Huyền thoại một con đường - Bài 9

Thứ sáu, ngày 17/05/2019

(BDO) Bài 9: Mở đường hành lang chiến lược

Con đường Hồ Chí Minh đoạn từ nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ đã được khơi thông, nhưng xây dựng thành con đường hành lang chiến lược cuối dãy Trường Sơn thì mới bắt đầu. Vạn sự khởi đầu nan, các lực lượng xây dựng và bảo vệ con đường phải dựa vào sức dân và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền cách mạng địa phương.

Xây dựng, bảo vệ hành lang chiến lược

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ soi mở đường, hai chiến trường nam Tây nguyên và Đông Nam bộ được nối liền. Cán bộ, chiến sĩ của Đoàn B.90 được cử về tham gia các tổ chức kháng chiến ở địa phương và hình thành hành lang Nam - Bắc. Từ đó, con đường vận tải chiến lược nối liền hai chiến trường nam Tây nguyên, Đông Nam bộ với cực Nam Trung bộ và đường Hồ Chí Minh Bắc - Nam đoạn cuối dãy Trường Sơn nối hậu phương miền Bắc với chiến trường Nam bộ được khơi thông đã góp phần tạo ra sự biến đổi to lớn về phong trào cách mạng trên địa bàn có hành lang chiến lược đi qua. Các tổ chức Đảng được thành lập và kiện toàn từ cấp tỉnh đến các làng, xã.

 Buôn Bu Sar Na, xã Đak R’Măng, huyện Đăk GLong, tỉnh Đăk Nông - nơi từ năm 1959, cán bộ, chiến sĩ B4 đã xuống xây dựng cơ sở trong đồng bào dân tộc thiểu số và mở đường hành lang chiến lược

Trở lại huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, nay cảnh vật đã đổi thay. Trên hành trình, qua từng bờ ruộng, từng con mương, ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên chiến sĩ Đoàn C.200 bảo, ngày xưa ở đây cá đặc lềnh, bộ đội nhờ vậy mà sống được. Gạo không có, cứ cá, rau rừng… sống qua ngày. Rồi ông Nguyễn Thanh Tâm, tự hào cho biết huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngày nay được hình thành trên cơ sở Bãi Cát Tiên năm xưa. Cuối năm 1959, đầu năm 1960, bộ đội Đoàn C.200 trên đường hành quân đã dừng nghỉ chân tại nơi này. Thấy phong cảnh đẹp như tiên cảnh bồng lai nên gọi là Bãi Cát Tiên. Ban đầu gọi cho vui miệng, nhưng gọi mãi dần dần thành địa danh.

Sau khi đường Hồ Chí Minh được khơi thông, ngày 1-2-1962, tại đây, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Lâm Đồng họp, công bố quyết định của Trung ương Cục về thành lập Tỉnh ủy Lâm Đồng. Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy miền Đông Nam bộ và sau này là Tỉnh ủy Lâm Đồng, Đoàn C.200 xây dựng căn cứ ở Bãi Cát Tiên thành trung tâm căn cứ. Đây vừa là nơi hợp điểm của hai nhánh hành lang Bắc - Nam phía Đông và phía Tây trước khi về Chiến khu Đ, vừa là căn cứ hậu cần, cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho khách từ Bắc vào, trong Nam ra, dừng chân tạm nghỉ để lấy sức về Chiến khu Đ, hoặc ra Khu 5.

Chúng tôi may mắn gặp được ông Trần Quang Sang, nguyên Đoàn trưởng B90 trong hội thảo kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh tại tỉnh Bình Phước. Ông Sang cho biết: “Hành lang Bắc - Nam mới được khai thông, chưa kịp sắp xếp bố trí đường sá thì 2 việc cấp bách cùng đến một lúc. Một là, Đoàn cán bộ quân sự cấp cao Trung ương đã đến tỉnh Quảng Đức yêu cầu phải được đi ngay vào Nam. Hai là đồng chí Bùi San - Liên khu 5 vào tận Sena (nơi đứng chân của cánh hoạt động vào Đông Nam bộ) huy động một số cán bộ B90 đang công tác tại vùng này thành lập đội công tác với bí danh B7 hoạt động vùng sông Đăk Đung và bắc lộ 20 hoạt động trên hướng Di Linh (Lâm Đồng) nối thông liên lạc với đoàn cán bộ nam đường 20 từ Bình Thuận lên Lâm Đồng (Đội Hoàng Sơn). Đồng chí Bùi San nói: “Nhiệm vụ này rất cấp bách không một phút chần chừ, phải xác định cho được, nhận lệnh là lên đường ngay và đúng ra phải nối thông với đội phía Nam đường 20 lên cùng một lúc với thông đường Bắc Nam”.

Ấm tình đồng bào

Để triệt phá đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, địch mở rất nhiều cuộc hành quân, chống phá, lập ấp chiến lược. Nhưng chính cái nghĩa, cái tình của đồng bào đã cùng cách mạng đánh địch bảo vệ hành lang, nuôi bộ đội. Trở lại Hang No, nằm tại thôn 8, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đăk Nông, di tích “Ấp chiến lược Hang No” như là một minh chứng lịch sử cho một thời kỳ đấu tranh cách mạng, phá vỡ chiến lược “dồn dân lập ấp” của Mỹ - ngụy. Nơi đây giờ là rẫy cà phê của dân. Vết tích còn lại không nhiều.

Ông K’Bích, một “gạo cội” ở xã Đak R’Măng, huyện Đăk GLong, tỉnh Đăk Nông, cho biết tháng 3-1962, nhằm cô lập, cách ly người dân với cách mạng, triệt phá đường hành lang chiến lược Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện, Mỹ - ngụy đã thành lập và xây dựng ấp chiến lược Hang No, gom dân vào đây để dễ bề kiểm soát, khống chế. Những ai không phục tùng thì bị địch dùng vũ lực để uy hiếp, đe dọa, bắt bớ, đánh đập, thậm chí bắn giết.

 Dấu tích công sự ấp chiến lược Hang No ở Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng ấp chiến lược Hang No, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long

Tại đây, nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch đã diễn ra. Đến cuối năm 1964, ấp chiến lược Hang No chính thức bị phá bỏ. Từ khi ấp chiến lược Hang No bị “xóa sổ”, đường hành lang phía đông tỉnh Quảng Đức hoàn toàn khai thông. Bộ đội, lương thực, vũ khí được chi viện cho chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ, tạo ra thế và lực mới, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Ông K’Bích, nguyên Bí thư Chi bộ Ấp chiến lược Hang No, kể: “Năm 1959, cán bộ, chiến sĩ cách mạng như ông Ba Đen, Ama Nhao… đã về đến buôn làng của đồng bào. Được cán bộ, chiến sĩ giác ngộ cách mạng, đồng bào đã một lòng theo cách mạng, chống lại bọn Mỹ - ngụy”.

Ông Ao Sỹ, Chánh văn phòng B4, cho biết hành lang chiến lược chủ yếu đi qua vùng đất rộng, dân thưa, kinh tế nghèo nàn. Nhưng nhân dân dọc hành lang có rất nhiều cố gắng giúp cho hành lang vượt qua những khó khăn nhất định. Cấp ủy các địa phương vận động nhân dân sản xuất thêm nhiều thóc, lúa, hoa màu, đặc biệt là củ mì để cung cấp cho các đoàn khách bị kẹt đường. Vùng căn cứ Bãi Cát Tiên, nhân dân nhượng hàng trăm ha đất và rừng cho các trung đội C.200 sản xuất, cho bộ đội mượn lu ché làm mắm. Nhờ đó, hành lang đã tạo ra được nguồn lương thực, thực phẩm đủ cho suốt một thời kỳ dài từ 1961-1964. Và nhờ có sức dân đóng góp mà suốt từ năm 1961-1967, hai nhánh hành lang Đông và Tây luôn được an toàn, thông suốt.

Theo ông Y’Quang BKRông, Bí thư Huyện ủy Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, nhờ các cán bộ, chiến sĩ của B4, C.200 mà đồng bào dân tộc đã giác ngộ cách mạng, cùng với cách mạng đấu tranh bảo vệ hành lang, phá ấp chiến lược, đánh đuổi Mỹ - Ngụy. Còn ông Ngô Xuân Hiển, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: “Sự đóng góp của C.200, B.90, chính là cơ sở để có huyện Cát Tiên hôm nay. Vì vậy, huyện Cát Tiên luôn ghi nhận công lao của các chú trong các đơn vị mở đường, xây dựng hành lang năm xưa”.

Từ lúc mở đường hành lang, gây dựng cơ sở quần chúng, mở rộng cơ sở đến sử dụng làm giao liên ban đầu, rồi xây dựng từng cụm đoạn đường, bố trí trạm giao liên… để đưa cán bộ chính trị, quân sự và các ngành vào Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam là những ngày tháng gian lao, gian khổ nhưng vô cùng vinh dự và tự hào của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ soi mở đường Hồ Chí Minh, đoạn từ nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ. Các đoàn B90, C200, C300-270 luôn tự hào đã đóng góp một phần công sức của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (còn tiếp)

 THU THẢO