Đồng chí Nguyễn Văn Tiết: Người con trung hiếu của đất Bình Nhâm

Thứ bảy, ngày 29/05/2021

(BDO)

Một buổi tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường THCS Nguyễn Văn Tiết, TP.Thuận An

Đất cách mạng sinh người kiên trung

Nếu có dịp đến thắp hương tưởng niệm các đồng chí lão thành cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập tự do dân tộc ở Đền Cách mạng Bình Nhâm, trong danh sách các anh hùng, liệt sĩ được lưu danh trang trọng ở đây chúng ta sẽ thấy tên của đồng chí Nguyễn Văn Tiết. Bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết năm 1909, làng Bình Nhâm đã sinh ra người con trung hiếu, đó là đồng chí Nguyễn Văn Tiết. Đồng chí là đảng viên Chi bộ Cộng sản Bình Nhâm (ra đời vào tháng 8-1930) và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một vào năm 1945.

Theo bà Thủy, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước. Đồng chí hy sinh khi mới tròn 39 tuổi đời và 18 tuổi Đảng. Ghi nhận những đóng góp của đồng chí trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 30-12- 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho liệt sĩ Nguyễn Văn Tiết. Đồng chí Nguyễn Văn Tiết còn được tặng thưởng “Huy hiệu Nam bộ kháng chiến”.

“Nhân dân Bình Dương nói chung, nhân dân Thuận An và nhân dân Bình Nhâm nói riêng sẽ không bao giờ quên người cán bộ lão thành cách mạng mang tên Nguyễn Văn Tiết, người con ưu tú của vùng đất Bình Nhâm - Thuận An. Ngày nay, tên tuổi của ông đã được đặt cho 1 con đường, 1 trường học, lưu danh ở Đền Cách mạng Bình Nhâm, được biên soạn 1 chuyên đề riêng trong lịch sử Đảng bộ Thuận An và trong ấn phẩm Lái Thiêu - Thuận An xưa và nay”, bà Thủy nói.

Tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo

Bình Nhâm được xem là chiếc nôi của cách mạng ở Thuận An, nơi xuất hiện phong trào yêu nước, cách mạng từ rất sớm. Tháng 8-1930, Chi bộ Cộng sản ở Bình Nhâm được thành lập do đồng chí Ba Phèn làm Bí thư cùng 5 đảng viên, gồm: Hồ Văn Cống (Hai Cống), Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết), Nguyễn Văn Lộng (tự Chùa), Đinh Văn Sáng (Tám Sáng) và Nguyễn Văn Nâu (Sáu Nâu). Ngày 7-11- 1930, đồng chí Nguyễn Văn Tiết cùng với các đồng chí đảng viên cộng sản đã tổ chức một cuộc mít tinh tại miếu cây Cây Đào, xã Thuận Giao thu hút trên 200 người tham gia.

Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Văn Thủy, Viện Phát triển chiến lược, trường Đại học Thủ Dầu Một, trong cuộc mít tinh này, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã thuyết trình cho mọi người nghe về mục đích, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) và kêu gọi người dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Lúc này, tên Cả Xị ở Thuận Giao đã đi báo tin cho thực dân Pháp nên việc bị bại lộ. Cuộc mít tinh đã giải tán trước khi Pháp cho lính đến. Một số đồng chí của ta đã bị bắt và Pháp tiếp tục truy bắt cán bộ, đảng viên ta với sự tiếp tay chỉ điểm của tên Cả Xị. Đồng chí Nguyễn Văn Tiết cũng bị bắt và kết án 5 năm tù giam, 10 năm đày biệt xứ. Sau khi đồng chí Nguyễn Văn Tiết bị bắt, Chi bộ Bình Nhâm bị tổn thất nặng nề và có nguy cơ tan rã, nhưng các đồng chí đảng viên còn lại vẫn kiên cường vượt qua khó khăn, hy sinh để duy trì cơ sở Đảng, khôi phục phong trào, mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều địa phương lân cận.

Giữa năm 1937, đồng chí Nguyễn Văn Tiết được thả về cùng với hơn 200 tù nhân cách mạng ở Côn Đảo. Ngay sau đó, đồng chí được Thành ủy Sài Gòn - Gia Định phân công về lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thủ Dầu Một cùng với đồng chí Văn Công Khai. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã tổ chức “Công hội đỏ” ở Dầu Tiếng và “Nông hội đỏ” ở Lái Thiêu. Ở Bến Cát, đồng chí đóng vai thợ sửa xe đạp để bám địa bàn, vận động công nhân vườn ươm và trường Nông lâm Lai Khê đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Trải qua nhiều thời kỳ hoạt động, tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, tháng 3-1946, đồng chí Nguyễn Văn Tiết được Xứ ủy Nam bộ chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Tháng 9-1947, nhằm chỉ đạo phong trào dân quân ở Nam bộ, Xứ ủy Nam bộ đã thành lập Phòng Dân quân do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy làm trưởng phòng. Các Tỉnh đội bộ, Huyện đội bộ dân quân cũng được thành lập. Tại tỉnh Thủ Dầu Một, đồng chí Nguyễn Văn Tiết, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Tỉnh đội trưởng dân quân. Từ đó, lực lượng dân quân, tự vệ trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng lớn mạnh.

Ngày 19-4-1948, đồng chí Nguyễn Văn Tiết, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh, người trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chiến khu Thuận An Hòa - trên đường đi công tác không may lọt vào ổ phục kích của địch và đã anh dũng hy sinh khi mới tròn 39 tuổi đời, 18 năm tuổi Đảng.

Cuối năm 2019, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã phối hợp Thị ủy Thuận An tổ chức hội thảo “Nguyễn Văn Tiết - Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một - Bài học về tấm gương cách mạng trong sáng, mẫu mực” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí. Qua hội thảo và các thông tin về đồng chí Nguyễn Văn Tiết, các đại biểu đã cùng nêu bật tấm gương cách mạng trong sáng, mẫu mực, kiên trung nhưng cũng rất khiêm tốn, gần gũi với nhân dân của đồng chí Nguyễn Văn Tiết trong quá trình hoạt động cách mạng.

HỒNG THUẬN