Huyền ảo Sapa

2010-07-21 00:00:00

...Gần 20 giờ ở Hà Nội, chúng tôi lên tàu lửa và ngủ gà ngủ gật cùng với tiếng còi tàu xình xịch suốt đêm, hơn 7 giờ sáng ngày hôm sau chúng tôi mới đến tỉnh Lào Cai. Chuyển lên ô tô 15 chỗ, cả đoàn tiếp tục trực chỉ  Sapa, một huyện vùng cao của tỉnh này.

 

Đồng bào dân tộc bán hàng lưu niệm trên đường phố Sapa. Ảnh Thanh Nhàn - Võ Hương

Đường đi quanh co lắm đèo nhiều dốc, ngồi trong xe nhìn ra hai bên đường có những đoạn vực sâu thăm thẳm, có đoạn là những ruộng lúa bậc thang, đất trồng hoa màu xanh mát mắt và tuyệt đẹp. Nhiều nơi nhìn xuống thấy thấp thoáng những ngôi nhà sàn be bé, xinh xinh. Có những đoạn cua gấp mà tài xế (có lẽ đã đi quen đường) vừa lái xe vừa vui vẻ tán gẫu với bạn bè bằng điện thoại di động làm chúng tôi ai cũng thót tim. Trên đường đi có những đoạn dốc cao và dài, từng nhóm 2, 3 cô gái Mông, Dao trang phục dân tộc, chân bó vải thật chặt, vai đeo những chiếc túi thổ cẩm nhiều màu sắc sặc sỡ đang ngồi nghỉ mệt bên đường. Một người bạn đi cùng đã nhiều lần đến Sapa cho biết:

“Do đường ở đây nhiều đèo, dốc mà phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là đi bộ. Đi nhiều, thường bắp chân của họ nở rất to. Các cô gái sợ xấu nên dùng vải nhiều màu sắc bó chân lại thật chặt vừa làm đẹp cho đôi chân, vừa chống lạnh, vừa hạn chế để bắp chân bớt nở to...”.

Càng gần đến thị trấn Sapa khí hậu càng lạnh, mặc dù chúng tôi đã đóng kín cửa ô tô. Gần 9 giờ sáng xe đến thị trấn,  tìm đến khách sạn quen. Bước xuống xe, cái lạnh từ đâu ập tới. Mặt ai cũng tái mét, môi thâm tím vì gió thốc từng cơn, mặc dù chúng tôi đã trang bị đồ ấm từ lúc còn ở Hà Nội. Hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Hôm nay Sapa lạnh gần 6 độ”. Quả là lạnh thấu xương đối với những người từ miền Nam mới ra, nhiều người trong đoàn chúng tôi run lập cập, nói không rõ tiếng. Sau khi nhận phòng, ổn định nơi ăn ở, trang bị đồ ấm tận... đầu và mặt (có người mặc 2 áo lông bên trong, một áo da bên ngoài, 2 đôi vớ tay, 2 đôi vớ chân, nón ấm che cả đầu và mặt chỉ chừa ra đôi mắt) nhưng vẫn lạnh tê người, chúng tôi đi ăn trưa và khám phá thị trấn Sapa.

Đúng là Sapa đẹp... lạnh lùng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nó không có cái vẻ sầm uất xôn xao như thành phố Đà Lạt ngàn hoa mà mang đậm nét đặc trưng của những thị trấn vùng cao: hiền hòa, yên bình, trầm lắng và buồn đến nao lòng, mặc dù trong ngày có rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến và đi. Tháng 11, gần 12 giờ trưa, trời vẫn đầy sương mù, thị trấn như chìm trong làn mây bồng bềnh và huyền ảo, mọi người đứng cách nhau khoảng 2m là không nhìn rõ mặt nhau. Mỗi lần muốn qua đường chúng tôi phải nắm tay nhau xin đường và lần lượt đi qua. Cửa hàng, cửa hiệu hai bên đường san sát nhau. Hàng hóa cũng phong phú: hàng kim khí điện máy, đồ ấm, hàng lưu niệm, hàng thổ cẩm, cây, lá thuốc, trái cây, cửa hàng ăn uống... Đặc biệt những cửa hàng kinh doanh các mặt hàng ăn uống như phở, cà phê... rất hút khách, nhất là khách từ nơi xa đến...

Hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Sapa nằm ở độ cao từ 1.500 - 1.800m, nhiệt độ trung bình từ 15 - 18oC, từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều. Đây là vương quốc của hoa trái như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, hoa lay-ơn, hoa lê, đào, cúc, hoa hồng... đặc biệt là hoa bất tử tồn tại mãi với thời gian. Ở đây có 6 tộc người cư trú như người Mông, người Dao đỏ, người Giáy Tả Van, người Mèo... mỗi tộc người có vốn văn hóa riêng. Sapa có đỉnh Phăn-si- băng cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn và có nhiều thắng cảnh đẹp như núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn mà lên trên đó chúng ta có thể thấy toàn cảnh thị trấn, các thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hay nhà thờ cổ ở ngay thị trấn, rồi tu viện được xây gần như toàn bằng đá, có Thác Bạc với những dòng nước đổ ào ào từ độ cao trên 200m tạo thành âm thanh núi rừng đầy ấn tượng...”.

Ngay buổi chiều hôm ấy chúng tôi được hướng dẫn đi tham quan một bản của đồng bào dân tộc. Bản nằm ở thung lũng Mường Hoa mà muốn xuống đó chúng tôi phải đi ngoằn ngoèo trong những con đường nhỏ nhiều dốc, đèo, rừng chồi, nhiều bậc đá lớn... Không ngờ cảnh đẹp quá, đẹp tuyệt vời. Du khách vào đây, chắc hẳn không thể nào không tìm cách để ghi lại những kiểu ảnh làm kỷ niệm. Nhất là khi đứng ở lưng chừng một chiếc cầu treo, cạnh đó là thác nước trắng xóa vỗ ì ầm... Dọc đường đi ai cũng bất ngờ khi thấy một số cô gái dân tộc, má đỏ hây hây, vai và hông đeo túi thổ cẩm líu lo những tràng tiếng Anh làm phiên dịch cho những du khách nước ngoài, hoặc những em bé 3 - 4 tuổi dù trời rét căm căm chỉ mặc những chiếc áo phong phanh, chơi nhảy lò cò trên những rẫy hoa màu đã thu hoạch đất đang khô cứng, nứt nẻ. Có những lúc chúng tôi dừng ở lưng chừng một con dốc nào đó và ghé vào những chiếc chòi bán thịt nướng, cơm lam, trứng gà, khoai lang nướng... để vừa ăn vừa xuýt xoa vì ngon và vì được... sưởi ấm.

Đêm đến, mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi đi mục kích “Chợ tình Sapa”, một cái chợ độc đáo mà tôi chỉ biết qua báo chí chứ chưa một lần được đặt chân đến. Trời rét căm căm, nhờ chợ ở gần thị trấn nên chúng tôi chỉ mất một lúc đi bộ vòng vèo là đến. Những người dân ở đây cho biết, trước kia chợ ở xa hơn nhưng do nhu cầu tham quan của du khách nên chợ được bố trí gần hơn để du khách thuận tiện khi đến tham quan. Cũng như chúng tôi, có rất nhiều du khách Việt Nam và nước ngoài, người dân địa phương đổ xô đến chợ tình. Được biết đây là chợ của người Dao. Chợ là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc: là nơi nam thanh, nữ tú cùng qua đêm, gặp gỡ giao lưu tình cảm theo phong tục truyền thống của dân tộc mình. Sau đêm đi chơi chợ tình, nhiều đôi trai gái đã trở nên thân thiết, họ hẹn nhau những phiên chợ sau và trong số đó không ít đôi đã trở thành chồng, thành vợ... Vì vậy, từ buổi chiều trên phố và ở sân nhà thờ đã thấy rất nhiều phụ nữ dân tộc đầu quấn khăn màu đỏ, trang phục thêu hoa văn sặc sỡ cùng với những vòng bạc, khuy bạc, đồng tiền nhỏ đính trên khuy áo, những chùm lục lạc bằng đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu trên đường đến chợ...

Không như khung cảnh trầm lặng của thị trấn lúc sáng, chợ tình nhộn nhịp người và hàng, quán cách đó không xa. Tiếng khèn, tiếng sáo rộn rã lúc trầm, lúc bổng như mời mọc mọi người. Trước mắt chúng tôi, trên một vùng đất trống và rộng nhiều người đang vây quanh những cặp thanh niên nam nữ người dân tộc, những chàng trai đang say sưa thổi khèn, thổi sáo còn những cô gái trên tay là những chiếc dù đủ màu sắc đang e ấp nhảy múa uyển chuyển và hát bằng tiếng dân tộc theo tiếng khèn... Trong những góc tối nhiều cặp trai, gái đang thì thầm trò chuyện, nhiều người đàn ông lè nhè, xiêu vẹo vì say rượu. Sương mù dày đặc, rét run người, trong ánh sáng mờ mờ không thấy rõ mặt nhau, du khách vẫn muốn ở lại vì lưu luyến cái chợ tình nổi tiếng dù đêm đã quá khuya...

Sáng hôm sau, chúng tôi thật may mắn có dịp đi chợ phiên Sapa vì chợ chỉ nhóm họp vào ngày chủ nhật hàng tuần ngay tại thị trấn. Phiên chợ này là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, cũng là dịp để người ta gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Người dân ở vùng xa muốn đến chợ phiên phải đi vào ngày thứ bảy trước đó và tối thứ bảy mọi người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai, gái người Mông, Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn, những bát rượu tràn môi của những người lớn tuổi ở chợ tình như đã nói trên. Chợ ở địa thế chỗ cao, chỗ thấp phải lên nhiều bậc thang, tập trung khá đông người, hầu hết là đồng bào các dân tộc ở đây, hàng hóa khá phong phú, nhiều nhất là hàng thổ cẩm làm kỷ niệm, nông sản phẩm, cây lá thuốc, những con vật nuôi ở nhà như heo, gà, ngan... Khi dạo chợ mỏi chân khách có thể dừng chân ở khu vực bán hàng ăn uống để giải khát và ăn những món ăn như bún thịt nướng, cơm lam, những món chế biến từ thịt... ngựa. Hay chịu khó đi bộ một đoạn để tham quan nhà thờ cổ hàng trăm năm ở đây và chụp ảnh lưu niệm với những phụ nữ và các em bé người dân tộc ngồi ven đường bán lá, rễ cây thuốc, lục lạc, túi thổ cẩm, búp bê...

Hãy đến Sapa để thấy rằng quê hương ta có nhiều danh lam thắng cảnh nhờ sự ưu đãi của tạo hóa và bàn tay sáng tạo của con người và khi chia tay Sapa, chắc hẳn du khách nào cũng sẽ lưu luyến vì trong một vài ngày không thể nào thăm hết những cảnh đẹp của một vùng đất ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên...

VÕ HƯƠNG

 

Báo Bình Dương