HĐND tỉnh - Cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương- Bài 3
Bài 3: Ông Phan Văn Hiếu: Phải gần dân, sát dân
Ông Phan Văn Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh khóa IV (1989-1994) chia sẻ: Giai đoạn nào cũng vậy, muốn HĐND hoạt động tốt thì người đại biểu HĐND phải xuống với dân, lắng nghe dân nói, từ đó nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân để có những đề xuất lên HĐND, ngành chức năng có thẩm quyền...
(BDO) 41 năm trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, những người một thời rực lửa như ông Phan Văn Hiếu (còn gọi Út Hiếu), nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, cứ đến những ngày tháng tư lịch sử lại xốn xang với những hồi ức chiến tranh. Ông Hiếu sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ba ông là cán bộ xã bị thực dân Pháp bắn chết. Ông Út Hiếu được người chú là Bí thư Huyện ủy Châu Thành dẫn dắt theo cách mạng. Ông kể, những năm 1954-1956, ông được phân công nhiệm vụ mật báo, theo dõi tình hình địch để báo cáo lại. Đến năm 1957, ông được giao nhiệm vụ làm giao liên cho huyện Châu Thành. Ở đây ông được giáo dục và thấm nhuần khí tiết của một người cộng sản, bởi làm giao liên như ông là biết hết cơ sở cách mạng, biết từng bí thư chi bộ xã nên lại càng phải có khí tiết cách mạng, không được làm bại lộ bí mật.
Ông Phan Văn Hiếu cho rằng, một trong những yếu tố bảo đảm cho các hoạt động của HĐND đạt hiệu quả cao là các đại biểu HĐND phải sâu sát, gắn bó với nhân dân. Ảnh: T.THẢO
Với những cống hiến hết mình cho cách mạng, ngày 13-2-1959, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhưng cũng chính từ đây, ông đã bị gián điệp theo dõi, chỉ điểm và chưa tròn một tháng sau đó, ngày 12-3-1959, ông bị địch bao vây truy bắt. Ông may mắn chạy thoát nhưng mẹ và em gái bị bắt, rồi phải đi tù thay ông ở khám Chí Hòa. Sau đó, ông được rút về làm giao liên cho tỉnh hoạt động “bất hợp pháp”, phụ trách địa bàn TX.Thủ Dầu Một, Châu Thành và Lái Thiêu. Hàng ngày, ông đưa thư từ, công văn từ tỉnh xuống những địa bàn này và ngược lại. Để chuẩn bị cho Đồng Khởi năm 1960, tỉnh Thủ Dầu Một thành lập Đội bảo vệ Tỉnh ủy khoảng 6 - 7 người, ông được phân công làm đội phó. Sau đó, ông được đưa về trường huấn luyện tân binh, rồi trường huấn luyện xã đội. Sau khi Tỉnh đội Thủ Dầu Một được thành lập, ông được đưa về Phòng Chính trị phụ trách công tác chính trị trong chiến đấu. Ông nói: “Vì làm công tác chính trị trong chiến đấu nên ở chiến trường nhiều hơn ở cơ quan. Nguy hiểm vẫn rình rập từng phút, từng giây...”. Sau đó, ông tiếp tục được đưa về làm chính trị viên Huyện đội Châu Thành. Và từ năm 1973, ông là Bí thư Huyện ủy Châu Thành cho đến ngày đất nước thống nhất.
Sau 1975, ông Út Hiếu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Huyện ủy Tân Uyên, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, rồi đến Chủ tịch HĐND tỉnh từ khóa IV năm 1989-1994, đây là khóa được xem là chuyên trách đầu tiên của HĐND tỉnh. Ông Út Hiếu đánh giá, trong nhiệm kỳ hoạt động, HĐND tỉnh Sông Bé khóa IV đã phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần đổi mới để tiếp tục đưa địa phương phát triển đi lên. HĐND tỉnh Sông Bé khóa IV mang tinh thần đổi mới, là biểu tượng nền tảng của quá trình thực hiện dân chủ công khai, qua đó tiếp tục củng cố lòng tin nơi nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ông Út Hiếu cho biết, HĐND tỉnh Sông Bé khóa IV đi vào hoạt động trong điều kiện cả nước tiếp tục phát huy những kết quả ban đầu của quá trình đổi mới, trong đó yêu cầu cải thiện đời sống của nhân dân ngày càng cao trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi HĐND tỉnh Sông Bé phải tiếp tục thực hiện công khai hóa, dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng được những nghị quyết thiết thực, cụ thể thúc đẩy nhanh công cuộc đổi mới tại địa phương.
Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Sông Bé khóa IV đã thảo luận, đặt ra phương hướng để tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Điều này đòi hỏi toàn thể đại biểu HĐND tỉnh phải phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật, nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý của Nhà nước, gắn liền với bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đó cũng là bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Để đạt được điều này, đòi hỏi các đại biểu phải thấm nhuần một cách sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”, phải thật sự dân chủ, sâu sát với nhân dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân; mở rộng việc tiếp dân, nhanh chóng giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân, làm tốt chức năng giám sát.
Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, HĐND tỉnh Sông Bé khóa IV cũng đã xác định, cần tiếp tục thực hiện 3 chương trình kinh tế kết hợp với cấu trúc hạ tầng, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện; đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; khai thác và quản lý sử dụng có hiệu quả các tài nguyên và thế mạnh của địa phương; chú trọng kinh tế đối ngoại, du lịch gắn với làm tốt công tác trật tự an ninh, phòng chống tội phạm; củng cố quốc phòng - an ninh; lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh; quan tâm đúng mức hơn các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với đồng bào dân tộc, chính sách tôn giáo…
Theo ông Hiếu, nhờ tập trung thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, bước đầu tỉnh Sông Bé đã có nhiều chuyển biến quan trọng trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tỉnh đã từng bước đổi mới cơ chế, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh, giải phóng năng lực sản xuất, chuyển đổi cơ chế, sửa đổi một số chính sách, giao quyền chủ động cho cơ sở, mở rộng dân chủ công khai. Thời điểm này, Nhà nước cũng đã ban hành sửa đổi bổ sung một số luật và pháp lệnh mới, từng bước kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ, lập lại trật tự kỷ cương, thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; mở rộng kinh tế đối ngoại kết hợp với tăng cường quốc phòng - an ninh… Đây là những thuận lợi cơ bản, là nền tảng để cả nước nói chung và tỉnh Sông Bé nói riêng tiếp tục thúc đẩy nhanh công cuộc đổi mới.
Ông Phan Văn Hiếu chia sẻ: “Ở giai đoạn nào, HĐND cũng phải làm tròn nhiệm vụ của mình là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Muốn vậy, người đại biểu phải thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Mà muốn gặp gỡ, lắng nghe thì phải xuống dân, tìm đến dân, gắn với địa bàn mình cư trú, địa bàn nơi mình ứng cử. Từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để gửi đến HĐND, đề xuất các biện pháp thực hiện; đồng thời theo dõi, giám sát đôn đốc ngành chức năng có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đầy đủ những kiến nghị của cử tri theo luật định. Và yêu cầu thứ hai rất quan trọng của người đại biểu HĐND là phải cương quyết, phải có khả năng chất vấn, bảo vệ được chính kiến của mình, tránh nể nang, e dè... Đồng thời, để nâng cao chất lượng hoạt động, HĐND tỉnh cần tăng số lượng cán bộ chuyên trách, giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm để tăng cường khả năng giám sát…”. (Còn tiếp)
THU THẢO