Hiệu quả từ quy hoạch các khu công nghiệp và đô thị tại Bình Dương - Kỳ 3
(BDO) Kỳ 3: Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị: Tất cả vì mục tiêu ích nước lợi dân
Để phục vụ phát triển toàn diện và bền vững, Bình Dương xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị (KLH). Đây là dự án vì mục tiêu ích nước lợi dân nên hầu hết người dân trong vùng đồng thuận và hưởng ứng, nhanh chóng nhận tiền đền bù và bàn giao đất để dự án triển khai đúng kế hoạch. Sau hơn 10 năm triển khai, KLH bước đầu phát huy hiệu quả và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ra đời phục vụ công nghiệp hóa
Được tái lập vào năm 1997, để phát triển nhanh theo hướng bền vững, Bình Dương đã tập trung phát triển các khu công nghiệp (KCN) tạo lực đột phá để phát triển nền công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có đến 29 KCN tập trung với hạ tầng hoàn chỉnh, trở thành địa chỉ tin cậy thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ hạ tầng các KCN tốt và hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn thiện, đến nay Bình Dương đã thu hút 2.375 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 20,4 tỷ đô la Mỹ và gần 17.500 doanh nghiệp (DN) trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn gần 132.000 tỷ đồng.
Một góc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị hôm nay. Ảnh: Q.CHIẾN
Sự tham gia của DN đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao, góp phần tăng ngân sách cho Nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Riêng trong năm 2014, hầu hết chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều đạt cao như: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 187.531 tỷ đồng, tăng 15,6%; tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 13%; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,74 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,7%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,65 tỷ đô la Mỹ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 103.493 tỷ đồng, tăng 24,9%; thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 8%… Kinh tế phát triển đã nâng cao đời sống người dân, đạt 61,2 triệu đ ồ n g / n g ư ờ i trong năm 2014; các thể chế an sinh xã hội, y tế, giáo dục mà người dân thụ hưởng được tỉnh quan tâm đầu tư rất tốt.
Trong bức tranh chung, phải nhìn nhận rằng việc phát triển công nghiệp - dịch vụ rất nhanh của tỉnh với 96,8% trong cơ cấu kinh tế hiện nay rất cần sự phát triển tương đồng về hạ tầng đô thị. Hơn nữa, với gần 20.000 DN trong và ngoài nước đầu tư đã kéo theo hàng trăm ngàn chuyên gia, kỹ sư, nhà quản lý và người lao động đến làm việc tại Bình Dương. Từ thực tế này, để phát triển toàn diện và bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020 và là cầu nối quan trọng cho những giai đoạn phát triển tiếp theo, Bình Dương rất cần một dự án có tầm. Với tầm nhìn xa đó, Bình Dương đã xây dựng KLH với cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ nội vùng và liên thông ngoại vùng đến các KCN khác trong tỉnh, vươn ra đến các tuyến đường huyết mạch và kết nối vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm mục tiêu đưa Bình Dương phát triển bền vững.
Ra đời với diện tích 4.196 ha, KLH làdựán mang tính đặc thùcóquy mô lớn nhất từtrước đến nay trong cả nước và được Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được quyền tự chủ trong việc thực hiện. Khi triển khai KLH luôn cósựquan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sựlãnh đạo, chỉđạo xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, với cách làm của chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) trong việc quan tâm tạo việc làm cho người dân vùng giải tỏa, hỗ trợ tận tình bằng cả vật chất và tinh thần để người dân chuyển đổi ngành nghề… đã tạo sự đồng thuận hầu hết người dân, nên chỉ hơn 10 năm KLH đãđạt được nhiều kết quảquan trọng.
Đến nay, bên cạnh những dự án có quy mô, các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KLH đã đi vào hoạt động như khu dịch vụ do Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương làm chủ đầu tư; các KCN VSIP II, Đồng An II, Đại Đăng, Kim Huy, Khu kỹ thuật cao Mapletree… cũng đang phát huy hiệu quả với hàng trăm DN đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ.
Điểm nhấn Thành phố mới Bình Dương
Nằm trong KLH, Thành phố mới Bình Dương (TPM) là điểm nhấn quan trọng nhất của toàn khu. Với phương thức xây dựng không dùng ngân sách Nhà nước mà huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia, sau 4 năm xây dựng TPM đã thay đổi từng ngày và khoác lên mình sức sống mãnh liệt. Tại TPM, những công trình đã đưa vào sử dụng như: Công viên hồ sinh thái rộng 120 ha; Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới Lucky Square; Trung tâm Thể thao đạt chuẩn quốc tế; các dự án bất động sản như căn hộ cao cấp dành cho chuyên gia IJC Aroma, phố thương mại Gold Town, Đông Đô Đại Phố, Sunflower Villas… Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn quốc tế, các đơn vị giáo dục - đào tạo đã đến đầu tư và đi vào hoạt động như: một số dự án của Tập đoàn Tokyu, Đại học Quốc tế Miền Đông, hệ thống trường Ngô Thời Nhiệm, trường THPT chuyên Nguyễn Khuyến, trường Quốc tế KinderWorld - Singapore. Ngoài ra, các dự án thành phần khác như trung tâm tài chính ngân hàng, văn phòng thương mại, công nghệ thông tin, khách sạn, nhà hàng, siêu thị cao cấp mọc lên ngày càng nhiều; các dự án về thiết chế văn hóa tâm linh, tín ngưỡng lần lượt hình thành và đi vào hoạt động đã tạo cho TPM một sức sống mới. Nổi bật tại TPM, Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh đã đi vào hoạt động, tạo đột phá trong việc tiếp tục đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính công.
Trong một lần đến Bình Dương, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, TPM là công trình được quy hoạch bài bản, là điểm nhấn cho trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại của khu vực. Nhìn nhận về TPM, các tập đoàn nước ngoài vốn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng đô thị cũng đánh giá cao. Ông Toshiaki Koshimura, Chủ tịch Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), đã đầu tư 1,2 tỷ đô la Mỹ phát triển hạ tầng đô thị tại TPM cho rằng, tập đoàn đánh giá cao TPM và khẳng định đây sẽ là trung tâm đô thị tuyệt vời của Việt Nam trong thời gian tới. Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC nhấn mạnh, TPM trở thành biểu tượng cho sự phát triển thăng hoa của Bình Dương trong kỷ nguyên mới; tạo bước đột phá cho tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Là công trình trọng điểm trong giai đoạn hội nhập và phát triển, với thực tế đang diễn ra nhiều người dễ thấy sức sống của TPM thay đổi nhanh chóng, khi những hình ảnh về hạ tầng, kiến trúc hiện đại được kết nối thân thiện và đồng bộ đã tạo điều kiện cho tỉnh mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn. Từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của tỉnh nhanh, hiệu quả hơn, giúp cho tỉnh phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Nơi đây là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Bình Dương, tạo bộ mặt mới và là điểm nhấn đô thị quan trọng góp phần thúc đẩy Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng gắn kết công nghiệp và đô thị. (Còn tiếp)
Với thực tế ghi nhận có thể khẳng định rằng, từ một vùng đất rộng 4.196 ha của vùng quê thuần nông nghiệp, hơn 10 năm trước chỉ toàn gò đồi sỏi đá, đất đai không màu mỡ, thu nhập của người dân bấp bênh, giờ đây KLH đã bước sang trang mới. Từ sự đồng thuận và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương, đến nay KLH đã hình thành và phát huy hiệu quả, xứng tầm là trung tâm công nghiệp và đô thị hiện đại trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
T. MINH