Giá trị cần giữ gìn của lễ hội Kỳ yên đình Tân An

Thứ bảy, ngày 08/05/2021

(BDO)  Đình Tân An (còn gọi là đình Bến Thế) ở khu phố 1, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xếp hạng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2014. Ngôi đình không chỉ nổi tiếng là phim trường của rất nhiều bộ phim Việt Nam lấy bối cảnh vùng quê Nam bộ mà còn được biết đến với những giá trị văn hóa còn lưu giữ, trong đó có lễ hội Kỳ yên đang được tỉnh Bình Dương lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

 Một nghi thức cúng lễ Kỳ yên đình Tân An

 Ngôi đình cổ

Đình Tân An ra đời cùng với quá trình khai hoang mở đất lập làng của lưu dân người Việt trên vùng đất này vào đầu thế kỷ XIX. Sắc phong của đình Tân An được vua Tự Đức cấp ngày 19-11 năm Tự Đức 21 (năm 1868). Trong sắc phong đình Tân An không ghi tên vị thần cụ thể nhưng người dân địa phương khẳng định vị thần Thành Hoàng của làng mình chính là Quận công Nguyễn Văn Thành - một vị quan từng giữ chức Khâm sai tiền quân chưởng cơ dưới đời vua Gia Long. Đình Tân An hiện đang thờ chân dung Quận công Nguyễn Văn Thành tại gian chánh điện, kèm một bảng ghi “cách dùng người của Quận công” nhằm giới thiệu thần tích của thần.

 Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Thời gian qua, được sự chỉ đạo của Sở VH,TT&DL, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ khoa học lễ hội Kỳ yên đình Tân An. Đến nay, sở đã tham mưu UBND tỉnh trình hồ sơ khoa học lên Bộ VH,TT&DL đề nghị đưa lễ hội này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết cũng giống như các đình làng khác ở Nam bộ, lễ hội Kỳ yên đình Tân An là lễ chính hàng năm. Việc tổ chức lễ hội Kỳ yên nhằm cúng bái tưởng nhớ những bậc tiền bối đã có công khai phá lập nên xóm làng, những vị có công với đất nước trong việc mở mang bờ cõi và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, với bao thăng trầm lịch sử, các nghi lễ cúng đình Tân An vẫn được người dân địa phương bảo lưu và thực hành thường xuyên theo đúng lệ xưa. Lễ hội Kỳ yên đình Tân An diễn ra vào ngày 15- 11 âm lịch hàng năm và cứ 3 năm đáo lệ một lần. Lễ hội Kỳ yên đáo lệ thường cúng lớn hơn, diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 14 đến 16- 11 âm lịch), có mời đoàn hát bội về biểu diễn phục vụ.

Giá trị của lễ hội

Theo ông Lê Văn Phước, lễ hội Kỳ yên đình Tân An là minh chứng lịch sử quan trọng về lịch sử cư dân địa phương mang bản sắc cư dân Việt. Bên cạnh đó, lễ hội Kỳ yên đình Tân An thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp. Trong các nghi thức cúng tế, chúc văn, lời khấn đều hướng đến việc cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu… Lễ hội Kỳ yên đình Tân An còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong lễ hội, mọi người bày tỏ lòng tri ân đối với các vị thần đã có công bảo vệ, phù hộ xóm làng, tri ân các vị tiền hiền, hậu hiền, anh linh các anh hùng, liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, sự tồn tại của lễ hội Kỳ yên đã, đang và sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Lễ hội Kỳ yên đình Tân An tồn tại gần 200 năm mang đậm bản sắc Việt. Sự hội tụ các giá trị lịch sử - văn hóa trong các đối tượng cử lễ đa dạng tập trung quanh thần Thành Hoàng và những sinh hoạt văn hóa dân gian có pha lẫn màu sắc cung đình đã làm cho lễ hội Kỳ yên đình Tân An trở thành là một lễ hội cổ truyền quan trọng của cư dân Việt.

Ban quý tế đình Tân An hiện có 30 người, mỗi người phụ trách một số nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, đình Tân An còn có thêm đội Học trò lễ khoảng 20 người, phụ trách đi lễ trong các nghi lễ. Các thành viên trong Ban quý tế đình và đội Học trò lễ am hiểu nghi thức lễ, nhiệt tình trong công việc.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân An có giá trị cố kết cộng đồng, thể hiện tính thẩm mỹ, phản ánh tính cách con người Nam bộ và thể hiện tính tự chủ của cộng đồng địa phương. Lễ hội Kỳ yên là dịp để người dân trước là bày tỏ tín ngưỡng của mình đối với thần linh, sau là dịp gặp gỡ, cùng nhau trao đổi công việc, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Thông qua lễ hội, người dân địa phương thể hiện được tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong công tác chung của làng xã. Tính thẩm mỹ của cộng đồng được thể hiện ở nhiều mặt: Từ việc trang trí khuôn viên đình, trang trí sinh vật cảnh trên các bàn thờ, bày biện lễ vật cho đến trang phục, lễ phục cúng đình. Bên cạnh đó, lễ hội cúng đình còn thể hiện tính cách của người dân Nam bộ khá rõ, đó là sự phóng khoáng, thực tế, không khắt khe câu nệ, không phân biệt nam nữ, lớn bé của người dân địa phương.

Từ các giá trị trên, có thể thấy lễ hội Kỳ yên đình Tân An đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng địa phương. Đó là nơi thể hiện tâm linh mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, tâm thức luôn hướng về nguồn cội tổ tiên và đặc biệt là thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc. Qua đó, người dân có thể dễ dàng tự nhận thức được về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống của cha ông và giữ mãi trong mình bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.

 CẨM LÝ