“Đòn bẩy” để Bình Dương cất cánh – Kỳ 2

Thứ bảy, ngày 16/12/2023

(BDO) Kỳ 2: Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy phát triển

Có thể nói, những kết quả đạt được trong chặng đường qua giúp Bình Dương lạc quan về vị thế trong tương lai. Bình Dương đặt tầm nhìn đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn, hài hòa, bền vững… theo các chuyên gia, nhà khoa học, trong thời gian tới Bình Dương cần tiếp tục phát huy tốt nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, tạo thêm giá trị gia tăng mới để khẳng định vị thế của địa phương.


Bình Dương hướng đến một nền kinh tế sinh thái hiện đại, hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội gắn với các mục tiêu vươn tới trình độ cao trong tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội

Khơi thông nguồn lực con người

GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định trong thời kỳ phát triển mới, Bình Dương cần phát huy lợi thế trung tâm liên kết vùng Đông Nam bộ, trung tâm công nghiệp cả nước nhằm nâng tầm vị thế trong không gian liên kết vùng và kết nối toàn cầu. Xây dựng hình ảnh Bình Dương văn minh và thịnh vượng, thu hút nhân tài và lực lượng lao động chất lượng cao.

Theo TS Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế tri thức là yếu tố sống còn để Bình Dương đạt mục tiêu đề ra và không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, thời gian tới tỉnh phải ưu tiên cho giáo dục và đào tạo. Nhất là cấp đại học và trên đại học ở một số lĩnh vực then chốt về khoa học và công nghệ, song cũng cần chú trọng đến đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, cũng cho rằng với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đây được xem là bước đột phá thực sự mang lại thành công cho địa phương. Vấn đề hội nhập giai đoạn tới đây có nhiều yêu cầu mới theo hướng đồng bộ hơn, công nghệ mới hơn và cạnh tranh hơn.

“Để hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong bối cảnh thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được áp dụng mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, theo tôi, song song với việc xây dựng hệ thống giáo dục - đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, tập trung vào những ngành khoa học chủ điểm, cần phải có những chính sách đãi ngộ nhân tài tương xứng, đưa những người có năng lực kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực, qua đó trực tiếp thực thi các chiến lược phát triển được đề ra”, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Phát triển hài hòa, bền vững

Các chuyên gia, nhà khoa học, cho rằng sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là bảo đảm cho sự phát triển kinh tế bền vững. Điều này được rút ra từ sự thành công của mô hình phát triển công nghiệp theo hệ sinh thái hoàn thiện của Bình Dương.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định mô hình phát triển của Bình Dương chính là sự kết hợp một cách hài hòa, linh hoạt và sinh động của nhiều cấu phần mang tính đột phá nói trên. Đó là mô hình Tổng Công ty Becamex IDC, mô hình Khu công nghiệp (KCN) VSIP, mô hình Thành phố thông minh, Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương, mô hình Công nghiệp - đô thị - dịch vụ thông minh, bền vững. Cùng với đó nhiều thiết chế, thể chế, cách làm độc đáo, như: Chính quyền kiến tạo, nhân dân đồng hành, doanh nghiệp hành động; liên kết “Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp”… đưa Bình Dương không chỉ là nơi gặp gỡ của văn hóa, con người mà thực sự đã trở thành nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo và khát vọng đổi mới.

Trong giai đoạn mới, là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình, Bình Dương càng cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh; lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm; trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”.

Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển mới, nhưng Bình Dương vẫn quyết tâm triển khai thực hiện để hướng đến một nền kinh tế sinh thái hiện đại, hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội gắn với các mục tiêu vươn tới trình độ cao trong tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, chia sẻ hướng tới mục tiêu phát triển hiện đại, bền vững, mới đây tỉnh đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Singapore. Đây là một mô hình mới, đồng thời cũng là một dự án mỏ neo để Becamex IDC bắt đầu một hành trình thu hút đầu tư thế hệ tiếp theo. Nhà đầu tư sẽ là các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động giá trị gia tăng cao. Người lao động sẽ là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những chuyên gia. Và người dân, người lao động sẽ từng bước dịch chuyển sang dịch vụ hoặc tự nâng cấp lên phân khúc lao động mới. Thương mại dịch vụ địa phương sẽ trở thành thương mại dịch vụ toàn cầu. Từng bước các KCN truyền thống sẽ được chuyển đổi thành các KCN thông minh sinh thái, xa hơn sẽ chuyển đổi trở thành các KCN khoa học và công nghệ.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương luôn kiên định với triết lý, phát triển “lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược”, coi mỗi người dân, người lao động ngoài tỉnh là một “nhà đầu tư” trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thu hút nguồn nhân lực; mỗi nhà đầu tư là “một người dân” trong công tác thu hút và xúc tiến thương mại. Để từ đó, xác định được trách nhiệm phải xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện, bền vững, giúp mọi tầng lớp trong xã hội “an cư lạc nghiệp”, xây dựng một cuộc sống bền vững tại địa phương.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương: Bước vào giai đoạn mới, Bình Dương đang triển khai xây dựng Vùng Đổi mới sáng tạo, xây dựng KCN Khoa học công nghệ, tập trung thu hút những dự án đầu tư xanh, mạnh về vốn liếng, giàu trình độ kỹ thuật, chất xám… Có thể coi đây là bước đột phá lần thứ hai để nâng tầm phát triển, bắt nhịp cùng xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề nút thắt ở đây là đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các yêu cầu kinh tế, nhất là kinh tế chuyển đổi số hiện nay.

► Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Để thực hiện thành công công cuộc CNH-HĐH trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm. Hình thành “Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương”, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới. Tập trung chuyển đổi số, tiếp tục thực hiện lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bình Dương đang nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

NGỌC THANH