Hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội Tháp Hòa Phong - dấu tích chùa Báo Ân vang bóng một thời
Bên bờ đông nam Hồ Gươm, xế trước nhà Bưu điện Trung tâm Hà Nội có một tòa tháp nhỏ, cổ kính khiêm nhường bên hè đường. Đây chính là tháp Hòa Phong, tòa tháp mang vẻ đẹp cổ kính của Thăng Long - Hà Nội đã tồn tại hơn 200 năm, nhưng có lẽ ít người biết về lịch sử gắn liền với một ngôi chùa bên bờ hồ Hoàn Kiếm đã vang bóng một thời...
Dải đất Bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm bây giờ là thôn Cựu Lâu xưa. Những năm đầu niên hiệu Thiệu Trị nhà Nguyễn, Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đăng Giai cho dựng ngôi chùa Liên Trì Hải Hội trên nền cũ lầu Ngũ Long với quy mô to lớn nhất chốn kinh kỳ. Ngôi chùa hoàn thành vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), gồm 36 nóc, gần 200 gian, vô cùng lộng lẫy. Chùa dựng xong hòa thượng Phúc Điền trụ trì và cho ấn tống rất nhiều kinh sách trong công cuộc hoằng dương Phật pháp. Chùa Liên Trì Hải Hội có rất nhiều tên gọi như chùa Liên Trì, chùa Báo Ân, chùa Quan Thượng, chùa Đại sứ quán Hà Nội (Hà Nội Đại sứ quán tự)... Cảnh chùa Báo Ân đã được dân gian ca ngợi bằng những câu thơ miêu tả:
Phong quang cảnh trí trăm đường.
Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng
Rõ mười cửa động tưng bừng
Đền vàng tòa ngọc chất từng như nêm.
Có thể nói, chùa Báo Ân là một trong những công trình mang dấu ấn của nhà Nguyễn trên đất Thăng Long. Đồng thời cũng tiêu biểu cho dòng tư tưởng “Cư nho mộ thích” thịnh hành trong thời Nguyễn. Tư tưởng này có nghĩa là học hành theo đạo Nho nhưng vẫn chuộng mộ đạo Phật. Quan Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai là con nhà Nho giáo (cha là thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân, thầy học của vua Thiệu Trị) nhưng lại đứng ra chủ trì việc dựng chùa. Nhìn lại lịch sử sau khi nhà Trần mất, nhà Lê thành lập đã nâng Nho giáo lên địa vị độc tôn. Bởi thế, suốt thời gian dài sau đó không có nhiều Nho sĩ thông hiểu phật học như thời Lý - Trần. Cho đến thế kỷ XIX khi Nho giáo khủng hoảng, bất lực trước thời cuộc, thì các Nho sĩ mới lại tiếp cận Phật giáo để mong tìm một lối đi. Tư tưởng Cư nho mộ thích bắt đầu từ đó.
Chùa Báo Ân được xây dựng trên ý tưởng tôn giáo đạo Phật. Toàn bộ ngôi chùa là một tổng thể kiến trúc đồ sộ mà ngày nay chỉ còn lại những hình vẻ của người Pháp cũng như mô tả rất sơ lược của sử sách. Có tên gọi khác là chùa Liên Trì Hải Hội cũng bởi với dụng ý được chiết xuất từ bài kệ trong kinh A Di Đà, một cõi Niết bàn ngay chốn trần gian, thể hiện toàn bộ ngôi chùa là một đóa sen lớn, ý nghĩa tầng thế giới siêu thoát trên đài sen tụ hội với đủ các chư vị Bồ tát và Phật Di Lặc. Theo hình vẽ và mô tả thì chùa cách biệt thế giới bên ngoài bởi sự bao bọc các ngòi nước trồng sen và chỉ có một lối đi là chiếc cầu đá trước chùa nối tiếp ra tận tháp Hòa Phong làm cổng. Qua cầu là Tam quan đồ sộ, phía sau hai bên là hai tháp lớn, sau đó là toàn bộ ngôi chùa đồ sộ nguy nga. Khi thực dân Pháp đến xâm lược, người Pháp đổi tên thành “Chùa Khổ hình” vì người ta thấy khắc trên đá và gỗ ở chùa hàng loạt khổ hình những kẻ có tội phải chịu ở thế giới bên kia... (Cảnh Thập điện Diêm vương). Ban đầu chùa bị quân Pháp sử dụng để đồn trú sau đó quyết định phá bỏ hoàn toàn để xây dựng nhà bưu điện, Phủ Thống sứ, chỉ để lại tháp Hòa Phong trơ trọi bên Hồ Gươm. Năm 1884, bác sĩ Hocquard còn chụp được nhiều bức hình của ngôi chùa này còn khá nguyên vẹn và tại Bảo tàng Guimet ở Paris còn lưu giữ được nhiều tượng Phật bằng gỗ của ngôi chùa này đã bị lưu lạc sau khi bị phá.
Bây giờ ghé thăm Hà Nội, đi dạo quanh một vòng Hồ Gươm, bất cứ ai cũng đều nhận ra tháp Hòa Phong. Tòa tháp này nằm sát mép phố Đinh Tiên Hoàng, đối diện với tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Tháp cao 3 tầng xây bằng gạch. Tầng một có 4 mặt trổ 4 cửa vòm, trên mỗi ngạch cửa ghi: Báo Ân Môn - Báo Nghĩa Môn - Báo Đức Môn - Báo Phúc Môn. Tầng hai, 4 góc xây trụ vuông đặt tượng 4 con nghê, nối liền nhau bằng đường viền hồi văn giao hóa. Tầng ba ghi “Hòa Phong tháp”, trên đỉnh nhô cao trang trí bầu hồ lô. Tháp Hòa Phong chính là di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân nổi tiếng với vẻ đẹp lặng lẽ cổ kính rêu phong với thời gian bên Hồ Gươm. Những hàng liễu rủ bóng như tôn vinh thêm cho vẻ đẹp của tòa tháp cổ. Người người sáng chiều qua lại đã bao đời bên tháp. Thời gian cứ trôi và ngôi tháp vĩnh hằng làm một chứng tích cho tâm hồn và lịch sử của đất và người Thăng Long - Hà Nội.
TRẦN NGUYỄN