Giải bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm- Bài 4

Thứ bảy, ngày 15/05/2021

(BDO) Bài 4: “Cú hích” từ hạ tầng giao thông

Kết nối giao thông liên vùng

Ông Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, thống kê lại số bãi xe container hoạt động trên địa bàn. “Chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh quy hoạch lại bãi xe container cho phù hợp với điều kiện thực tế và quỹ đất của địa phương. Việc quy hoạch lại bãi xe container cũng như tiếp tục triển khai việc phân luồng giao thông hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty, xí nghiệp vận chuyển hàng hóa”, ông Huy cho biết.

Khi hệ thống giao thông vùng được kết nối tốt, tình trạng giao thông tại khu vực cầu vượt Sóng Thần sẽ thông thoáng hơn. Ảnh: THANH QUANG

Song song với công tác này, TP.Dĩ An cũng đang triển khai kế hoạch nâng cấp, mở rộng đường để giải quyết về tình trạng kẹt xe tại một số nút giao thông trên địa bàn. Từ đầu năm 2020 đến nay, từ nguồn ngân sách của địa phương, TP.Dĩ An đã đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng chục tuyến đường giao thông trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Huy cho biết thêm: “Bến xe Miền Đông của TP.Hồ Chí Minh tọa lạc gần phường Bình Thắng, TP.Dĩ An. Khi bến xe khách này đi vào hoạt động sẽ xuất hiện nhiều phương tiện giao thông chở khách, chở hàng hóa qua địa bàn TP.Dĩ An. Dự đoán trước tình hình, địa phương đã chuẩn bị phương án, giải pháp về phòng, chống kẹt xe. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng kẹt xe tại cầu vượt Sóng Thần, vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo TP.Dĩ An báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về nút giao thông tại đây. Song song đó, chúng tôi cũng đã kiến nghị với TP.Hồ Chí Minh mở rộng tuyến đường ĐT743B đấu nối với đường Phạm Văn Đồng. Theo kế hoạch, tuyến giao thông này sẽ rộng 34m. Hiện UBND tỉnh giao cho TP.Dĩ An và Sở Giao thông vận tải làm việc với sở, ngành liên quan của TP.Hồ Chí Minh. Như vậy, tại điểm nút giao thông cầu vượt Sóng Thần đã có bài toán giải đáp về tình trạng kẹt xe”.

Trong khi đó ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết thời gian qua, TP.Thuận An thực hiện nhiều giải pháp tạm thời về việc phòng, chống tình trạng kẹt xe như duy tu đường, tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng việc thường xuyên lập lại trật tự đô thị; thay thế biển báo cho phù hợp với quy chuẩn mới; xử lý chống ngập tại một số tuyến đường; phối hợp với Thanh tra Giao thông tỉnh xử lý xe container đậu đỗ sai quy định. Từ đó, đã góp phần kéo giảm nạn kẹt xe trên địa bàn.

Về lâu dài, địa phương phối hợp với tỉnh triển khai các công trình trọng điểm, như nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT743; làm cầu vượt tại ngã sáu An Phú; giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 13; kiến nghị tiếp tục đầu tư vào tuyến ĐT743C từ cầu Ông Bố qua TP.Dĩ An...

Đề cập đến công tác đấu nối hạ tầng giao thông với địa bàn giáp ranh, ông Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: “Nhằm góp phần giảm áp lực giao thông trên một số tuyến đường lớn, TP.Thuận An đang triển khai kết nối hạ tầng khung với địa bàn giáp ranh. Hiện nay, TP.Thuận An đang xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn và đường Bùi Thị Xuân để đấu nối với TP.Thủ Dầu Một; đường Bùi Thị Xuân, phường An Phú kết nối với TX.Tân Uyên… Khi các tuyến đường này được đấu nối sẽ giảm tải cho các tuyến lớn, giảm thiểu tình trạng kẹt xe như hiện nay. Nếu tuyến đường Vành đai 3, quốc lộ 13 được mở rộng đưa vào sử dụng sẽ kết nối giao thông xuyên suốt liên vùng, phân luồng lại giao thông hợp lý thì bài toán kẹt xe, UTGT ở TP.Thuận An sẽ được giải quyết”.

Nhiều cách làm sát với thực tế

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết: “TX.Tân Uyên đang trên đà phát triển công nghiệp hóa gắn với phát triển đô thị nên tình trạng UTGT cục bộ đã bắt đầu xuất hiện. Thấy được thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển đời sống xã hội - kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa của địa phương, Thị ủy, UBND TX.Tân Uyên nhanh chóng có những chương trình hành động cụ thể để ứng phó”.

Theo ông Tươi, đối với những tuyến đường trọng điểm, huyết mạch đi qua địa bàn thị xã như ĐT747, ĐT742, DH725, DH724, DH701 đã được lãnh đạo địa phương xin chủ trương đầu tư, mở rộng, xây dựng làn đường, phần đường, hệ thống giao thông đạt chuẩn. Một số tuyến đường dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021 để đưa vào sử dụng, kịp thời phục vụ cho nhu cầu thông thương, vận tải hàng hóa.

Lãnh đạo địa phương cũng yêu cầu các phòng chuyên môn, lực lượng chức năng phối hợp rà soát các “điểm đen” TNGT, điểm nghẽn thường xuyên xảy ra va chạm dẫn đến UTGT tại các đoạn đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, khu vực chợ, dân cư để tổ chức giao thông cho phù hợp với thực tế tình hình giao thông. Hiện một số đoạn trên đường ĐT746, đoạn qua phường Khánh Bình đã đặt dải phân cách cố định. Địa phương đã tổ chức rà soát xây dựng hệ thống tín hiệu giao thông tại vòng xoay Kim Hằng để chỉ dẫn giao thông, hạn chế các vụ lật xe khi vào ôm cua tại khu vực này.

Theo ông Tươi, việc tổ chức giao thông có tính khoa học sẽ tạo ra kết nối địa bàn theo hướng từ Bắc - Nam, Đông - Tây để tạo điều kiện cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông thông suốt. Để làm được điều này, lãnh đạo Thị ủy, UBND TX.Tân Uyên cũng thường xuyên quán triệt, chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin và Truyền thanh thị xã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Công an thị xã tổ chức tuyên truyền cách làm, các thông tin về trật tự an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ để người dân nâng cao ý thức chấp hành khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, việc chấn chỉnh trật tự đô thị, xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ ở các khu vực thường xuyên xảy ra UTGT, các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ giao cho Công an TX.Tân Uyên thực hiện nghiêm túc, từng bước xây dựng ý thức, nét đẹp văn hóa giao thông. (còn tiếp)

Thu phí tự động không dừng góp phần giảm ùn tắc giao thông
Theo Sở GTVT tỉnh, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT với 10 trạm thu phí (1 trạm cầu và 9 trạm đường). Đến ngày 20-12-2020, 100% trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh đều đã chính thức thực hiện thu phí điện tử tự động không dừng; bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ với các trạm thu phí tự động không dừng trên toàn quốc.
Hiện nay, việc cung cấp thiết bị cho các trạm BOT và thực hiện dán thẻ E-tag cho xe ô tô sử dụng hình thức điện tử tự động không dừng trên cả nước do hai đơn vị cung cấp gồm: Công ty TNHH thu phí tự động VETC sử dụng thẻ VETC và Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (Tập đoàn Viettel) sử dụng thẻ ePass.
Việc triển khai thu phí không dừng giúp các phương tiện lưu thông qua các trạm nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian. Đặc biệt, hệ thống này đã góp phần đáng kể trong việc giảm tải thời gian, giảm ùn tắc tại các trạm thu phí có lưu lượng phương tiện qua lại nhiều. Qua hơn 5 tháng triển khai, trên địa bàn Bình Dương thực hiện dán thẻ thu phí tự động không dừng được khoảng 24.000 phương tiện. Con số còn khá khiêm tốn so với tổng số xe đăng ký lưu hành tại Bình Dương là hơn 168.000 ô tô.
Ông Đặng Văn Nhiên, Giám đốc Viettel Bình Dương, cho biết các phương tiện có sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng giúp mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng như: Không phải dừng chờ thanh toán, giảm thời gian qua trạm khoảng 60 lần; tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu; giảm thiểu thanh toán tiền mặt, tránh lây lan dịch bệnh…
Được biết, để hỗ trợ các chủ phương tiện, tại các trạm thu phí, trạm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đều có điểm cung cấp dịch vụ thực hiện dán thẻ, mở tài khoản giao thông. Người sử dụng dịch vụ sẽ được miễn phí dán thẻ lần đầu. Những xe thuộc sở hữu của doanh nghiệp vận tải có thể dùng chung 1 tài khoản…
KHÁNH THỦY

 

THANH QUANG - HƯNG PHƯỚC