Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Thứ hai, ngày 16/12/2024

(BDO) Huế sẽ tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; ưu tiên phát triển ngành dịch vụ, du lịch có lợi thế dựa trên việc phát huy giá trị di sản, văn hóa.

Thừa Thiên-Huế cơ bản hoàn thành mục tiêu đón khách du lịch năm 2024 từ 3,5-4 triệu lượt khách.

Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương.

Đây cũng là năm Thừa Thiên-Huế đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia, hứa hẹn tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch Cố đô dựa trên thế mạnh đặc biệt từ di sản văn hóa.

Kinh đô xưa, trải nghiệm mới

Thừa Thiên-Huế là nơi hiếm hoi còn lưu giữ được hệ thống lớn các cung điện, thành quách và lăng tẩm nguy nga; cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á có 8 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh ở nhiều hạng mục.

Nhiều người thường nhớ về Huế như một Cố đô cổ kính, trầm buồn, mang đậm dấu ấn thời gian. Tuy nhiên, những năm qua, địa phương đã có nhiều bước chuyển mình, “thay áo” trong mắt du khách bằng cách khai thác hiệu quả di sản, tạo nhiều trải nghiệm mới cho ngành “công nghiệp không khói.”

Sự kiện nổi bật tại Đại nội Huế trong năm 2024 phải kể đến là mở cửa, đón khách du lịch đến thăm Điện Kiến Trung (vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn) và Điện Thái Hòa (cuối tháng 11) sau nhiều năm đại trùng tu, sửa chữa.

Cùng với đó, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 với hầu hết các sự kiện được tổ chức trong Đại nội Huế đã thu hút hơn 2.500 lượt du khách đến tham quan các di tích, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023, đem về doanh thu bán vé hơn 381,5 tỷ đồng (tính đến ngày 20/11/2024).

Khi đặt chân đến quần thể các di tích, nhiều du khách cảm thấy bất ngờ với nhiều điểm mới.

Du khách chiêm ngưỡng Ngai vàng - Bảo vật Quốc gia ở vị trí trung tâm của Điện Thái Hòa.

“Đây là lần thứ hai tôi trở lại Huế. Ngoài các điện được trùng tu, tôi thấy có thêm nhiều trải nghiệm số kết hợp thực tế rất hay, giúp du khách hiểu chi tiết hơn về kiến trúc cung đình, lịch sử và các cổ vật được trưng bày. Những trải nghiệm này rất phù hợp xu thế cũng như dễ dàng tiếp cận với giới trẻ hiện nay,” du khách Triều Trang, đến từ Hà Nội, chia sẻ cảm nhận sau khi trải nghiệm check in thông minh qua các bảng gắn chip NFC được mã hóa trước Điện Kiến Trung, Đại nội Huế.

Bên cạnh phát triển phong phú các loại hình du lịch di sản, hoạt động du lịch năm 2024 của tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiều khởi sắc và duy trì được đà phục hồi tích cực thông qua chuỗi hoạt động lễ hội của Festival 4 mùa trải dài trong năm; hình thành và khai thác bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế: “Huế - Thành phố Lễ hội,” “Huế - Kinh đô ẩm thực,” “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”; việc mở cửa tham quan Di tích Hải Vân Quan hay đưa vào vận hành Đoàn tàu du lịch Huế-Đà Nẵng với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”...

Song song đó, địa phương chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch bằng việc tham gia chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada nhằm giới thiệu hình ảnh du lịch, thu hút đầu tư và thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại với các đối tác hai nước. Lần đầu tiên, Thừa Thiên-Huế lọt top 8 điểm du lịch tiết kiệm nhất châu Á theo xếp hạng của Agoda.

Tổng lượt khách du lịch đến Thừa Thiên-Huế trong năm 2024 ước đạt khoảng 4 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2023; trong đó, khách du lịch nội địa khoảng 2,7 triệu lượt, chiếm khoảng 69% và tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.500 tỷ đồng.

Tuy các con số đã có những thay đổi tích cực nhưng vẫn còn hạn chế khi so sánh với các thành phố lớn Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội hay thậm chí các địa phương có ngành Du lịch phát triển muộn hơn như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh…

Các nhà quản lý du lịch Huế đều nhìn nhận rằng sản phẩm du lịch của địa phương tuy nhiều nhưng chưa đủ chất, chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng. Các dịch vụ cao cấp, khu vui chơi, giải trí, cơ sở lưu trú đạt chuẩn 4-5 sao còn thiếu. Đặc biệt, yếu tố khách quan từ sự biến động ngành hàng không trong 6 tháng đầu năm 2024 đã làm giảm sút số chuyến bay và lượng khách đến địa phương.

“Cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Năm 2025 là năm Huế quyết tâm tăng tốc, bứt phá và về đích, phấn đấu kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của tỉnh (2021-2025).

Huế sẽ tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa.

Riêng với dịch vụ, du lịch, Huế sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao; huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.”

Đồng thời, tỉnh quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu "Huế - Kinh đô xưa trải, nghiệm mới," "Huế - điểm đến của 8 di sản thế giới," "Huế - Kinh đô của lễ hội," "Huế - Kinh đô ẩm thực" và "Huế - Kinh đô áo dài."

Từ nền tảng thành công của công nghiệp hóa di sản trong năm 2024, du lịch Huế tiếp tục phát huy thế mạnh từ di sản, văn hóa bằng việc mở rộng phát triển các loại hình du lịch di sản gắn với Quần thể di tích Cố đô Huế; đẩy mạnh xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ tại Đại Nội và các điểm di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra bài toán cho Huế về câu chuyện vừa khai thác vừa bảo tồn các giá trị di sản.

Điện Kiến Trung là điểm đến hấp dẫn du khách khi khám phá Hoàng cung Huế.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình cho hay tỉnh đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh Luật Di sản, Luật Đầu tư công có thể áp dụng các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp có nguồn lực nhằm khai thác giá trị di sản, đem đến sản phẩm phục vụ cho sự phát triển chung của địa phương. Tuy nhiên, khái niệm bảo tồn và quản lý theo quy định của luật pháp vẫn là vấn đề ưu tiên.

Di sản văn hóa và du lịch là hai lĩnh vực có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Đặc biệt với một địa phương đặc thù như Huế, di sản đã mang lại giá trị lớn, nét riêng cho du lịch Huế và cũng từ nguồn thu du lịch quay trở lại giúp di sản được bảo tồn xứng đáng. Thừa Thiên-Huế đã được Bộ Chính trị định hình con đường phát triển và đi theo định hình đó một cách đúng đắn, hợp lý. Chặng đường phía trước đặt ra cho tỉnh là yêu cầu phát triển hài hòa giữa di sản văn hóa và du lịch cũng như phát huy tối đa giá trị của chúng.

Một giải pháp thời gian qua đã được tỉnh triển khai là xây dựng hình ảnh Huế như một điểm đến xanh thông qua việc đưa vào hoạt động các trạm xe đạp, những chuyến xe điện tham quan quanh thành phố Huế, các điểm di tích; hình thành điểm du lịch giảm rác thải nhựa ở phường Thủy Biều (thành phố Huế).

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc, một trong những giải pháp, nhiệm vụ được đặt ra thời gian tới là đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025 theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện.”

Ngành Du lịch tỉnh phấn đấu trong năm 2025 sẽ thu hút khoảng 4,8-5 triệu lượt khách đến Huế, trong đó khách nội địa chiếm 55-60%. Tổng doanh thu từ du lịch dự kiến khoảng 68.000 tỷ đồng.

Để đạt được những con số này, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, tỉnh sẽ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm Du lịch Quốc gia 2025; xúc tiến mở đường bay giữa tỉnh và các thị trường trong, ngoài nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc; hợp tác các hãng lữ hành lớn ở cả thị trường truyền thống, lớn và mới; kết nối khách du lịch tàu biển, khách du lịch thuê nguyên chuyến (charter) bằng tàu bay và tàu hỏa...

Bên cạnh đó, địa phương ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế khác biệt là du lịch biển, đầm phá; du lịch cộng đồng, gắn với các làng nghề; du lịch ẩm thực, khám phá văn hóa; du lịch văn hóa tâm linh, khám, chữa bệnh… Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh; xây dựng hệ thống và số hóa cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch.

Khắc phục hạn chế về nhân lực, cơ sở hạ tầng, Thừa Thiên-Huế sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp kinh doanh du lịch và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường. Các dự án du lịch trọng điểm như Casino Laguna, Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô… và các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng hay các dự án hạ tầng kết nối giao thông đồng bộ, gắn với phát triển du lịch sẽ được chính quyền địa phương quan tâm gỡ vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào sử dụng thời gian tới./.

Theo TTXVN

Từ khóa: