“Đòn bẩy” để Bình Dương cất cánh
(BDO) Kỳ 1: Kỳ vọng vào những xung lực mới
Trân trọng ghi nhận những ý kiến đánh giá một cách khách quan, toàn diện của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, Bình Dương tiếp tục phát huy điểm mạnh, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm, cùng những đề xuất định hướng cho sự phát triển của tỉnh, xây dựng Bình Dương phát triển bền vững, trở thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đồng bộ quy hoạch để phát triển xứng tầm
Mục tiêu phát triển của Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được xác định sẽ trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế; là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có sơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao, người dân có mức thu nhập cao, kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa các khu vực. Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 tập trung phát triển kết nối vùng, xây dựng đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, chính sách tái cơ cấu doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, hình thành các tổ hợp công nghiệp đô thị, dịch vụ.
Để tạo sự bứt phá mới trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương đã ký kết nhiều chương trình về đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực II, Trường Chính trị tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ ký kết ghi nhớ hợp tác. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để đạt được mục tiêu đó, Bình Dương cần có quy hoạch tổng thể, xác định rõ mô hình phát triển của tỉnh giai đoạn tới và tầm nhìn đến năm 2050. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tổ chức không gian lãnh thổ Bình Dương trở thành Vùng Đổi mới sáng tạo với cấu trúc gồm: 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết và 5 phân vùng phát triển; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, với TP.Hồ Chí Minh, kết nối Tây nguyên - Tây Nam bộ. Để định vị mình cho thời gian tới, Bình Dương cần phải quy hoạch gắn với phát triển hạ tầng đô thị, thông qua quy hoạch tỉnh, để tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ lên một đẳng cấp vượt trội, từng bước thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn, đất đai và lao động có kỹ năng thấp”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cũng nhận định Bình Dương cần có quy hoạch tổng thể, xác định rõ mô hình phát triển của tỉnh giai đoạn tới và tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển đô thị tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tới cần gắn với các dự án giao thông động lực: Hình thành chuỗi đô thị dịch vụ theo mô hình TOD gắn với các dự án đường sắt (Dĩ An - Lộc Ninh; Suối Tiên - Thủ Dầu Một - Bàu Bàng), dự án đường cao tốc Bắc Nam (TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành); hình thành không gian đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại theo đường Vành đai 3, Vành đai 4…
Chủ động đột phá, đổi mới sáng tạo
Dấu ấn CNH-HĐH của Bình Dương là một trong những thành công vượt bậc của thời kỳ đổi mới. Tới đây, hình thái phát triển và cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn hậu phát triển công nghiệp trong khi công nghiệp hiện đang chiếm gần 3/4 nền kinh tế của Bình Dương.
Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch bài bản, tạo ra không gian đô thị phát triển văn minh, hiện đại
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành kinh tế, Bình Dương đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình, muốn vượt qua, phải có ngành công nghiệp tiên phong để tháo gỡ rào cản này, tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng năng suất lao động và hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngành công nghiệp tiên phong đó phải là ngành mũi nhọn dẫn dắt tăng trưởng số và tăng trưởng xanh.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng cho rằng giai đoạn tới, tỉnh Bình Dương phải phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế so sánh trong bối cảnh và điều kiện mới. Chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao phải là đột phá của sự phát triển tiên phong khai thác, tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh và hiện đại để thu hút các nguồn lực đầu tư có chất lượng.
Các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững, Bình Dương cần tiếp tục xác định CNH-HĐH phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vươn lên trong một số ngành, lĩnh vực. (còn tiếp)
NGỌC THANH