Doanh nghiệp tham gia FTA- Kỳ 3

Thứ năm, ngày 09/04/2015

Kỳ 3: Gỡ khó cho ngành tài chính

Không phải đến thời điểm này hội nhập kinh tế mới trở thành vấn đề nóng đối với ngành tài chính ngân hàng (NH); từ cuối năm 2011, ngành đã chuẩn bị các bước để đón đầu xu thế hội nhập. Tuy vậy, làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động đang được ngành tài chính NH quan tâm giải quyết.

(BDO) Tái cơ cấu hệ thống NH cần phải “chữa trị” dứt điểm nợ xấu. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà TP.HCM Chi nhánh Bình Dương

Đạt nhiều thành tựu

Sau 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực NH. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương, số lượng NH được thành lập mới kể từ năm 2008 tăng rất nhanh so với 5 năm trước đó. Đến nay, toàn tỉnh có 64 chi nhánh và tổ chức tín dụng (TCTD); các đơn vị này hoạt động ổn định, tạo ra sự đa dạng về hình thức sở hữu.

Mặc dù diễn biến hoạt động của toàn ngành NH trong thời gian qua có nhiều khó khăn, tuy nhiên tỷ lệ nợ quá hạn của các NH tại Bình Dương vẫn nằm trong giới hạn kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu thấp, chỉ chiếm 1,49%/tổng dư nợ. Bên cạnh sự ra đời của các NH, hệ thống phòng giao dịch, tổ tiết kiệm với mục đích phục vụ nhu cầu thanh toán, thúc đẩy quá trình luân chuyển vốn trong nền kinh tế trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, cho biết khó khăn đối với DN nói chung, DN xuất khẩu nói riêng là lãi suất vay còn cao. Doanh nghiệp tuy hoạt động tốt nhưng lợi nhuận không tương xứng do phải trả lãi vay NH quá nhiều. Hiện lãi suất tuy đã được điều chỉnh giảm mạnh so với năm 2011 nhưng vẫn còn cao so với khu vực. Về lâu dài, NHNN cần tiếp tục có chính sách để hạ lãi suất, giúp DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2014 đến nay, nước ta đã kết thúc đàm phán nhiều hiệp định hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Lần lượt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan có thể được chính thức ký kết trong nửa đầu năm 2015. Tiếp đến là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), rồi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... Đương nhiên, không hoàn toàn giống như WTO, khi mở cánh cửa mới, ngành NH sẽ có một sân chơi bình đẳng mới, có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức. Khi hội nhập, các NH Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển ra nước ngoài nhưng ngược lại, các NH nước ngoài lớn mạnh như HSBC, ANZ, Citibank, HongLeong… sẽ có cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam với quy mô lớn và công nghệ hiện đại.

Cánh cửa đã mở rộng

Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc NH Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bình Dương, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, trong khi phần lớn NH trong nước còn nhiều bất cập và hạn chế về năng lực tài chính, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý điều hành... Vì vậy, bản thân các NH cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa thì mới cạnh tranh được. Cũng theo ông Linh, NH nội cần phải duy trì cơ cấu tổ chức hợp lý, đồng thời tăng cường khả năng quản trị rủi ro NH, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam và cả NH cần phải tuân thủ nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế; phải có chế độ đãi ngộ nhân viên có năng lực tốt vì tình trạng “chảy máu” chất xám ở các NH thương mại trong nước là rất lớn.

Đề cập đến một khía cạnh khác trên thị trường tiền tệ NH, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Bình Dương, nhận xét hầu hết NH hiện đều dư vốn để cho vay nhưng DN thì vẫn luôn kêu khó tiếp cận vốn. Cái cơ bản nhất là DN chưa chứng minh được tính khả thi, rõ ràng của phương án/dự án khi vay vốn... Đó là trở ngại lớn, vì thực tế rất nhiều NH, trong đó có Vietcombank vẫn cho DN vay vốn tín chấp nếu DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tài chính minh bạch. “Vấn đề đáng lo nhất là quản lý của NH nội còn yếu kém. Đã từng có hiện tượng DN đem tài sản thế chấp, đến khi gặp khó khăn thì có đến 5 NH kéo nhau đến tranh chấp. Đây là những yếu kém của các NH và DN cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục…”, ông Quang nói.

Thích ứng để vững vàng hội nhập

Xuất phát từ tầm quan trọng của hội nhập, tái cấu trúc NH là 1 trong 3 trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế được NHNN triển khai từ cuối năm 2011. Sau 3 năm thực hiện, những mục tiêu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD như mua bán, sáp nhập các TCTD, tăng vốn điều lệ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin ngành NH, mua lại nợ xấu, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hoạt động và quản trị đã đạt được những kết quả ban đầu. Trước mắt, mục đích của NHNN là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% trong năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các NH tập trung giải pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng, cải thiện thanh khoản, tạo điều kiện mở rộng tín dụng hợp lý góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng ở mức hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bình Dương, mục tiêu đưa nợ xấu xuống dưới mức 3% vào cuối năm nay là không dễ bởi xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm hiện nay là đã có Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) mua lại nợ xấu của các NH nhưng với cơ chế hoạt động hiện nay của VAMC, vấn đề nợ xấu sẽ khó giải quyết dứt điểm. Các khoản nợ xấu cần phải có một khuôn khổ pháp luật xử lý để khi NH thương mại gặp phải nợ xấu có quyền được định giá thông qua các cơ quan Nhà nước nhằm phát mãi thu hồi nợ chứ không phải trải qua quá trình tố tụng mất thời gian...

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện nay, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD các biện pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc khách hàng trả nợ, bán các loại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, bán nợ cho các tổ chức cá nhân… để đạt được mục tiêu tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% trên tổng dư nợ cho vay của hệ thống TCTD. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD. Trước hết, NHNN tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là quy định về mua bán nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của người cho vay… Cùng với đó, NHNN yêu cầu các NH công khai, minh bạch nợ xấu và công bố kết quả thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng.

Cũng theo ông Cường, năm 2015 nằm trong lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu lại hệ thống của các TCTD. Mục tiêu năm 2015 của NHNN là toàn quốc không còn NH yếu kém, do vậy từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều thương vụ cơ cấu, sáp nhập, củng cố bộ máy điều hành NH. Rõ ràng, khi hội nhập các NH đã nhìn thấy trước mắt nhiều thách thức và cả cơ hội. Vấn đề là ngành NH cần nhìn ra những điểm yếu, điểm mạnh của mình để có những giải pháp phù hợp phát triển ổn định khi tham gia FTA.

Kỳ cuối: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thành công

 

• THANH HỒNG

Từ khóa: