Giá trị ngôi nhà cổ

Thứ ba, ngày 23/06/2020

(BDO) Trong hệ thống nhà cổ trên đất Bình Dương, nhà cổ ông Trần Văn Hổ là ngôi nhà có giá trị cao về mặt kiến trúc nghệ thuật và trang trí. Đây là ngôi nhà được làm từ các loại gỗ quý, là điểm đến tham quan, nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc của rất nhiều người đam mê nhà cổ ở trong và ngoài tỉnh...


Di tích nhà cổ ông Trần Văn Hổ nhìn từ bên ngoài

Ngôi nhà gỗ giá trị

Nhà cổ ông Trần Văn Hổ tọa lạc tại địa chỉ số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Ông Trần Văn Hổ (tự Đẩu), nguyên là Đốc Phủ Sứ thời thuộc Pháp. Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, ngôi nhà này được cha của ông Đẩu là cụ Trần Văn Lân xây dựng năm 1890, hoàn thành vào năm 1893. Do con cháu của chủ nhà đều chuyển ra nước ngoài sinh sống từ lâu, nên hiện nay ngôi nhà này thuộc sự quản lý của Nhà nước.

Tất cả giá trị, nét đẹp của di tích đều thể hiện ở không gian bên trong ngôi nhà. Nghệ thuật trang trí bên trong cho thấy ngôi nhà vừa cổ kính, trang nghiêm, vừa ấm cúng, thanh thoát nhẹ nhàng. Ông Mai Văn Tới, người đang trông coi, mở cửa phục vụ khách tham quan tại di tích này, cho biết ông sống, làm công việc này ở đây từ năm 1984 đến nay. Thế nên, mọi ngóc ngách đến những nét chạm trỗ hoa văn bên trong ngôi nhà ông rất tận tường. Theo ông, điều đặc biệt để ngôi nhà này tồn tại vững chãi với thời gian là do nguyên liệu để tạo nên ngôi nhà được lấy từ các loại gỗ quý, như cẩm lai, giáng hương, gõ, trắc... Khi mở cửa bước vào không gian bên trong, mọi người đều rất ấn tượng với cách bài trí các vật dụng, trang trí hoa văn và các câu liễn, đối. Điều này không chỉ phản ánh nếp sống sinh hoạt của người Bình Dương trước đây, mà còn thể hiện sự sung túc cũng như địa vị của gia chủ.

Di tích được xây dựng theo lối kiến trúc chữ “đinh”, thường gặp trong các ngôi nhà xưa. Đặc biệt, trong nhà có đến 36 cột gỗ tròn, tạo cho ngôi nhà một sự cứng cáp, vững chãi. Kết cấu bộ vì kèo theo kiểu nối cột cái với cột con bằng “giả thủ” tạo không gian thoáng đãng, hệ thống kẻ ngòi phong phú gắn chặt xà, kẻ, bẫy vào đầu cột theo không gian 3 chiều. Mảng giữa tường và khánh thờ là các bức hoành phi được sơn son thiếp vàng, các bức liễn, câu đối đính trên cột được người thợ xưa cẩn xà cừ hết sức tinh xảo, khéo léo.

Nhà có 3 gian, 2 chái. Gian giữa phía trên là khám thờ với tấm thủ quyển chạm nổi hình tứ linh. Giữa bức thủ quyển ấy là ba hàng chữ đề danh hiệu các vị thần được thờ: Thần Táo thờ bên trái; ở giữa thờ trời; bên phải thờ phúc thần và phía dưới thờ gia tiên nhiều đời của gia chủ. Ở hai bên phải và trái, có hai bức thờ cẩn xà cừ hết sức công phu và độc đáo. Bức bên phải đề hai chữ “Hạc Toán” (sống lâu như tuổi hạc), bức bên đề “Qui Linh” (tuổi thọ như rùa thiêng). Những chữ này đều được cẩn ốc xà cừ màu ngũ sắc óng ánh tuyệt đẹp với lối viết cách điệu, mỗi nét chữ là hình ảnh của chim muông hoa lá tạo thành. Hai bên mỗi bức thờ là cặp câu đối cũng được cẩn ốc xà cừ. Sự khéo léo của các nghệ nhân tài hoa xưa. Hai bên gian thờ là hai buồng ngủ của chủ nhà (buồng ông và buồng bà). Ngay 2 cửa buồng ngủ gia chủ cũng được trang trí thêm 2 bức hoành đề và các bao lam trang trí rất đẹp, công phu.

Theo các nhà nghiên cứu nhà cổ Bình Dương, phần thể hiện cuộc sống sung túc của chủ nhân ngôi nhà chính là ở những vật trang trí bên trong. Từ các bộ bàn ghế, tủ chè, tủ thờ đến các bức hoành phi, câu đối, trường kỹ, ván nằm (nguyên khối gỗ) vừa lâu năm, vừa có giá trị mỹ thuật và kinh tế cao.

Nhìn từ bên ngoài vào, trông ngôi nhà khá thấp, với mái ngói âm dương rêu phong. Trên nóc nhà còn trang trí hồi văn, hình bát quái. Phía trước nhà gia chủ còn xây một hòn non bộ. Sân vườn thoáng đãng và có nhiều cây cảnh. Tất cả cùng tạo cho ngôi nhà một sự cổ kính, yên tĩnh khác hẳn với không gian ồn ào của phố chợ bên ngoài.

Điểm đến tham quan

Đây là ngôi nhà cổ hiếm hoi trên đất Bình Dương đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Theo bà Văn Thị Thùy Trang, người có nhiều năm gắn bó với các di tích và nghiên cứu về hệ thống nhà cổ trên địa bàn tỉnh, cho biết nét độc đáo của ngôi nhà là lớp cửa thứ hai, thể hiện ở những nét chạm nổi, khắc chìm, khắc lộng trên các khung cửa, cánh cửa. Khung cửa chính dựng theo lối Tam quan, bề mặt của khung cửa chạm trổ Tứ thời, bên trên là đề tài, bên dưới đề câu đối, tạo nếp hài hòa sinh động qua cảm giác khoảng thời gian của mỗi mùa. Phần thể hiện các đề tài trên cửa cũng được chia thành các ô vuông, các hoa văn tứ hữu “Mai - Lan - Cúc - Trúc” với những đường diềm chi tiết khéo léo... Tất cả những lối trang trí, hoa văn, câu đối bên trong ngôi nhà đã thể hiện tài nghệ chạm, khắc tinh tế của người thợ gỗ xưa trên đất Bình Dương.

Có dịp tham quan, tìm hiểu về di tích này, điều mà nhiều người thấy hấp hẫn, thích thú còn ở phần văn hóa chữ Hán được thể hiện ở những tấm hoành phi, cặp liễn, trên các bức thờ, thủ quyển, tấm hoành, câu đối của ngôi nhà. Những bài thơ, câu văn ở đây đều được thể hiện ngắn gọn, súc tích và đơn giản nhưng giàu tính nhân văn. Ví dụ như để diễn tả nét đẹp của mặt tiền ngôi nhà đã có câu: “Định tiền sinh thụy thảo. Liêm ngoại xuất kỳ hoa” (Tạm dịch: Trước sâu sinh cỏ lành. Ngoài rèm mọc hoa quý). Ở hàng cột thứ nhì trong nhà, trên 4 cột có treo 4 bức tranh “Tứ bình” (nay chỉ còn lại 3 bức tranh) khảm ốc rất đẹp, đường nét tinh xảo, uyển chuyển sinh động. Ở bức thứ nhất vẽ chủ đề “Mai - Nhạn” với hai câu thơ: “Nguyệt minh thời hữu nhạn lai quy. Lan bất tri mai nguyên nhạn ước” (tạm dịch: Vào đêm trăng sáng nhạn trở về. Lan nào hay biết nhạn với mai đà ước hẹn). Bức thứ hai vẽ chủ đề “Trúc - Phượng” với hai câu thơ: “Tập lai nghi phượng tảo tầm qui. Cúc tảo tri tha thường trúc thực (tạm dịch: Đàn phượng tìm về vừa đúng lúc. Nhưng cúc cũng đã sớm ưa tìm ăn trái trúc). Bức thứ ba vẽ chủ đề “Cúc - Yến” với bốn câu thơ: “Chất bạn cúc li kiên vãn tiết. Hương tùy chu thất tán thu phong. Phong nguyên chấn lập li tao lí. Yến kết di phục cư bội trung” (tạm dịch: Cúc luôn giữ khí tiết. Hương vào nhà thơm theo gió thu. Thẳng tới chốn phòng văn. Hay dầu én đã đến nơi đây làm tổ)...

Năm 1993, nhà ông Trần Văn Hổ đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Để phát huy giá trị di tích, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh và địa phương thường xuyên thực hiện công tác trùng tu, sửa chữa và bảo vệ di tích. Hàng năm, di tích đón nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về kiến trúc gỗ, đặc biệt là đối tượng sinh viên khoa kiến trúc ở các trường đại học. Bên cạnh đó, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Bình Dương cũng tìm về đây tham quan, tìm hiểu học hỏi thêm về lối kiến trúc xây dựng, trang trí hoa văn khi cất nhà gỗ cho mình.

Ngôi nhà có mặt tiền quay về hướng Tây Nam, phía trước là con sông Sài Gòn ngày ngày chảy, bên phải còn có ngọn đồi (Thành ủy Thủ Dầu Một ngày nay). Đây được xem là địa thế tốt về mặt phong thủy, thường được người dân Nam bộ xưa chọn để xây cất nhà, đặc biệt là những gia đình có địa vị xã hội cao, giàu có. Với lợi thế gần sông, đồi, mặt tiền thoáng đãng quay trực diện ra sông, trong thời gian qua, di tích nhà cổ ông Trần Văn Hổ còn là một điểm đến tham quan thuận tiện bằng đường sông.

Tới đây, khi TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương đưa vào khai thác chuyến tàu đường sông đi lại giữa 2 địa phương, di tích này sẽ được kết nối với các điểm đến khác bố trí gần, dọc theo sông Sài Gòn để đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Hy vọng, với những giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật gỗ còn lưu giữ, di tích nhà cổ ông Trần Văn Hổ sẽ trở thành điểm đến khám phá, tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm thú vị với du khách gần xa.

 HỒNG THUẬN