Gốm sứ Lái Thiêu: Tinh hoa từ đất nức tiếng gần xa
(BDO) Hình thành qua hàng trăm năm
Những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông thủy bộ và nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ đã tạo điều kiện cho nghề gốm sứ sớm hình thành, ngày càng phát triển trên đất Lái Thiêu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thủy, trường Đại học Thủ Dầu Một, nghề gốm sứ ở Lái Thiêu hình thành vào cuối thế kỷ XIX.
Sản phẩm gốm sứ vào cuối thế kỷ XIX chủ yếu là gốm sứ dân dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của các gia đình, như: Chén, dĩa, tô, bình cắm hoa...; ngoài ra còn có các loại lu, khạp, ấm trà, siêu nước, chậu kiểng... Đến những năm 30 của thế kỷ XX, Bình Dương phát triển gần 100 lò gốm sứ, thu hút hàng chục ngàn lao động. Trong đó, ở vùng Lái Thiêu có khoảng 60 lò, với khoảng 10.000 lao động. Ngoài phục vụ thị trường trong tỉnh, các sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu lúc này còn được các thương lái mang đến các khu vực miền Tây, miền Trung, rồi sang tận Campuchia.
Sản phẩm gốm sứ Thuận An được mang đến giới thiệu cho khách tham quan tại một cuộc triển lãm của tỉnh
Các sản phẩm gốm sứ dân dụng thông thường và cao cấp, gốm sứ mỹ thuật sau đó tiếp tục được đưa sang tiêu thụ ở Pháp. Từ sự cần cù, sáng tạo trong lao động, cộng với bàn tay khéo léo người thợ gốm sứ Lái Thiêu đã làm nên những sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Những sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu thời kỳ đầu còn lưu lại ngày nay đã trở thành những bộ sưu tập giá trị. Hiện nay, những bộ sưu tập với tên gọi “Gốm sứ Lái Thiêu” đang được trưng bày ở các bảo tàng, như: Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ...
Dọc theo đại lộ Bình Dương, đoạn qua địa phận TP.Thuận An ngày nay rất dễ nhìn thấy những cửa hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm gốm sứ. Đó là những sản phẩm được những người thợ gốm sứ, những nghệ nhân gốm sứ ở TP.Thuận An tạo tác từ đất. Từ những hòn đất vốn trần trụi, họ đã bỏ vào đó biết bao công sức, nghiên cứu sáng tạo, kết hợp với kỹ thuật máy móc hiện đại để tạo nên vô vàn sản phẩm gốm sứ có kiểu dáng, chức năng khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng ở khắp mọi nơi.
Ngày càng phát triển
Trong giai đoạn 1954-1975, nghề gốm sứ ở Lái Thiêu tiếp tục phát triển mạnh hơn do có thêm nguồn nguyên liệu đất sét ở các khu vực lân cận đưa đến. Hơn nữa, trong giai đoạn này, các lò gốm sứ cũng bắt đầu áp dụng máy móc kỹ thuật vào một số công đoạn sản xuất. Các lò gốm sứ đã tăng lên đáng kể về mặt số lượng, nhất là các lò sản xuất gốm sứ mỹ thuật cao cấp.
Vì thế, sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu thời này đã có chất lượng cao hơn, mẫu mã cũng đẹp hơn giai đoạn trước rất nhiều. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thủy, thời kỳ này, sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu có 2 dòng chính, đó là gốm sứ dân dụng và gốm sứ mỹ thuật. Nghề gốm sứ tiếp tục phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn thợ gốm sứ, hình thành một lớp nghệ nhân ở địa phương như: Lý Ngọc Minh, Lý Ngọc Bạch...
Đây được xem là thời kỳ nghề gốm sứ phát triển nhất và đóng góp nhiều nhất vào kinh tế địa phương. Từ khi tỉnh Bình Dương được tái lập, nghề gốm sứ trên địa bàn tỉnh cũng được quy hoạch, đầu tư nên có bước phát triển mới. Các cơ sở có điều kiện đã đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại, từ nung đốt bằng củi chuyển sang nung đốt bằng điện, gas nên sản phẩm làm ra cũng đạt chất lượng cao hơn.
Sản phẩm gốm sứ của đất Lái Thiêu xưa, TP.Thuận An ngày nay chiếm một thị phần quan trọng trong nước và đã vươn xa ra thế giới. Từ năm 2000, nghề gốm sứ trên địa bàn TP.Thuận An được quy hoạch lại để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và phù hợp hơn với xu thế phát triển mới. Các cơ sở sản xuất gốm sứ được khuyến khích chuyển đổi phương thức nung đốt từ truyền thống sang dùng công nghệ hiện đại và di dời vào một vùng quy hoạch.
Dù đứng trước những thách thức mới, song ngành gốm sứ Thuận An đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tạo đà cho sự phát triển bền vững về sau. Những cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư lò nung hiện đại, sản phẩm của họ làm ra đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở địa phương mà còn nổi tiếng trong cả nước và trên thế giới. Tiêu biểu như sản phẩm gốm sứ Minh Long I do nghệ nhân Lý Ngọc Minh làm chủ đã không ngừng khẳng định thương hiệu của mình trên các thị trường.
Không chỉ được khách hàng tin tưởng, lựa chọn, sản phẩm gốm sứ Minh Long I còn được chọn làm quà tặng cho các đại biểu trong các sự kiện ngoại giao quan trọng của tỉnh cũng như của đất nước. Đến nay, gốm Lái Thiêu - Thuận An đã trải qua gần 200 năm hình thành, phát triển. Dù có những lúc thăng trầm khác nhau nhưng nghề gốm sứ trên vùng đất này vẫn tồn tại và đã phát triển lên những tầm cao mới. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thủy khẳng định: “Gốm sứ Lái Thiêu - Thuận An thực sự hình thành một đặc trưng riêng của mình trên vùng đất phương Nam trong khoảng thời gian gần 2 thế kỷ.
Với những gì mà nghề gốm sứ ở Lái Thiêu - Thuận An đã gầy dựng trong quá khứ và những gì mà nó đang khẳng định bằng những sản phẩm mang hàm lượng giá trị cao, đã trở thành những thương hiệu được ưa chuộng trên thị trường nội địa và quốc tế. Qua đó cho thấy, vùng gốm sứ Lái Thiêu xưa và Thuận An ngày nay thật sự là một sắc thái văn hóa đặc biệt của địa phương”.
Đầu năm 2021, “Nghề gốm Bình Dương” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tín hiệu vui đối với nghề gốm sứ Bình Dương nói chung cũng như nghề gốm sứ Lái Thiệu - Thuận An nói riêng. Với sự vào cuộc trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển của ngành văn hóa và địa phương, nghề gốm sứ Lái Thiêu - Thuận An sẽ có thêm điều kiện để phát triển hơn, tạo thêm nhiều giá trị về mặt kinh tế cũng như góp phần giữ gìn ngành nghề truyền thống, nét văn hóa của địa phương.
HỒNG THUẬN