Đình thần Dầu Tiếng: Nét xưa lưu giữ, điểm tựa tinh thần hôm nay

Thứ bảy, ngày 03/10/2020

(BDO)

Đình thần Dầu Tiếng nhìn từ ngoài cổng vào

Nơi che giấu cán bộ cách mạng

Đình thần Dầu Tiếng còn có tên gọi là đình Định Thành Thôn (tên một địa danh xưa trên địa bàn huyện Dầu Tiếng ngày nay). Đình hiện nay tọa lạc tại khu phố 3, thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), nằm sát bên sông Sài Gòn nên khá thuận lợi cho khách đến tham quan di tích bằng đường bộ lẫn đường thủy.

Vị “Thần Hoàng Bổn cảnh Định Thành” của đình thần Dầu Tiếng được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1853 (năm Tự Đức thứ V). Từ đó có thể khẳng định, đình thần Dầu Tiếng được xây dựng vào trước thời điểm sắc phong này. Những sử liệu liên quan về ngôi đình này cho thấy lúc đầu đình được xây dựng cách chỗ hiện nay khoảng 1km về phía thượng lưu sông Sài Gòn. Sau đó, đình lại phải dời đến một địa điểm khác do người Pháp đến xây dựng một nhà máy nước bên cạnh đình. Do nằm ở vị trí hạ lưu sông Sài Gòn nên đình bị ngập lụt lớn trong trận bão lụt năm 1952. Thế nên, người dân địa phương lại tìm một vùng đất gò, cao ráo để dời đình đến, đó chính là vị trí tọa lạc của đình hiện nay.

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh ghi chép, trong cứ liệu lịch sử sắc phong đình thần Dầu Tiếng, cho thấy khi xây dựng, đình thuộc thôn Định Thành, huyện Bình Long, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định. Trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình thuộc thôn Định Thành, tổng Bình Thạnh Thượng, tỉnh Thủ Dầu Một. Đình tọa lạc trên vùng đất có nhiều cây cổ thụ lâu năm cao to, cành lá sum suê nên trong thời gian chiến tranh, đình trở thành nơi ẩn náu, tập kết, rèn luyện của các chiến sĩ cách mạng. Thế nên, nhiều lần đình bị máy bay địch thả bom xuống đánh phá và làm hư hại rất nhiều phần cũng như cây cối xung quanh đình.

Sau ngày thống nhất đất nước, người dân đã đóng góp công sức và vật chất để sửa sang lại đình. Năm 1978, ông Trần Văn Ký (tức Tư Ký) - một trong những chiến sĩ cách mạng từng trú ẩn tại đình để hoạt động cách mạng - lúc này là Chủ tịch UBND xã Định Thành đã cùng một số cán bộ lão thành, các cụ cao niên và người dân trong làng đóng góp kinh phí tu bổ lại ngôi đình. Vào các năm 1985, 2002, 2006, 2008, đình tiếp tục được Ban nghi lễ và người dân địa phương đóng góp để tu bổ, sửa sang thêm nên đình mới khang trang, sạch đẹp như ngày hôm nay.

Lưu giữ nét văn hóa xưa

Cũng như bao ngôi đình làng Việt khác, đình thần Dầu Tiếng được người dân địa phương dựng nên để sinh hoạt văn hóa tinh thần trong những ngày đầu đến vùng đất này mở đất lập làng. Khi đất nước không còn bóng quân thù, đình không chỉ là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa truyền thống mà còn là địa điểm được nhiều cơ quan, đoàn thể ở địa phương chọn để tổ chức nhiều hoạt động khác. Hiện nay, đình vẫn còn lưu giữ những cặp câu đối bằng chữ Hán đắp nổi bằng xi măng sơn son với nhiều họa tiết trang trí hoa văn đắp nổi. Cách trang trí không gian bên trong và ngoài đình thể hiện rõ nét văn hóa tín ngưỡng dân gian. Bố trí bên trong chánh điện có 3 gian thờ chính và ba gian thờ phụ.

Đình thần Dầu Tiếng có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Định Thành xưa và Dầu Tiếng ngày nay. Cùng với thời gian, đình vẫn luôn chiếm một vị trí hết sức đặc biệt trong tâm hồn và đời sống tinh thần của bao thế hệ người dân địa phương. Đó không chỉ là nơi để người dân tìm về tỏ lòng biết ơn đối với những bậc tiền nhân mỗi khi có lễ đình mà còn là điểm tựa tinh thần của người dân trong cuộc sống bộn bề, vội vã hôm nay.

Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa gắn liền với ngôi đình, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di tích đình thần Dầu Tiếng, ngày 10-9- 2009, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận đình thần Dầu Tiếng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trong những năm gần đây, đình thần Dầu Tiếng đã trở thành một trong những địa điểm tham quan du lịch của du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi có dịp đến với vùng đất Dầu Tiếng anh hùng.

Bên cạnh những nét văn hóa xưa, hiện nay, đình thần Dầu Tiếng vẫn còn lưu giữ một số hoạt động văn hóa mang đậm nét truyền thống xưa. Hàng năm, đình tổ chức cúng lễ Kỳ yên vào ngày 15 vào 16-2 (âm lịch) và lễ Kỳ bông ngày 15 và 16-8 (âm lịch). Những lễ này được tổ chức để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa màng bội thu. Vào những dịp lễ hội này, đình thần Dầu Tiếng thu hút hàng ngàn lượt người dân, đặc biệt là tham gia trong đoàn lễ rước Sắc thần đi quanh trung tâm thị trấn Dầu Tiếng.

H.THUẬN - P.VŨ