Hiệu quả từ quy hoạch các khu công nghiệp và đô thị tại Bình Dương - Kỳ 1
(BDO) Kỳ 1: Các KCN Mỹ Phước - tạo lực phát triển khu vực phía bắc
Từ chủ trương đưa phát triển công nghiệp về phía bắc của tỉnh với các khu công nghiệp (KCN) làm nền tảng đột phá, từ một huyện thuần nông Bến Cát (nay là TX.Bến Cát) đã phát triển mạnh mẽ và xứng tầm của một thị xã với công nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Những thành quả đó, cùng với sự đồng thuận cao trong nhân dân là nền tảng vững chắc để Bến Cát tiến xa hơn trên bước đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Ông Trần Thanh Liêm (đứng đầu), Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử của công ty Nhật Bản tại KCN Mỹ Phước 3 Ảnh: T.MINH
Nền tảng cho sự đột phá
Trong sắc nắng vàng tươi của những ngày đầu năm mới, trở lại các xã, phường của TX.Bến Cát, chúng tôi thật sự bất ngờ trước những đổi thay nhanh chóng của vùng đất trung dũng, kiên cường, được mệnh danh “đất thép” trong những năm tháng kháng chiến trước đây. Bến Cát giờ đây đã đổi từng ngày, với điện, đường, trường, trạm đầy đủ và bề thế, khoác lên mình dáng dấp của một thị xã hiện đại, văn minh với công nghiệp và đô thị phát triển đồng bộ. Vậy nguyên nhân nào đã đưa Bến Cát từ một huyện thuần nông trở thành thị xã có công nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong bức tranh kinh tế của thị xã chỉ trong hơn 1 thập kỷ qua?
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các KCN Mỹ Phước có hạ tầng tốt và đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối với các tỉnh, thành hoàn chỉnh và thuận lợi, nguồn lao động dồi dào. Đây là những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp chọn lựa đầu tư vào Mỹ Phước. |
Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn TX.Bến Cát có 9 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.200 ha. Hiện các khu, cụm công nghiệp này đang phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư. Cụ thể như tại xã An Tây, các KCN Việt Hương 2, An Tây đã thu hút gần 60 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký hơn 700 triệu đô-la Mỹ. Đặc biệt, tại phường Mỹ Phước và Thới Hòa, những KCN Mỹ Phước bề thế và hiện đại do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư được xem là nơi thu hút đầu tư hàng đầu của tỉnh. Hơn 12 năm đi vào hoạt động, các KCN Mỹ Phước 1, 2 và 3 đã thu hút hơn 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đô-la Mỹ.
Nổi bật tại các KCN Mỹ Phước là đa số dự án có vốn đầu tư lớn vào tỉnh đều tập trung vào đây như: Nhà máy sản xuất vỏ xe ô tô của Tập đoàn Kumho Asiana với tổng vốn đầu tư 360 triệu đô-la Mỹ; nhà máy Công ty Giấy Graft Vina có vốn đầu tư 180 triệu đô-la Mỹ; nhà máy của Tập đoàn Maruzen Foods Corporation đầu tư 104 triệu đô-la Mỹ; nhà máy sản xuất nước giải khát của Kirin Việt Nam có vốn 60 triệu đô-la Mỹ…
Phát huy sự đồng thuận
Chính hiệu quả từ các KCN tại Bến Cát nói chung và các KCN Mỹ Phước nói riêng đã góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp, qua đó tạo giá trị sản xuất cao, tạo việc làm, nguồn thu... cho thị xã. Từ đó đã tác động để TX.Bến Cát đổi thay như ngày hôm nay. Điều dễ nhận thấy nhất cho sự đổi thay đó là hơn 1 thập niên trước, năm 2002 giá trị sản xuất của Bến Cát mới đạt 929 tỷ đồng với các ngành chủ yếu như vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến thực phẩm và các ngành tiểu thủ công nghiệp; Bến Cát mới có 184 doanh nghiệp trong nước với vốn đầu tư 158 tỷ đồng cùng 50 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 223,6 triệu đô-la Mỹ. 12 năm sau, Bến Cát đã trở thành địa phương công nghiệp hóa hàng đầu của tỉnh; số lượng doanh nghiệp đầu tư đã tăng hơn 7,3 lần với 1.530 doanh nghiệp trong và ngoài nước có tổng vốn đăng ký hơn 14.600 tỷ đồng và gần 3,9 tỷ đô-la Mỹ. Nhờ số lượng doanh nghiệp đầu tư tăng nhanh đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã năm 2014 đạt hơn 50.000 tỷ đồng.
Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện để Bến Cát làm tốt công tác an sinh xã hội như trường học, y tế, nhà ở cho người lao động. Nhờ vậy, dù có rất đông công nhân, lao động ngoài tỉnh đến làm việc nhưng không có con em nào của người lao động tại Bến Cát phải bỏ học; hay việc huy động mọi thành phần kinh tế cùng nhà nước đầu tư nhà ở đã đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người lao động… Những yếu tố này, cộng với lợi thế về hạ tầng các KCN và hạ tầng kinh tế khác đã giúp Bến Cát thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, từ đó tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Nhìn nhận về tiềm năng phát triển của Bến Cát cho thấy, hiện nay thị xã đang có nhiều lợi thế để phát huy trong thời gian tới. Bên cạnh các KCN có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và được kết nối vào các tuyến giao thông chủ lực như quốc lộ 13, ĐT744 đến TP.HCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện nay các đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Xuyên Á, Hồ Chí Minh, Vành đai đang được triển khai xây dựng. Các tuyến đường này khi hoàn thành trở thành cầu nối quan trọng để Bến Cát kết nối đến sân bay, cảng biển và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuận lợi và nhanh chóng. Đây được xem là nền tảng để Bến Cát phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Kết quả mà TX.Bến Cát đạt được như ngày hôm nay quả thật đáng tự hào. Phải nói rằng, nhân dân Bến Cát đã biết nhìn xa trông rộng, chung tay vì lợi ích lớn lao, đồng thuận góp phần trong quy hoạch nhằm tạo nên hạ tầng các KCN, khu đô thị, đường giao thông bề thế, kết nối thông suốt… Từ đó cũng cho thấy, chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc với việc xây dựng các KCN làm đòn bẩy đã được nhân dân đồng lòng hưởng ứng, tạo động lực để kinh tế - xã hội của TX.Bến Cát phát triển vượt bậc như hôm nay. (Còn tiếp)
T.MINH