“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi – Bài 3

Thứ ba, ngày 20/01/2015

(BDO) Bài 3: Giành chính quyền - Mở ra trang sử mới

Trải qua những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, bất chấp sự khủng bố, tàn sát của kẻ thù, những người chiến sĩ cộng sản Thủ Dầu Một (TDM) đã bám rễ sâu vào quần chúng nhân dân, kiên trì vận động và lãnh đạo công nhân, nông dân và đồng bào các dân tộc nổi dậy đấu tranh, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành những người chủ đất nước. Đảng ta từ một Đảng không hợp pháp trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền. Nước ta thoát ra khỏi ách đô hộ trở thành nước độc lập và dân chủ.

Thời cơ chín muồi

Đêm 9-3-1945, cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật và Pháp đã nổ ra. Lúc 8 giờ, cả 10 vạn lính Nhật ở Đông Dương đã bất ngờ đảo chính, tấn công vào bộ máy chính quyền Pháp. Chưa đầy 2 giờ sau, phần lớn lực lượng vũ trang của Pháp đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Ở TDM, chỉ có một đồn 200 lính tại thành Săn Đá do tên quan tư Pháp chỉ huy, nổ súng lẻ tẻ chống cự yếu ớt. Sau đó tất cả người Pháp ở TDM đều bị bắt tập trung về Sài Gòn, tên quan tư Pháp thất thế phải tự tử.

Hiện nay, dấu tích sự kiện lịch sử ngày 25-8-1945 được lưu giữ trân trọng bằng Bia lưu niệm sự kiện lịch sử “Giành chính quyền thắng lợi” ở phường Phú Cường, TP.TDM. Ảnh: T.THẢO

Dự đoán được tình hình, trong ngày 9-3, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Đình Bảng, cách Hà Nội 16km để bàn biện pháp đối phó với tình hình khi cuộc đảo chính xảy ra. Hội nghị chủ trương nêu khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật” và phát động cao trào chống Nhật, cứu nước mạnh mẽ, gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính quyền ở địa phương.

Để cụ thể hóa những nhận định và nghị quyết của hội nghị, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị lịch sử: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị này có tác dụng chỉ đạo rất kịp thời và phát huy tinh thần độc lập, sáng tạo của các Đảng bộ địa phương.

Sau khi đảo chính, phát xít Nhật và bè lũ tay sai tiếp tục thực hiện các chính sách đô hộ hà khắc. Đó là chính sách thu thóc và tăng thuế nặng hơn trước; chính sách đàn áp cách mạng, khủng bố nhân dân. Cụ thể, hàng trăm người yêu nước từ các làng, đồn điền cao su, nhà máy bị tống giam vào khám đường TDM, đày lên căng Bà Rá... Nhiều dân nghèo đi kiếm ăn gần kho dự trữ lương thực, thực phẩm bị chúng nghi ngò bắt đem chặt 5 ngón tay hoặc bị chôn sống nửa thân người tại sân banh Lai Khê (Bến Cát). Họ còn bị bắn chết tại kho quân cụ ở rừng Cò My (Lái Thiêu)... Nhân dân ngày càng căm thù Nhật tột độ.

Trong bối cảnh đó, từ tháng 3 đến tháng 5-1945, Tỉnh ủy chỉ đạo chuyển phong trào lập nhóm Cứu quốc lên Hội Cứu quốc trong nông dân, công nhân, phụ nữ, thanh niên ở nhiều làng, thị trấn trên địa bàn; đồng thời tổ chức khoảng 300 cuộc đấu tranh chống đi đào hầm, chống nộp thuế... Đặc biệt trong tháng 5-1945, Tỉnh ủy TDM thực hiện chủ trương của Xứ ủy về việc thành lập Thanh niên Tiền phong. Ban Quản trị Thanh niên tiền phong do nhà giáo Trịnh Kim Ảnh làm thủ lĩnh và một số nhà giáo khác là thành viên.

Đến đầu tháng 7-1945, tại TDM, khí thế cách mạng đã phát triển rất sôi nổi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc ở các huyện, thị, lực lượng Thanh niên Tiền phong và quần chúng nhân dân đã sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Giờ phút quyết định

Gần 70 năm trôi qua kể từ ngày hơn 5 vạn quần chúng nhân dân rầm rập kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền (25-8-1945), người dân TDM vẫn luôn ghi nhớ mãi ngày lịch sử đó với niềm tự hào vô bờ bến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xóa bỏ chính quyền phát xít của Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông.

Ông Nguyễn Hậu Tài, cán bộ lão thành cách mạng ở phường Phú Cường (TP. TDM), người đã từng chứng kiến giờ phút lịch sử ấy nhớ lại, ở TDM, không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra sôi nổi trong tháng 7 và đầu tháng 8. Đội tự vệ ra đời ở lò chén Phú Cường và Thanh niên Tiền phong Chánh Hiệp, Phú Hòa là những đơn vị hoạt động rất mạnh, có đến vài trăm người và được trang bị hơn 10 khẩu súng lấy được của Nhật. Song song đó, công tác binh vận được xúc tiến trong đội cảnh sát, đại đội cộng hòa vệ binh nên nhiều binh sĩ, hạ sĩ quan hứa sẵn sàng ủng hộ. Hầu hết công chức ở quận và tỉnh đã ngả về phía Việt Minh; một số người ở tầng lớp trên cũng liên lạc với cách mạng. Thanh niên Tiền phong ở nội ô (đây là một tổ chức quần chúng hợp pháp, công khai hoạt động do Đảng ta lãnh đạo nhằm tập hợp thanh niên các tầng lớp tham gia sinh hoạt, giáo dục tinh thần yêu nước trong đông đảo thanh niên) tổ chức sinh hoạt văn hóa, dự mít-tinh chính trị, tập luyện võ thuật, diễu hành. Họ còn phân công đội viên canh giữ đường phố, dán truyền đơn… Đội tự vệ, Thanh niên Tiền phong là những lực lượng nòng cốt để tiến tới giành chính quyền.

Một góc phường Phú Cường hôm nay. Ảnh: Q.CHIẾN

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc dân đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, tình thế cách mạng ở TDM đã chín muồi. Ngày 17 và 18-8-1945, Xứ ủy Nam kỳ quyết định khởi nghĩa. Đêm 23- 8, Tỉnh ủy TDM họp mở rộng tại chợ Bưng Cầu kiểm điểm lại lực lượng, phân công cán bộ, lập ra Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Văn Công Khai làm trưởng ban, quyết định dời trụ sở chỉ huy về ngã ba Lò Chén (Phú Cường) để chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh lỵ. Trên thực tế, trong những ngày 23 và 24-8, lực lượng cách mạng đã làm chủ tình hình, khí thế cách mạng như triều dâng, thác đổ.

Chiều 24-8, một tổ tự vệ đến cắm cờ trên dinh Chánh Tham biện, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và đồng chí Văn Công Khai đến Nhà việc Phú Cường để chỉ huy khởi nghĩa. Đêm 24 rạng sáng 25, lực lượng tự vệ của công nhân cao su và các huyện trong tỉnh đi về tỉnh lỵ, chia thành nhiều bộ phận đóng ở các nơi để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa. Cùng với các đội tự vệ khởi nghĩa cướp chính quyền, các đoàn thể quần chúng gấp rút sắp xếp tổ chức, đội hình, phân công bảo vệ thôn xóm, đường phố. Nhân dân thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng, dán khẩu hiệu chuẩn bị cho giờ hành động đã định vào ngày hôm sau.

Ông Nguyễn Hậu Tài kể: “Tôi còn nhớ, rạng sáng ngày 25-8-1945, cuộc biểu dương lực lượng của gần 5 vạn quần chúng nhân dân kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền. Rừng cờ vàng sao đỏ (cờ của lực lượng thanh niên tiền phong lúc bấy giờ) và cờ đỏ sao vàng bay dọc theo 2 phố chợ, mọi người hô vang khẩu hiệu: Chính quyền về tay Việt Minh, Việt Nam độc lập muôn năm, đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Sâm… 5 vạn đồng bào, cùng lực lượng bán vũ trang hợp thành sức mạnh tổng hợp của cuộc tổng khởi nghĩa”.

Tại cuộc mít-tinh, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh đọc diễn văn, nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân TDM: “Từ nay xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông”. Đáp lại là cả rừng cờ đỏ sao vàng phất phới cùng tiếng hô như sấm dậy của nhân dân: “Việt Nam độc lập muôn năm”...

Sau cuộc mít-tinh, 5 vạn đồng bào trong tỉnh diễu hành trên khắp đường phố, hô vang khẩu hiệu cách mạng, phân công chiếm công sở, cơ quan còn lại của địch, bắt tay sai phản động. Đến 14 giờ chiều cùng ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền kết thúc thắng lợi cùng với nhân dân Sài Gòn và một số tỉnh khác. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra trang mới cho lịch sử cách mạng của nhân dân trong tỉnh; đồng thời tạo tiền đề quan trọng để nhân dân ta bước vào giai đoạn cách mạng mới, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bài 4: Tự hào quê hương Bến Cát

THU THẢO