Du xuân trên đất 'chín Rồng'
(BDO) Là một trong các vùng du lịch trọng điểm của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều nét đặc thù về hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa sông nước miệt vườn mang lại cho du khách những trải nghiệm, khám phá thú vị, đặc biệt vào dịp Tết đến, Xuân về.
Khách du lịch tham quan khu dịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Thiêng liêng Đất Mũi Cà Mau
Nằm ở cực Nam của Tổ quốc, vùng đất thân thương Cà Mau luôn là một trong những điểm đến thiêng liêng nhiều du khách mong được một lần đặt chân đến. Điểm đến Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) là vị trí duy nhất trên đất liền ở nước ta du khách vừa có thể ngắm mặt trời mọc lên từ mặt Biển Đông và lặn ở mặt Biển Tây. Tại Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, du khách tham quan Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, Cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, cụm công trình Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ, biểu tượng Cột cờ Hà Nội, biểu tượng Con tàu đất nước luôn hướng ra biển khơi…
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, đến Đất Mũi, du khách còn có thể trải nghiệm nhiều điểm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với vùng rừng ngập mặn. Với các tour xuyên rừng ngập mặn, du khách có cơ hội ngắm nhìn rừng cây đước, cây mắm trải dài, cùng đi soi ba khía, bắt ốc len với người dân... Những trải nghiệm này chắc chắn đem lại cho du khách cảm xúc rất đặc biệt.
Cà Mau còn là điểm đến của nhiều khám phá thú vị gắn với hệ sinh thái rừng tràm, trong khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đến đây, trong hương thơm rừng tràm, du khách tìm hiểu nghề gác kèo ong - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng người dân đi gác kèo cho ong về làm tổ, cho mật hoặc “đi ăn ong” (thu hoạch mật ong), thưởng thức đặc sản ẩm thực như, lẩu mắm U Minh, gỏi ong non, cá nâu kho trái giác…
Anh Phạm Duy Khanh, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) cho biết, vốn là thợ gác kèo ong, những năm gần đây, anh vừa kết hợp phát triển kinh tế rừng, vừa làm du lịch sinh thái, hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề gác kèo, đi “ăn ong” trong rừng tràm. Tết đến, Xuân về, rừng tràm U Minh tưng bừng vào Xuân và còn là “mùa Xuân” của nghề gác kèo ong. Du khách đến khu du lịch sinh thái Mười Ngọt luôn hào hứng khi được đi trên chiếc xuồng nhỏ, len lỏi trong tuyến kênh dưới tán rừng tràm, cùng câu cá, đặt lợp bắt lươn, thu hoạch mật ong ngọt ngào, thưởng thức món ăn dân dã, đậm đà.
Thắm sắc hoa miệt vườn
Du Xuân về Đồng bằng sông Cửu Long, du khách khó có thể bỏ qua điểm đến làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) nơi được mệnh danh là “thủ phủ” hoa, kiểng của miền Tây Nam Bộ, ngắm nhìn bạt ngàn các loại hoa như cúc mâm xôi, lưu ly, hướng dương, dạ yến thảo, cúc đồng tiền, cát tường, dừa cạn, mẫu đơn… khoe sắc thắm dưới nắng Xuân phương Nam.
Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Nguyễn Văn Hon cho biết, phát triển ngành hàng hoa, cây, lá kiểng kết hợp dịch vụ du lịch, Sa Đéc hiện có hơn 2.000 chủng loại hoa, cây kiểng khác nhau. Sản phẩm hoa, kiểng Sa Đéc tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.
Du khách đến làng hoa Sa Đéc là đến với “vương quốc hoa”, được người dân làng hoa giới thiệu về lịch sử ra đời của làng, bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đến nay, làng hoa Sa Đéc phát triển, trải dài từ các phường Tân Quy Đông, An Hòa đến các xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, Tân Phú Đông (thành phố Sa Đéc), lan rộng sang các địa phương lân cận như các xã Tân Khánh Trung, Tân Mỹ (huyện Lấp Vò), Tân Dương, Hòa Thành (huyện Lai Vung), Tân Bình (huyện Châu Thành).
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh, đến Đồng Tháp, du khách có nhiều điểm tham quan, trải nghiệm đặc sắc. Nổi bật là làng hoa, làng bột Sa Đéc, làng nghề dệt chiếu Định Yên với nghề truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, trải nghiệm tại các khu du lịch sinh thái, vườn xoài, vườn quýt hồng Lai Vung, vùng trồng sen hồng, Vườn Quốc gia Tràm Chim. Mỗi năm, du lịch Đồng Tháp đón khoảng 4 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Bồng bềnh chợ nổi
Là vùng đất của kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, một trong những đặc sản du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long chính là các chợ nổi. Không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, chợ nổi trở thành nét văn hóa, sản phẩm du lịch của vùng đất, con người Đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh ghe, thuyền chở đầy hàng hóa từ nông sản, trái cây, hoa, cây cảnh, đến mặt hàng gia dụng, đặc sản ẩm thực, làm nên một khung cảnh sống động trên sông nước miền Tây, thu hút nhiều du khách.
Chợ nổi Cái Răng.
Trong số chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long, các chợ nổi như Cái Răng (thành phố Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng) được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến trong chuyến tham quan. Khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, khoảng 80% du khách trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ chọn chợ nổi là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình. Chợ nổi Cái Răng từng được Tạp chí Du lịch Rough Guide của Anh bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới.
Theo Trung tâm Phát triển du lịch thành phố Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng lưu giữ nét văn hóa sông nước đặc sắc trong hoạt động giao thương, đời sống hàng ngày và tôn giáo, tín ngưỡng của các thương hồ (người buôn bán hàng hóa trên ghe, xuồng). Hình ảnh “cây bẹo” là cách giới thiệu hàng hóa đậm nét văn hóa sông nước. Hình thức giao hàng, người bán chuyển hàng cho người mua, từ ghe, xuồng này sang ghe, xuồng khác theo kiểu kiểu “tung - hứng” cũng rất độc đáo với nhiều du khách.
Những ngày cận Tết, đến chợ nổi, du khách được chứng kiến không khí mua bán sôi động, tấp nập hơn hẳn. Những xuồng, ghe chở trái cây, rau củ, đồ gia dụng và đặc biệt các ghe chở đầy hoa, cây kiểng, tạo nên gam màu rực rỡ của mùa Xuân trên sông nước hữu tình.
Cùng với sản phẩm du lịch độc đáo chợ nổi Cái Răng, du lịch Cần Thơ còn thu hút du khách bởi các miệt vườn trĩu quả, khu, làng du lịch sinh thái, điểm du lịch cộng đồng trên cù lao. Thành phố hiện có gần 650 cơ sở lưu trú với hơn 11.000 phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú của nhiều phân khúc du khách.
Du Xuân trên đất “chín Rồng”, bên cạnh điểm đến trên, du khách có nhiều địa chỉ, điểm đến hấp dẫn gắn trải nghiệm làng quê Đồng bằng sông Cửu Long với phong cảnh sông nước, miệt vườn ở Bến Tre, Tiền Giang, khu du lịch sinh thái, di tích văn hóa lịch sử, điểm đến du lịch tâm linh ở Long An, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang hay điểm du lịch biển ở Tân Thành (Tiền Giang), Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre), Ba Động (Trà Vinh), Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang). Mỗi điểm đến đều mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, cảm xúc rất riêng về Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất “chín Rồng” thân thương của đất nước.
Theo TTXVN