Trường Sơn sau khi đường bắt đầu được mở. Trong những tháng năm rầm trời bom đạn ấy, miền Bắc đã dốc toàn bộ nhân, tài, vật, lực cho miền Nam. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lớp lớp thanh niên rời ruộng đồng, xưởng máy, trường học, theo tiếng gọi của non sông đất nước, lên đường đánh giặc với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Công việc hậu phương dồn xuống đôi vai của người ở lại… Đằng đẵng những năm tháng chiến tranh ấy, bao người mẹ, người vợ, người chị, người em cắn răng chịu đựng thiếu thốn, vất vả, gian lao, thực hiện “ba đảm đang” để cho người thân yên lòng ra trận...”. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong việc quyết định mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Biểu tượng của những khát vọng

Trở lại Trường Sơn, dù dấu tích chiến tranh nơi còn nơi mất, nhưng những ký ức về những hy sinh gian khổ của những người lính Trường Sơn trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến trường dường như vẫn còn in đậm nét trong người của những cán bộ, chiến sĩ một thời “vạch lá, bẻ cò”. Con đường Trường Sơn năm xưa trải đầy thử thách. Dù gian khổ, hy sinh, đèo cao, vực sâu nhưng lòng người không nản, bước chân không lùi, tất cả vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn đông nắng, tây mưa, ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Từng cung đường, từng ngọn núi, dòng sông trên đường Trường Sơn lịch sử đã gắn với biết bao huyền thoại về những người con anh hùng của dân tộc. Những con người “xuyên sơn phá thạch”, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”…

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đánh giá thực tế đã chứng minh rõ ràng, mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược và sáng tạo của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết định đó, tuyến vận tải chiến lược đã ra đời, phát triển trong mưa bom, bão đạn và đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Nay lịch sử đã sang trang. Trên dọc con đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh năm xưa giờ đây đang có sự thay đổi to lớn nhưng ý nghĩa của con đường Hồ Chí Minh nói chung, đoạn từ nam Tây nguyên đến miền Đông Nam bộ nói riêng vẫn là một hằng số, không thể thay đổi. Đây là một tượng đài lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một trong những bệ đỡ cho sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là huyền thoại của huyền thoại trong bản trường ca chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh của thế kỷ XX, sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng với lịch sử của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Chúng ta tự hào về đường Trường Sơn huyền thoại và anh hùng, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, nhất là trong giai đoạn hiện nay, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa lại một lần nữa mang sứ mệnh lịch sử mới - đường Trường Sơn trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với thế giới. Đường Trường Sơn chính thức trở thành một tuyến quốc lộ Bắc - Nam hiện đại, phục vụ cho khát vọng vươn lên của dân tộc, sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, con đường phồn vinh, ấm no cho Tổ quốc.

“...mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược và sáng tạo của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết định đó, tuyến vận tải chiến lược đã ra đời, phát triển trong mưa bom, bão đạn và đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX”.

(Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn)

THU THẢO