“Hạt giống cách mạng” nẩy mầm, sinh sôi - Bài 12

Thứ sáu, ngày 30/01/2015

Bài 12: Phát triển nhanh và bền vững

Những năm đầu sau tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, góp phần tạo ra diện mạo mới cho địa phương. Tuy nhiên, tỉnh cũng đương đầu với nhiều thách thức: Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa vững chắc, hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, đời sống của một bộ phận người dân còn thấp…

(BDO)

 Phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở là một trong những giải pháp giúp Bình Dương phát triển nhanh và bền vững. Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương nhìn từ trên cao xuống Ảnh: P.V

Phát triển hài hòa

Từ ngày 2-1 đến ngày 5-1- 2001, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII được tiến hành trong khí thế hân hoan phấn khởi chào đón thiên niên kỷ mới. Đại hội đã nghiêm túc đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 1997- 2000. Đại hội đã đề ra mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh đến năm 2010 là: “Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, hội nhập kinh tế vùng và khu vực, biến tiềm năng thành lợi thế so sánh để thu hút đầu tư, chú trọng phát triển công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao… Song song với tăng trưởng kinh tế, chú trọng chăm lo xây dựng và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh trong quá trình phát triển”.

Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy mọi tiềm năng và lợi thế sẵn có, khai thác tốt mọi nguồn lực, tận dụng mọi thời cơ để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Những chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH giai đoạn từ năm 2001-2005 được đại hội xác định đó là: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân hàng năm từ 13 - 14%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2005 đạt từ 15 - 16 triệu đồng; đến năm 2005 cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 61 - 62%, 27 - 28%, 10 - 11%; bảo đảm trên 90% học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường; bình quân có 15 giường bệnh/10.000 dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tập trung phát triển hạ tầng cơ sở

Một trong những vấn đề trọng tâm được Ban Chấp hành Đảng bộ, UBND tỉnh quán triệt đó là tập trung phát triển hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống giao thông. Thực hiện chủ trương này, chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã tập trung vốn đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng trên địa bàn như đại lộ Bình Dương, ĐT741, ĐT742, ĐT743, ĐT745, ĐT746. Các tuyến đường trong nội ô thị xã, thị trấn đã được nâng cấp, cải thiện. Đến cuối năm 2001, 100 xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đó là một nỗ lực lớn của tỉnh góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở cũng như tạo thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Cùng với việc chú trọng phát triển hạ tầng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc lập quy hoạch phát triển các trung tâm hành chính mới như Dĩ An, Phú Giáo, Dầu Tiếng. Các khu trung tâm huyện mới ngày càng phát triển với tốc độ cao, bảo đảm theo hướng quy hoạch cơ bản. Tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch, điện thoại… không ngừng tăng.

Qua 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển (2001-2005), kinh tế Bình Dương liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP, thu ngân sách tăng nhanh, kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh, thu hút đầu tư có sự chuyển biến. Một số chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) liên tục tăng trưởng, bình quân mỗi năm GDP tăng 15,3% (chỉ tiêu là 13 - 14%), cao nhất là năm 2002 (15,8%).

Song song với việc tập trung phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội được thực thi và hoàn thành trước kế hoạch như giải quyết việc làm, phổ cập trung học cơ sở, y tế, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…

Người gắn liền với những bước ngoặt lịch sử cách mạng

Thực hiện quyết định của Trung ương Cục miền Nam, tháng 6-1961, tỉnh Thủ Biên được tách ra, tái lập lại hai tỉnh Thủ Dầu Một (TDM), Biên Hòa và thành lập tỉnh Phước Thành, tương ứng với địa giới hành chính 3 tỉnh của địch. Tỉnh TDM do đồng chí Nguyễn Văn Trung (Sáu Trung) làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến khoảng giữa tháng 5-1965, đồng chí Nguyễn Văn Trung được điều về Khu ủy miền Đông Nam bộ. Và khoảng cuối năm 1965, Khu ủy điều đồng chí Nguyễn Văn Trung trở lại làm Bí thư Tỉnh ủy TDM.

Từ tháng 6-1961 đến tháng 10-1974, đồng chí Nguyễn Văn Trung luôn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử cách mạng của tỉnh với vai trò người lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thủ Dầu Một. Cụ thể, giai đoạn lịch sử từ 1961 đến giữa năm 1965, cùng với quân và dân toàn miền Nam, Đảng bộ, quân và dân TDM đã vượt qua những thử thách, đương đầu với chương trình “bình định” gom dân, lập ấp chiến lược của Mỹ ngụy, nhưng phong trào cách mạng trong tỉnh vẫn phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn từ giữa 1965 đến cuối 1968, lực lượng cách mạng ở TDM đã nhanh chóng phát triển, kiên cường chiến đấu, đánh thắng các cuộc phản công của địch, đồng thời tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, góp phần đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; cùng quân dân cả nước lập nên những chiến công vang dội, buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Từ 1973-1974, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân TDM tiếp tục phát huy những thắng lợi có tính chiến lược, tạo thế và lực mới, kiên quyết đánh bại các cuộc lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng…

Người cộng sản mẫu mực

Chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1974-1975, từ cuối năm 1974, Trung ương Cục quyết định giải thể tỉnh Tân Phú, giao huyện Tân Uyên, Phú Giáo và Dĩ An về tỉnh Thủ Dầu Một. Đồng chí Nguyễn Văn Luông lúc này là Bí thư Tỉnh ủy Tân Phú được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một.

Sau khi đảm nhiệm cương vị mới, ông chỉ đạo quân dân trong tỉnh chuẩn bị tài lực, vật lực, tiếp tục tổ chức lực lượng tấn công trên toàn địa bàn tỉnh tiêu diệt và làm tan rã hàng ngàn tên địch, phá hỏng bộ máy kìm kẹp của địch ở nhiều nơi, mở rộng vùng giải phóng. Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là Khu ủy viên Khu ủy miền Đông, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng, ông cùng với Ban chỉ đạo, chỉ huy tiền phương lãnh đạo quân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chủ lực và nhân dân trong tỉnh, liên tục tiến công và nổi dậy, đánh chiếm toàn bộ các căn cứ quân sự, diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng quân ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, ấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Luông được Đảng tín nhiệm giao giữ nhiều trọng trách: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sông Bé (1976-1979); Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sông Bé khóa VI (1976-1981); Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé (1980-1992). Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của tỉnh Sông Bé.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Luông là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó mật thiết với nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng của tỉnh.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

 Bài 13: Tạo dựng nên diện mạo mới

 

 TRÍ DŨNG