Góp phần nhận diện và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người ở tỉnh Bình Dương thời kỳ mới - Bài 1
(BDO) Bài 1: Nhận thức lý luận về vai trò của hệ giá trị
Ở nước ta thời gian gần đây, vấn đề giá trị và hệ giá trị được quan tâm nhiều, nhất là khi ngày càng có nhiều những biểu hiện lệch lạc, cả từ đạo đức lẫn pháp luật, ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Ðảng đã nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Tháng 10-2022, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc, để xác định chiến lược về văn hóa, trong đó nhấn mạnh về xây dựng hệ giá trị mới. Ngày 29-11-2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương và nhiều đơn vị tổ chức Hội thảo Quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương chúc mừng TP.Thủ Dầu Một, phường Tân An và Ban quý tế đình Tân An nhân dịp lễ công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Kỳ yên đình Tân An". Ảnh: HỒNG THUẬN
Vậy giá trị, hệ giá trị là gì? Nó có vai trò ra sao trong đời sống xã hội?
Giá trị, theo nghĩa rộng nhất, được hiểu là: “Các khách thể vật chất hay tinh thần có khả năng thoả mãn những nhu cầu nào đó của con người, giai cấp, xã hội và đáp ứng những mục đích, lợi ích của họ”. Theo đó, giá trị trong xã hội rất đa dạng, nó bao hàm trong mình những mối quan hệ tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế - xã hội, chính trị, những hệ thống đạo đức, thẩm mỹ và khoa học.
Các giá trị thuộc cùng một lĩnh vực, cùng mục đích hoặc phạm vi điều chỉnh sẽ tập hợp thành hệ giá trị. Vì thế mà có các hệ giá trị như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu ở trên.
Vai trò của hệ giá trị trong đời sống xã hội
Thứ nhất, giá trị là thước đo tính nhân văn của đồ vật. Trong quá trình khai thác thế giới xung quanh để sinh sống, con người đã chuyển hóa các vật, năng lượng, thông tin của tự nhiên theo nhu cầu và đem lại cho chúng phẩm chất người để đáp ứng nhu cầu của mình. Thông qua lao động, con người sử dụng các đồ vật do mình làm ra, sống bằng các sản phẩm của lao động. Do vậy, giá trị đại biểu cho mức độ chi phí sức lực cơ bắp và tinh thần con người trong quá trình khai thác tự nhiên và xã hội.
Con người đã nhào nặn tự nhiên, nhân hóa, chuyển hóa thiên nhiên hoang sơ thành thiên nhiên mang tính người mà Các Mác gọi đó là “thiên nhiên thứ 2”. Khi các phương thức hoạt động ngày càng phong phú và đa dạng, con người đã gia tăng khả năng thỏa mãn những nhu cầu của mình từ việc khai thác vô số các thuộc tính của thế giới vật chất. Những thuộc tính này đã mang lại nhiều ý nghĩa xã hội cho các hiện tượng và sự vật, tạo thành cơ sở của giá trị và quan hệ giá trị của con người đối với hiện thực. Từ ý nghĩa xã hội của các sự vật, hiện tượng mà con người nhào nặn nên hiện thực; đồng thời nhờ việc nhào nặn hiện thực con người đã tạo ra cho các sự vật, hiện tượng ý nghĩa xã hội, tức là tạo giá trị cho chúng.
Thứ hai, hệ giá trị là cấu phần căn bản của văn hóa. Khi con người sáng tạo ra các sản phẩm thì đồng thời tạo ra các thuộc tính xã hội cho chúng theo giới hạn của thời đại mình. Thế giới vật thể do con người sáng tạo kết tinh cả những tính chất đặc trưng của thời đại, lẫn nhân cách của người lao động. Vì thế, trong những sản vật, con người đã phát hiện ra chính bản thân mình, sức mạnh vốn có của mình. Thế giới hiện thực được sáng tạo bởi nhiều thế hệ người, sự giàu có về đồ vật của xã hội, là hình thức bề ngoài của văn hóa. Sự phát triển bản thân như một con người xã hội, phát triển sức mạnh sáng tạo, các quan hệ, những nhu cầu, các khả năng và những hình thức giao tiếp... của họ, chính là nội dung cốt lõi của văn hóa.
Khi khai thác văn hóa, chúng ta không đi tìm kiếm các đồ vật hay các ý niệm mà tìm kiếm con người đã tạo ra chúng, cũng như con người đã được khám phá trong các kết quả hoạt động của họ. Toàn bộ lịch sử xã hội thể hiện trong văn hóa nói lên khía cạnh phát triển chính bản thân con người, hơn nữa là nhân cách của họ.
Vì vậy, khi ta tìm thấy các giá trị cốt lõi của một xã hội, thước đo sự phát triển con người thì khi đó đã có câu trả lời văn hóa là gì. Trong quá trình sinh sống, con người luôn phải sáng tạo để hoàn thành những nhiệm vụ do xã hội đặt ra. Hoạt động sáng tạo này đã trở thành những kinh nghiệm mang tính lịch sử nhân loại và được những thế hệ kế tiếp vận dụng để tiếp tục hoạt động. Điều đó đã tạo nên bản chất của văn hóa như là quá trình khai thác thế giới theo nghĩa rộng nhất của con người; văn hóa đó là thước đo trình độ nhân văn của con người. Con người vừa sáng tạo ra, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là kết quả chủ yếu của văn hóa.
Trong sự vận động và phát triển của đời sống xã hội, sự tác động qua lại giữa hoạt động và quan hệ xã hội đã tạo nên những hình thức, những phương thức hoạt động - quan hệ. Giá trị văn hóa chính là những hình thức, phương thức hoạt động - quan hệ giúp con người trở thành chủ thể tự do và sáng tạo.
Thứ ba, hệ giá trị phản ánh sức mạnh, bản sắc quốc gia, ý chí, lý tưởng của dân tộc, có vai trò định hướng hoạt động của con người.
Một quốc gia chỉ tồn tại khi có độc lập, chủ quyền, dân chủ, dân quyền, sự thống nhất về kinh tế - xã hội và văn hóa. Vì thế, các giá trị tạo nên sự tồn tại của một quốc gia là: Độc lập, Thống nhất, Chủ quyền, Dân quyền. Ở từng quốc gia, trong những hoàn cảnh lịch sử riêng biệt, ở những vùng địa lý khác nhau, tùy vào những đặc thù về phương thức sống với những nét riêng về văn hóa, truyền thống của họ, luôn chọn ưu tiên một số giá trị nào đó làm cốt lõi.
Với Việt Nam, “chủ nghĩa yêu nước”, “độc lập dân tộc”… luôn được ưu tiên và trở thành những giá trị căn bản. Việc triển khai tốt các giá trị tạo nên sức mạnh quốc gia. Nhưng việc ưu tiên những giá trị nào, thực hiện chúng như thế nào thì sẽ tạo nên bản sắc quốc gia, có vai trò định hướng trong mọi hoạt động của con người ở quốc gia đó.
Thứ tư, giá trị là thước đo sự phát triển nhân cách của con người trong một nền văn hóa xã hội cụ thể.
Bằng hoạt động sáng tạo, con người đã sản xuất ra không chỉ các sản phẩm, mà cả các quan hệ xã hội vốn có của mình, con người đã làm ra lịch sử của mình. Trong đời sống xã hội cụ thể, nội dung phổ biến của hoạt động sáng tạo đã làm nên bản chất của văn hóa, luôn tồn tại thông qua hoạt động sống hiện thực của các cá nhân. Sự phát triển văn hóa trong từng xã hội cụ thể, một mặt được hình thành nhờ những tiền đề của các xã hội trước đó, mặt khác lại được cấu thành bởi kết cấu và các quan hệ xã hội đương thời. Vì thế, lịch sử hoạt động của các cá nhân đồng thời thuộc về lịch sử phát triển xã hội của họ.
Giá trị văn hóa không phải là một bộ phận hay chức năng của hệ thống xã hội mà là phương diện nhân cách của lịch sử xã hội. Giá trị văn hóa chứng minh trình độ phát triển của con người, sự phong phú và hoàn chỉnh trong nhân cách của họ, tính toàn diện phổ biến của các mối liên hệ của nó với thế giới xung quanh và với những người khác.
Con người bộc lộ trong giá trị văn hóa những năng lực, hiểu biết, sức mạnh sáng tạo của mình, đồng thời tìm thấy trong đó những vật liệu cần thiết để tiếp tục hoàn thiện và phát triển nhân cách của mình. Khi con người trưởng thành, để có nhân cách họ phải hòa mình trong các quan hệ xã hội, những thành tựu của văn hóa, những chuẩn mực và những giá trị đạo đức, pháp lý. Vì thế, xét về bản chất, giá trị văn hóa là trình độ phát triển cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ của con người.
Quan tâm đến các giá trị của các thế hệ người vừa là bản chất của văn hóa, vừa là nội dung của sự phát triển. Trong đó, sáng tạo là quá trình hình thành và phát triển những phẩm chất bên trong; là biểu hiện sự phát triển văn hóa, phát triển nhân cách chủ thể của quá trình sáng tạo đó.
Ở mọi xã hội, giá trị và hệ giá trị luôn giữ vai trò như là những định hướng, quyết định trong sự phát triển và là thước đo sự tiến bộ nhiều mặt. Mỗi xã hội, đều phải xây dựng cho mình một hệ giá trị, từ chung nhất cho quốc gia, đến từng lĩnh vực hoạt động cụ thể. Hệ giá trị ấy là kết quả trong quan hệ về giá trị của con người với thế giới sự vật, với những người khác, khi khai thác tự nhiên, xã hội để phát triển. Ở nước ta, trong thời gian qua, Đảng đã lãnh đạo việc xác định bảng giá trị của đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện bảng giá trị nhằm góp phần tạo ra những con người Việt Nam mới thực sự tự do, sáng tạo, định hướng cho dân tộc Việt Nam phát triển tiến bộ hơn. |
Tiến sĩ BÙI TRUNG HƯNG