Hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam và Lào
(BDO)
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc số 0 A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoan La San, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Ngày 2-10, tại thành phố Điện Biên Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào.
Tham dự Hội thảo có đại diện của 20 tỉnh có chung đường biên giới của Việt Nam và Lào, các doanh nghiệp phát triển du lịch.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Phía Việt Nam gồm các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Phía Lào gồm các tỉnh Louangphabang, Houaphanh, Attapeu, Sekong, Xiangkhouang, Bolikhamsai, Khammouane, Savannakhet, Saravane, Phongsaly. Trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu.
Khu vực biên giới Việt Nam-Lào (phía Việt Nam và phía Lào) là khu vực có tài nguyên đa dạng, phong phú, tính đặc thù cao, có nhiều tài nguyên tương đồng nhưng vẫn khác biệt, vừa có khả năng hình thành tính đặc trưng cho khu vực vừa có khả năng bổ trợ lẫn nhau để tăng cường tính hấp dẫn. Những điểm đến của hai nước còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết hợp tác du lịch Việt Nam-Lào từng bước phát triển trong những năm qua, cùng sự phát triển của quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nhiều hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định, thu hút sự tham gia của các địa phương, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến truyền thống với khách du lịch Lào và Lào cũng là một trong những điểm đến du lịch được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Với những nỗ lực hợp tác từ cả hai phía, trao đổi khách du lịch hai nước năm 2019 (trước thời điểm đại dịch COVID-19) đã đạt trên 1,2 triệu lượt, trong đó khách Lào sang Việt Nam đạt hơn 98.000 lượt; khách Việt Nam sang Lào đạt 924.875 lượt.
Sau thời gian dài gần 2 năm đóng cửa vì dịch COVID-19, Việt Nam và Lào đã mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ (Việt Nam từ ngày 15/3/2022, Lào từ ngày 9/5/2022). Sau khi hai nước mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón gần 46.500 lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt gần 49,2 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Lào.
Tại Hội thảo, đại diện của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Cục Phát triển du lịch Lào và các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước đã thảo luận đưa ra những giải pháp nhằm liên kết, hợp tác phát triển du lịch khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Theo đó, việc phát triển du lịch biên giới Việt Nam-Lào cần kết hợp phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế các địa phương biên giới; tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế cửa khẩu tới các điểm du lịch có tiềm năng; rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung nội dung hợp tác du lịch vào trong các nội dung văn bản Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào năm 2015 thành Hiệp định hợp tác Thương mại và du lịch Việt Nam-Lào.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hải quan; tăng cường hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, đa dạng hóa loại hình, tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch, hình thành các tour, tuyến điểm du lịch, cụ thể là các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, di lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái...; tập trung hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước, đặc biệt hạ tầng giao thông giữa các tỉnh có chung đường biên giới, các huyện, địa phương trực tiếp.
Ngành du lịch các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước cũng cần tăng cường công tác phối hợp trong đào tạo nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường phối hợp xúc tiến đầu tư, quảng bá chung hai nước Việt Nam-Lào./.
Theo TTXVN