Góp phần nhận diện và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người ở tỉnh Bình Dương thời kỳ mới - Bài 3
(BDO) Bài 3: Giải pháp hoàn thiện và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người Bình Dương trong thời đại mới
Sự nghiệp phát triển Bình Dương trở thành thành phố thông minh thời gian tới đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương; đồng thời phải xây dựng được hệ giá trị mới phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Xây dựng các giá trị văn hóa, lối sống đô thị văn minh, tiến bộ không phải là một công việc nhất thời mà là việc làm thường xuyên, liên tục, với những bước đi, cách làm phù hợp trong từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể.
Định hướng chiến lược chung
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của phát triển văn hóa là: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho lãnh đạo địa phương và Ban quý tế đình Bình Nhâm ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An. Ảnh: Hồng Thuận
Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Với tỉnh Bình Dương, Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XI đã đề ra mục tiêu phát triển là: "Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước".
Đây là những cơ sở lý luận, giữ vai trò định hướng cho quá trình hoàn thiện và phát huy các giá trị văn hóa, con người Bình Dương trong thời kỳ mới.
Giải pháp cụ thể
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa-xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là về giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, các thiết chế văn hóa phục vụ cho người dân và công nhân lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị.
Chủ động xây dựng các tiêu chí văn minh, văn hóa đô thị phù hợp với đặc thù của địa phương, nhất là lối sống đô thị phù hợp với chiến lược xây dựng thành phố thông minh. Hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về đô thị, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý nhà nước trong các đô thị; khẩn trương giải quyết các vấn đề đô thị, như: Quản lý nhân khẩu, ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, sự phát triển không đồng bộ các dịch vụ công…
Thứ hai, đầu tư nghiên cứu khoa học để hoàn thiện, chuẩn hóa hệ giá trị văn hóa, con người Bình Dương. Cần sàng lọc, phân loại các giá trị để có chiến lược bảo tồn, phát huy. Đồng thời, cần phải nghiên cứu, sàng lọc kỹ từng thành tố của văn hóa quê gốc của những cộng đồng nhập cư cư trú tập trung, phân loại chúng theo tính tiến bộ và mức độ phù hợp để có chính sách quản lý và phát triển khoa học.
Thứ ba, chú trọng đầu tư vào xây dựng, phát triển tầng lớp dân cư đô thị, chủ thể của văn hóa và văn minh đô thị, thay đổi các điều kiện sống, lao động của họ như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đô thị; điều kiện ăn, mặc, ở; các dịch vụ văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… theo hướng văn minh, hiện đại, tiến bộ. Quản lý tốt và quan tâm thiết thực tới những lao động nhập cư và thân nhân của họ, từng bước nâng cao mức sống mọi mặt cho người nhập cư và đưa họ hòa nhập tích cực vào đời sống đô thị sở tại.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức pháp luật, về các giá trị văn hóa, lối sống tốt đẹp của địa phương cho toàn thể người dân. Cần phát huy vai trò quan trọng của các đơn vị thuộc hệ thống giáo dục - đào tạo, các cơ quan truyền thông, các văn nghệ sĩ, hội văn hóa chuyên ngành… vốn là các lực lượng chủ đạo, có chức năng sáng tạo và truyền bá các giá trị văn hóa.
Điển hình như, từ tháng 10-2022, Báo Bình Dương tổ chức cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”, đã lan tỏa mạnh mẽ tình yêu với đất và người Bình Dương. Trong vòng 1 tháng, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 700 tác phẩm dự thi, với hơn 600 bài viết, hơn 80 video clip từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nhiều tác phẩm hay viết về các di tích lịch sử, văn hóa, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất và người Bình Dương. Đây là cách làm sáng tạo, hiệu quả, rất cần tiếp tục phát huy.
Bên cạnh đó, cần dành thời lượng thích hợp về văn hóa, con người Bình Dương trong giảng dạy Địa phương học theo chương trình giáo dục mới ở tất cả các bậc học. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy tinh thần tự quản của người dân tại các cộng đồng dân cư cũng là cách thức thiết thực, hiệu quả trong xây dựng lối sống văn hóa.
Phát triển đô thị bền vững sẽ tạo điều kiện để xây dựng lối sống đô thị văn minh, tiến bộ. Đồng thời, sự phát triển văn hóa, lối sống đô thị văn minh, tiến bộ sẽ tác động tích cực đến sự phát triển đô thị bền vững. Đây là quá trình lâu dài, khó khăn, cần kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, vừa phải kiên trì những kế hoạch, phương hướng mang tính chiến lược lâu dài, vừa linh hoạt, sáng tạo những giải pháp cụ thể, giải quyết tốt từng vấn đề nảy sinh. Quá trình đó rất cần có sự tham gia của các lực lượng như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp và toàn thể người dân, để tạo ra sự đồng thuận cao, sự tác động tổng lực.
Tiến sĩ BÙI TRUNG HƯNG