Giải bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm - Bài 5

Thứ hai, ngày 17/05/2021

(BDO) Bài 5: Tín hiệu vui từ những mô hình

 Người dân, doanh nghiệp hy vọng các mô hình với phương châm “4 tại chỗ” và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý giao thông sẽ phát huy hiệu quả, kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

 Nhiều địa phương kỳ vọng khi “Đội cơ động xử lý sự cố giao thông” được triển khai sẽ góp sức giảm áp lực cho lực lượng chức năng trên đường Ảnh: HƯNG PHƯỚC

 Kỳ vọng vào “Đội cơ động xử lý sự cố giao thông”

Trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông (UTGT) cục bộ trên nhiều tuyến đường huyết mạch của tỉnh, đầu năm 2021, Công an tỉnh đã xây dựng và đề xuất UBND tỉnh thực hiện Đề án “Đội cơ động xử lý sự cố giao thông” để giúp giải quyết các sự cố giao thông, hỗ trợ các lực lượng chức năng khác trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), phòng chống UTGT.

Mới đây, trong một cuộc họp của UBND tỉnh, đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2025, Bình Dương tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, người và phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng, tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp, TNGT và UTGT có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh, đánh giá Đề án “Đội cơ động xử lý các sự cố giao thông” sẽ góp phần giải quyết được hạn chế về con người trong các lực lượng hiện tại nhằm hỗ trợ bảo đảm trật tự ATGT, giải quyết các sự cố giao thông. Tuy nhiên để đề án này thực hiện hiệu quả, có định hướng lộ trình lâu dài thì cần xem xét, góp ý, bổ sung và đánh giá nhằm đáp ứng được nhiệm vụ trong thực tiễn và tương lai, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để bảo đảm ưu tiên, tạo môi trường giao thông an toàn cho nhân dân, phục vụ phát triển thì việc xây dựng và triển khai Đề án thành lập “Đội cơ động xử lý sự cố giao thông” là cần thiết, phù hợp với thực tế, bảo đảm thực hiện hiệu quả phương châm “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ” trong giải quyết kịp thời các vụ việc, xử lý sự cố giao thông trên địa bàn tỉnh.

“Đội cơ động xử lý sự cố giao thông” là mô hình tự quản của phong trào toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT. Do đó, trong chỉ đạo, quản lý, điều hành và triển khai thực hiện phải bám sát nội dung công tác bảo đảm trật tự ATGT của Ban Bí Thư Trung ương Đảng. Việc thực hiện mô hình được huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân tích cực tham gia bảo đảm ATGT, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra ở địa phương. “Đội cơ động xử lý sự cố giao thông” là lực lượng cơ động thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất, cùng với các lực lượng chức năng giữ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; sẵn sàng phối hợp với lực lượng khác để giải cứu giao thông, điều tiết và phân luồng giao thông khi có yêu cầu.

Phạm vi của đề án được thành lập và hoạt động tại 9 huyện, thị và thành phố. Trên cơ sở đó, năm 2021, Công an tỉnh đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án, sau đó triển khai theo lộ trình ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên. Các địa phương còn lại tổ chức thành lập vào năm 2022. Năm 2023, năm 2025 tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm, khen thưởng, nhân rộng những cách làm hiệu quả, các điển hình tiên tiến và khắc phục những hạn chế thiết sót, đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo”, đại tá Quyên cho biết.

Cũng theo đề án này, “Đội cơ động xử lý sự cố giao thông” có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý tin báo về sự cố giao thông và phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện giữ gìn trật tự ATGT theo sự phân công, chỉ đạo của trưởng công an các huyện, thị, thành phố trên các tuyến đường bộ thuộc địa giới hành chính của địa phương. Khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến sự cố ATGT thì các thành viên phải nhanh chóng đến hiện trường, phối hợp với công an địa phương và lực lượng khác tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn, điều tiết, phân luồng và khắc phục sự cố giao thông….

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông

Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết trong 5 năm qua, thành phố đã có nhiều cách làm mới, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động có hiệu quả nhiều nguồn lực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, ATGT. Điển hình là việc thành phố đã đầu tư, ứng dụng công nghệ vào hoạt động điều hành bảo đảm trật tự ATGT.

Theo bà Nguyễn Thu Cúc, hiệu quả bước đầu của việc lắp đặt camera giám sát giao thông mang lại là tiền đề để TP.Thủ Dầu Một tiếp tục xây dựng đề án lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các giao lộ, trục đường lớn trên địa bàn để xử lý vi phạm qua hình ảnh đối với các hành vi vi phạm về tốc độ, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi ngược chiều đường, từ đó nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATGT cho người dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một, cho biết hiện trên địa bàn thành phố đã được đầu tư, lắp đặt 35 camera giám sát tại 11 vị trí, giao lộ trọng điểm thường xảy ra ùn tắc, kẹt xe. Hình ảnh từ các camera gắn tại các giao lộ sẽ được truyền về trụ sở Công an thành phố. Hàng ngày, Công an thành phố đều phân công cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ nhằm theo dõi, kịp thời phát hiện sớm UTGT.

“Qua quan sát từ hình ảnh giao thông truyền về đã giúp lực lượng CSGT chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các điểm ùn tắc để cử lực lượng đến hiện trường hướng dẫn, phân luồng và điều tiết giao thông, nhanh chóng giải tỏa điểm ùn tắc, bảo đảm giao thông thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, mục đích của việc lắp đặt hệ thống camera không chỉ phục vụ cho công tác chỉ huy điều hành giao thông mà còn góp phần phục vụ bảo đảm an ninh trật tự và xử lý nhanh các vụ việc về TNGT”, thượng tá Nghĩa cho biết.

Cũng theo thượng tá Nghĩa, trước đây khi xảy ra sự cố mất điện tại các giao lộ dễ gây UTGT cục bộ, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự phải có mặt để chỉ dẫn, điều tiết giao thông; trường hợp kẹt xe nghiêm trọng phải điều động thêm lực lượng 113 bán chuyên trách hỗ trợ. Có những lúc trưa hoặc chiều, thời tiết nắng nóng làm cán bộ, chiến sĩ phải vắt kiệt sức điều tiết giao thông. Từ khi trang bị pin năng lượng mặt trời cho hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khi mất điện đèn vẫn hoạt động, giúp lực lượng Cảnh sát giao thông giảm bớt áp lực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, phòng chống UTGT. Hiện thành phố có 5 điểm được trang bị công nghệ này, tới đây Công an TP.Thủ Dầu Một tiếp tục đề xuất nhân rộng cách làm hay này. (Còn tiếp)

 Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 8.800 vụ TNGT, làm chết gần 1.540 người. Hàng năm, tuy số vụ và số người chết có giảm, nhưng TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng tăng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Cùng thời gian này toàn tỉnh xảy ra hơn 310 vụ UTGT cục bộ, tập trung ở các tuyến đường thuộc TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên.

 HƯNG PHƯỚC - KHÁNH THỦY