“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài 13
(BDO) Bài 13: Tạo dựng nên diện mạo mới
Từ những thành công trong việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), Bình Dương được Chính phủ xác định là một trong những địa phương hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để xứng đáng với vai trò và nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã xây dựng các giải pháp lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển của của địa phương lên tầm cao mới.
Động lực thúc đẩy
Nhờ kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền sản xuất công nghiệp của Bình Dương phát triển nhanh chóng, đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng của nền kinh tế, tạo được bước phát triển đột phá cho địa phương. Sự tăng trưởng liên tục và nhanh chóng của nền sản xuất công nghiệp cùng với việc đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa Bình Dương từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển trở thành tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc hàng cao nhất cả nước; trở thành một địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp.
Trong giai đoạn 2001-2005, Bình Dương đã phát triển thêm 9 KCN, nâng tổng số KCN trong tỉnh lên con số 16 với tổng diện tích 3.200 ha, thu hút gần 1.900 dự án đầu tư trong nước với số vốn gần 10.000 tỷ đồng và trên 600 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 2,259 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Trong đó, KCN VSIP I với diện tích quy hoạch 500 ha, hạ tầng hiện đại, được đánh giá là KCN có chất lượng cao nhất. Đây là KCN tiêu biểu không chỉ ở Bình Dương mà còn là của cả nước. Ngoài ra, các KCN Việt Hương I, II, Sóng Thần I, II, Mỹ Phước, Nam Tân Uyên… đều hoạt động hiệu quả, thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Một góc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Ảnh: P.V
Là ngành kinh tế trọng yếu và lớn nhất tỉnh, công nghiệp thực sự trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Trong 5 năm 2001-2005, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 2 lần mức trung bình của cả nước; có 3 năm được xếp vị trí thứ nhất về tốc độ phát triển trong 4 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm phía Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trưởng ở mức cao và liên tục (bình quân khoảng 36%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 28 - 30%). Nếu như năm 2001 đạt trên 12.300 tỷ đồng thì đến năm 2005 con số này đã tăng lên trên 42.500 tỷ đồng.
Công nghiệp phát triển không chỉ góp phần nâng cao mức tăng trưởng của tỉnh mà còn thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển nhanh chóng, giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tạo bước đột phá
Nhằm tiếp tục tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển đột phá cũng như thực hiện vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng một khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, trong đó nền tảng là phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp. Để hiện thực hóa chủ trương đó, ngày 12-10-2004, UBND tỉnh đã khởi công xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương có tổng diện tích trên 4.000 ha nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Tân Uyên, Bến Cát và thị xã Thủ Dầu Một. Theo quy hoạch, khu liên hợp được chia thành 6 KCN tập trung có diện tích 1.800 ha; khu dịch vụ cao cấp mang tầm cỡ quốc tế có diện tích gần 700 ha gồm sân golf, trường đua ngựa, đua ô tô, trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính - ngân hàng, trường đại học, bệnh viện, khu nghỉ mát…
Nếu như quốc lộ 13 được xem là cửa ngõ thứ nhất thì Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương là “cửa ngõ thứ hai”, từ đó hình thành các tuyến giao thông huyết mạch giúp Bình Dương kết nối với sân bay, bến cảng, giao lưu hàng hóa với các nước trong khu vực, các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần thúc đẩy sự hội nhập kinh tế quốc tế của Bình Dương. Bên cạnh đó, khu liên hợp sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 - 200.000 lao động trực tiếp và một lượng lớn lao động dịch vụ khác. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút lực lượng lao động có tay nghề, kiến thức từ mọi miền đất nước, kể cả các chuyên gia nước ngoài. Hơn thế nữa, khu liên hợp sẽ tạo ra một hiệu quả về không gian xây dựng, biến vùng đất nông thôn với sản xuất nông nghiệp nghèo nàn thành một khu vực phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị sầm uất, hiện đại mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, góp phần hình thành một thành phố hiện đại trong tương lai gần.
Sự ra đời của Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương thực sự là bước ngoặt quan trọng, khẳng định sự năng động và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” là một chủ trương hợp lòng dân…
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, đất nước ta nói chung và tỉnh Sông Bé nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đời sống nhân dân đang nghèo. Trước tình hình đó, tập thể lãnh đạo tỉnh Sông Bé nhận ra địa phương mình có nhiều thế mạnh: Diện tích rộng, nhân lực dồi dào, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Làm thế nào để khai thác có hiệu quả những tiềm năng này luôn là vấn đề trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và các cấp, các ngành trong tỉnh. Thế rồi, qua nhiều lần bàn bạc, nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh đã đề ra chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”. Ban đầu chỉ thu hút các nhà đầu tư từ TP.HCM đến với tỉnh nhà, sau đó mới mở rộng ra. Đi đôi với chủ trương đó là “Trải thảm đỏ thu hút nhân tài” khắp mọi nơi phục vụ cho tỉnh nhà phát triển đi lên.
Chủ trương đó hợp lòng dân, đã tác động đến các nhà đầu tư. Nói phải đi đôi với làm, lãnh đạo thời kỳ đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phát huy hết vai trò, phối hợp các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục giao đất, mặt bằng, cấp giấy phép cho nhà đầu tư. Nhờ vậy, trong thời gian này nhiều nhà đầu tư đã tìm tới Bình Dương để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Về nhân tài cũng vậy, mình phải có tấm lòng, có chính sách mời gọi. Theo tôi, việc mời gọi nhân tài có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cho đến thời điểm này, nhìn lại tôi thấy chủ trương đó đã đúng hướng, mang lại kết quả ai cũng nhìn thấy, từ tỉnh nghèo, Sông Bé - Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp phát triển.
Bác Hồ đã dạy: Thắng giặc Mỹ rồi ta xây dựng lại hơn mười ngày nay; đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Lời Bác rất sâu sắc. Bởi biết bao thế hệ cha anh sẵn sàng hy sinh xương máu cho đất nước độc lập không phải để rồi coi như xong, mà độc lập thống nhất rồi ta phải phát triển kinh tế mạnh hơn. Nhìn lại chặng đường 40 năm đất nước thống nhất, tôi rất vui mừng với những thành quả mà đất nước đạt được, trong đó có sự đóng góp của tỉnh Bình Dương. Tổ quốc đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống nhân dân đã thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, nhìn toàn diện thì sự phát triển của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng so với thế giới còn thua. Cho nên tôi mong muốn lãnh đạo và nhân dân Bình Dương đừng bao giờ thỏa mãn mà phải phấn đấu đạt được mục đích lý tưởng, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa càng giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.
KIẾN GIANG (ghi)
Bài 14: Đoàn kết, đồng thuận là yếu tố quyết định
TRÍ DŨNG