Doanh nghiệp tham gia FTA - Kỳ 2

Thứ tư, ngày 08/04/2015

Kỳ 2: Doanh nghiệp cần chủ động

(BDO) Đến nay, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các quốc gia khác đã có hiệu lực, giúp doanh nghiệp (DN) có những thuận lợi hơn khi nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN vẫn còn chưa hiểu rõ về bản chất của FTA cũng như những quy định nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng dệt may, da giày, gỗ… Để vượt qua khó khăn, tận dụng tốt cơ hội từ FTA mang lại, các DN cần chủ động về thông tin, chuẩn bị chiến lược kinh doanh hiệu quả…

 Tham gia FTA, DN cần chủ động chiến lược kinh doanh để tận dụng thời cơ. Trong ảnh: Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương Ảnh: P.LÊ

Nhiều DN còn thiếu thông tin

Tham gia FTA, các DN sẽ vấp phải không ít khó khăn về những vấn đề kỹ thuật trong FTA như việc xác định quy tắc xuất xứ và thủ tục xác minh xuất xứ của hàng hóa. Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là xu thế bắt buộc trong đàm phán một số FTA. Với phương thức này, cộng đồng DN Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi, trong đó nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu sẽ tự khai báo xuất xứ của hàng hóa với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước mà không cần phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi trên, bà Hương cũng cho biết, khi áp dụng phương thức này nhiều DN sẽ không có kiến thức đầy đủ về các quy tắc xuất xứ nên lúng túng trong việc thực hiện cũng như tận dụng triệt để các quy định về quy tắc xuất xứ của các nước.

Hiện nay, thông tin để DN hiểu rõ về bản chất của FTA vẫn chưa nhiều và chưa cụ thể. Lãnh đạo nhiều DN trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện tại DN vẫn chưa am hiểu sâu về FTA. Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty gỗ Sao Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, tham gia FTA, DN Việt Nam sẽ vướng một số hàng rào kỹ thuật và một số hành lang pháp lý yêu cầu hàng hóa của mình đạt tiêu chuẩn cao hơn để không cho hàng hóa này tràn ngập vào một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, hiện nay DN Việt Nam chưa có nhiều thông tin về các FTA, hầu hết tự mày mò tìm kiếm thông tin qua internet. Hiện nay, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… chưa tổ chức các buổi tập huấn để chia sẻ thông tin đầy đủ đến DN.

Bên cạnh những khó khăn trên, còn có thách thức nữa là, hiện nay nền kinh tế của nước ta vẫn còn những hạn chế như năng suất, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh không cao... Do đó, các DN chủ động về thông tin, về chiến lược kinh doanh để sẵn sàng tham gia hội nhập là điều hết sức quan trọng.

Chủ động tận dụng thời cơ

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay một sốDN có quy mô lớn hoặc các DN có yếu tố nước ngoài đã có thời gian chuẩn bị tốt cho hội nhập do có nguồn lực tốt, nắm bắt thị trường trải rộng trên nhiều quốc gia. Hoạt động sản xuất và kinh doanh của các DN này theo sát với những thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế nên ở mức độ nhất định họ hiểu rõ được những tác động và sự ảnh hưởng hội nhập thị trường quốc tế theo từng thời kỳ. Còn các DN trong nước, nhất là DN khu vực tư nhân, DN có quy mô vừa và nhỏ đến nay nói chung vẫn chưa thực sự nhận thức rõ ràng, đầy đủ về các yêu cầu, tác động thực sự của hội nhập. Trong khi đó, nhiều DN của Việt Nam chưa thực sự “khỏe” sau thời gian chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do vậy, nhiều ýkiến cho rằng, cộng đồng DN muốn phát triển và phát triển bền vững thìlựa chọn tốt nhất là chủ động và tích cực tham gia vào sân chơi toàn cầu, tuân thủ các luật chơi quốc tế; đồng thời đổi mới, sáng tạo, tăng tốc nắm bắt cơ hội, triển khai thực hiện các kế hoạch, chiến lược cần thiết ngay từ bây giờ.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cũng rất quan trọng với DN, bởi người khai hải quan phải tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Do vậy, việc xét cơ chế tự chứng nhận xuất xứ phụ thuộc vào mức độ tuân thủ quy định của DN. Nếu DN chấp hành tốt pháp luật hải quan, thực hiện đúng về quy mô sản xuất, lĩnh vực sản xuất thì việc được tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của mình DN sẽ gặp thuận lợi.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Bà Đỗ Thị Kim Loan cho biết, khi tham gia FTA, tất cả nguyên liệu về gỗ đầu vào phải có xuất xứ, do đó DN cần phải mua nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ những cánh rừng được khai thác, đạt tiêu chuẩn, không gây độc hại cho người tiêu dùng. Vì vậy, để tận dụng thời cơ FTA mang lại, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại ở châu Âu và Mỹ. Trong tháng 1 vừa qua, hiệp hội đã tổ chức tham gia triển lãm ở Đức nhằm nắm bắt dòng sản phẩm mới từ đầu năm, sau đó hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức hội chợ ở Mỹ. Riêng đối với Công ty gỗ Sao Nam, bà đã phải đến tận nơi cung cấp nguyên liệu, đến những nhà máy ở Pháp, Đức để tìm mua những nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm bước chuẩn bị thật tốt cho hội nhập trong năm nay.

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương thì cho rằng, DN Việt Nam phải cạnh tranh hàng hóa của các nước khác nên cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hàng hóa phải có sự phát triển cao hơn vì chất lượng hàng hóa của các nước cao hơn hẳn sản phẩm của DN trong nước, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt sẽ bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Theo ông Xô, DN cần chuẩn bị chiến lược kinh doanh như tái cơ cấu DN; có chiến lược phát triển rõ ràng, làm chủ về công nghệ cũng như thiết kế; tối thiểu hóa chi phí và giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, DN cần có những kỹ thuật, thiết bị tiên tiến làm ra sản phẩm có chất lượng; cần có đội ngũ cán bộ, nhân viên lành nghề. “Để DN thuận lợi khi hội nhập, Nhà nước phải tạo ra môi trường, sức ép thay đổi từ bên trong để các DN sẵn sàng với hội nhập quốc tế. Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ về môi trường, ban hành quy định hợp chuẩn để DN làm căn cứ dựa vào thực hiện; đồng thời đầu tư các trung tâm thí nghiệm và đo lường chất lượng, trung tâm này được thế giới chấp nhận để hàng hóa của Việt Nam khi đã qua trung tâm được Khối đạt chuẩn công nhận.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để thành công trong hội nhập thì điều kiện quan trọng nhất là chuẩn bị các năng lực hội nhập. Hiện nay, DN nước ta còn nhiều yếu kém, số DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm phần lớn nên không đủ năng lực cho một cuộc chơi sòng phẳng, bình đẳng trên thị trường với các đối thủ, đối tác mạnh. Mặt khác, thông tin về FTA chỉ có 20% DN biết cũng là điều đáng lo. Theo ông Thiên, cái DN cần không phải là nhận thức chung chung mà là cần tinh thần cạnh tranh cơ bản, sau đó từng hiệp định tạo ra cơ hội và thách thức cụ thể gì, cần thiết phải cung cấp cho họ cái đó. DN nước ta chưa quen với “đánh trận lớn” nên cần định hướng lại việc cung cấp thông tin hội nhập cho DN.

 

Kỳ 3: Gỡ khó cho ngành tài chính

 

 PHƯƠNG LÊ