Gần 3 triệu lượt khách đến tham quan Khu Tưởng niệm các Vua Hùng
(BDO)
Tiết mục biểu diễn văn nghệ tại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm thành lập khu Tưởng niệm các Vua Hùng. (Ảnh: Gia Thuận /TTXVN)
Tối 14/4, tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Quận 9, Ban tổ chức Kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm khánh thành Khu Tưởng niệm các Vua Hùng với chủ đề "Tự hào dòng máu Lạc Hồng."
Tại buổi lễ, ông Hoàng Trung Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý Công viên Lịch sử-Văn hóa-Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Khu Tưởng niệm các Vua Hùng là một công trình lịch sử-văn hóa đầu tiên được Ban Thường vụ Thành ủy qua các thời kỳ mà đứng đầu là cố Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí đã chủ trương và trực tiếp chỉ đạo xây dựng nhằm biểu thị tấm lòng và ước vọng của những người con Phương Nam thời đại Hồ Chí Minh luôn vọng về Tổ quốc.
Khu Tưởng niệm các Vua Hùng với hơn 10 hạng mục kể từ ngày khánh thành đến nay, đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; duy trì thường xuyên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đồng thời đón tiếp nhiều phái đoàn của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và các đồng bào trong nước, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, dâng hương, dâng hoa cúng đền.
Đến nay, Khu Tưởng niệm các Vua Hùng đã đón tiếp gần 3 triệu lượt khách đến tham quan các hoạt động.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Huỳnh Thanh Nhân, cho biết công trình Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc là tấm lòng vọng về cội nguồn dân tộc của những người con Phương Nam Đất Việt, là một trong những chủ trương hết sức quan trọng và ý nghĩa của Ban Thường vụ Thành ủy các thời kỳ nhằm tái hiện các cột mốc lịch sử, văn hóa của dân tộc, làm điểm tựa cho công tác giáo dục lý tưởng, phát huy truyền thống dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc theo quy hoạch phê duyệt với tổng diện tích xây dựng 394ha, phân chia thành 4 phân khu chức năng xây dựng các công trình giới thiệu lịch sử và các công trình văn hóa tiêu biểu từ thời các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh.
Trong quá trình thực hiện dự án, Đền Tưởng niệm các Vua Hùng được xác lập là một trong 12 chương trình, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII và được cấp vốn đầu tư xây dựng vào năm 2001.
Cách đây 10 năm, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và nhân dân Thành phố đã tổ cức lễ khánh thành Đền Tưởng niệm các Vua Hùng và đưa vào hoạt động nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2009.
Từ khi khánh thành đến nay, Đền tưởng niệm các Vua Hùng là nơi tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm của thành phố và khu vực phía Nam.
Đồng thời, đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống dân tộc trong dịp Lễ, Tết, các sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố, là nơi để đồng bào đến tưởng niệm, tham quan, tìm hiểu, học tập, hương khói thường xuyên.
Tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, ông Huỳnh Thanh Nhân đề nghị Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc cần chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu sâu rộng hoạt động của Đền Tưởng niệm các Vua Hùng; tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Huỳnh Thanh Nhân cũng yêu cầu phối hợp với các sở, ngành tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục công trình, các thiết chế văn hóa theo quy hoạch đã được phê duyệt để hoàn thành toàn bộ công trình trở thành điểm nhấn văn hóa của thành phố. Đây còn là nơi để thờ cúng tưởng niệm Quốc Tổ, giáo dục lòng yêu nước để phục vụ tham quan, học tập của người dân Thành phố, của người dân mọi miền đất nước và khách tham quan quốc tế./.
Theo TTXVN