Để ngành du lịch phát triển xứng tầm - Kỳ cuối

Thứ sáu, ngày 12/06/2015

Kỳ cuối: Khai thác tốt tiềm năng

(BDO)

 Đại diện các hãng lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cho rằng, tiềm năng du lịch của Bình Dương là rất lớn, nhờ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật tốt, đồng bộ, gắn kết với nhiều dịch vụ tiện ích. Bên cạnh đó, Bình Dương còn có nhiều điểm đến khá hấp dẫn. Tuy vậy, để phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, ngành du lịch của tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm.

 Ngành du lịch Bình Dương cần nhiều nỗ lực để khai thác tối đa tiềm năng sẵn có. Trong ảnh: Khách tham quan Khu du lịch núi Cậu - hồ Dầu Tiếng. Ảnh: X.THI

Lợi thế lớn

Không chỉ đại diện các hãng lữ hành du lịch, mà các doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch tại Bình Dương đều bày tỏ ý kiến: Cùng với phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, Bình Dương còn là một thị trường dịch vụ du lịch đầy tiềm năng.

Ông Trần Tuấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Tổng Giám đốc Hà Nam Group cho biết, Bình Dương có khoảng 1 triệu lao động từ khắp mọi miền đất nước đến đây làm ăn và sinh sống; cảnh quan thiên nhiên đẹp với 2 con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua. Dọc theo 2 con sông này là nhiều di tích lịch sử, văn hóa, địa danh nổi tiếng một thời như làng gốm Tân Phước Khánh, làng mộc Phú Thọ, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng cao su Dầu Tiếng. Bình Dương còn có vườn cây ăn trái Lái Thiêu; đình cổ Bà Lụa, Tân An; di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Đ, Tam giác sắt, Hố Lang, suối Lồ Ồ… Nếu được tổ chức khai thác tốt thì khách du lịch đến Bình Dương rồi đi tiếp đến một số điểm du lịch khác ở miền Đông Nam bộ như Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai để tham quan, sau đó trở về Bình Dương nghỉ ngơi, mua sắm, ăn uống. Một lợi thế quan trọng nữa của Bình Dương là nằm sát TP.Hồ Chí Minh và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi, mua sắm là rất lớn.

Chia sẻ với cách nhìn nhận trên, ông Đỗ Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Phó Giám đốc Phương Nam Resort nhận xét: “Thương hiệu Bình Dương hiện đã lan tỏa khắp cả nước và thế giới. Người ta biết đến Bình Dương như một hiện tượng của sự thành công trên lĩnh vực thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Theo tôi, tiềm năng du lịch đắt giá nhất của Bình Dương phải là du lịch kinh tế với sức cạnh tranh, hiệu quả mang lại sẽ không thua kém Singapore, Thái Lan hiện nay”.

Khách đã có nhiều lựa chọn

Ngay cửa ngỏ vào Bình Dương (hướng từ TP. Hồ Chí Minh) trên quốc lộ 13 hiện nay đã hình thành nhiều khu du lịch với quy mô của một resort (khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi) như các Khu du lịch Phương Nam, Dìn Ký (phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An)... Các khu này có các dịch vụ tiện ích, hấp dẫn như hòa nhạc, vẽ chân dung, thư pháp, ký họa, hồ bơi, sân tập thể thao, du thuyền… với phong cách riêng của mỗi nơi.

 Ông Trần Tuấn Hùng chia sẻ: “Dịch vụ du lịch được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói. Bình Dương đã rất thành công trên lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nay tiếp tục phát triển ngành dịch vụ du lịch là không khó. Vì công nghiệp “không khói” cũng giống như công nghiệp “có khói” là cần phải có công nghiệp hỗ trợ cùng với các nhà đầu tư hạ tầng chuyên nghiệp như Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) từng thành công trên lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp”.

Ông Kenny Tăng, một nhà đầu tư nước ngoài gốc Việt cho biết: “Chúng tôi thích nghỉ ngơi ở Phương Nam Resort vì có không gian yên tĩnh, phòng nghỉ thiết kế dạng villa riêng biệt. Không gian bên ngoài khu nghỉ khá đẹp, mang hình bóng làng quê, gợi nhớ về một thời kỷ niệm như đi cầu khỉ, ở nhà lá, múc nước bằng gáo dừa…”. Còn chị Thái Thị Hà ngụ quận 10, TP.Hồ Chí Minh nhận xét: “Ở Sài Gòn mà muốn có chỗ để ăn, nghỉ, vui chơi đẹp và tiện ích như Dìn Ký Lái Thiêu phải mất khá nhiều chi phí. Nhưng cả nhà đưa nhau về đây ăn chơi vừa ngon, vừa vui nhưng đỡ tốn kém. Gia đình tôi rất thích, cứ lâu lâu lại dắt nhau về đây vui chơi vì không xa trung tâm thành phố”.

Cùng với các khu du lịch, resort đang hoạt động hiệu quả, trên địa bàn Bình Dương cũng dần xuất hiện nhiều khách sạn, căn hộ cao cấp với đầy đủ phương tiện đưa đón, sẵn sàng phục vụ các hội nghị lớn tầm cỡ quốc tế như khách sạn The Mira, khách sạn Becamex…

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 4 di tích lịch sử - văn hóa, trong đócó2 di tích được công nhận cấp quốc gia là di tích lịch sử Chiến khu Đ ở xã Đất Cuốc và di tích Dốc Chùa ở xã Tân Mỹ; 2 di tích được công nhận làdi tích cấp tỉnh gồm mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên ở xã Tân Mỹ và Miếu Bà ở xã Đất Cuốc. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa dân tộc được huyện quan tâm thường xuyên. Huyện cũng thực hiện tốt chủ trương khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương về cảnh quan thiên nhiên, từ đó bước đầu đã hình thành một số dự án du lịch như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh, Khu du lịch sinh thái Hàn Tam Đẳng, Khu du lịch sinh thái Phước Lộc Thọ…, tạo tiền đề phát triển các điểm du lịch và các tuyến du lịch kết nối trong tỉnh trong những năm kế tiếp.

Cần “bán cái khách hàng cần”

Ông Trần Tuấn Hùng chia sẻ: “Đón đầu và phát huy lợi thế của một trung tâm công nghiệp và nằm sát TP.Hồ Chí Minh, Hà Nam Group đã đầu tư 2 khách sạn Hoàng Yến 1 và 2 tiêu chuẩn 3 sao. Nhưng để có hiệu quả chúng tôi phải tự vận động, tiếp thị, chào mời khách về lưu trú với chi phí tiếp thị, quảng cáo khá lớn. Nếu môi trường dịch vụ du lịch ở Bình Dương được quy hoạch với chiến lược phát triển chung thì không chỉ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế mà còn góp phần tiết kiệm rất lớn chi phí quảng cáo, tiếp thị trong thời buổi cạnh tranh và phát triển hiện nay”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đỗ Trần Hùng cho rằng, dịch vụ du lịch là ngành có mức khấu hao rất cao. Để giữ chân và thu hút được khách mới thì Phương Nam Resort phải thường xuyên làm mới chính mình từ nội dung đến hình thức. Nếu được quy hoạch, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong xây dựng chiến lược phát triển và tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Góp ý vào chiến lược phát triển của ngành dịch vụ du lịch tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Giám đốc Saigontouris Chi nhánh Bình Dương nêu thực tế: “Khoảng 10 năm về trước, khách du lịch đi Hội An phải ghé Đà Nẵng vì nơi đây có sân bay. Nhưng bây giờ khách du lịch bay đến Đà Nẵng rồi đi xe tham quan Hội An, đến tối lại quay về Đà Nẵng ăn nghỉ. Điều này cho thấy, Đà Nẵng đã có sức hấp dẫn và giữ chân được du khách. Là doanh nghiệp lữ hành có mặt tại Bình Dương từ khá sớm, chúng tôi chưa hài lòng vì chỉ làm được một phần trách nhiệm là đưa khách đi mà chưa rước được khách về. Trước mắt, Bình Dương cần tìm cách giữ chân 10.000 chuyên gia ở lại vui chơi, mua sắm thay vì phải về TP.Hồ Chí Minh. Những điểm đến hiện có của Bình Dương dù có sức hấp dẫn nhưng chỉ “bán cái mình có mà chưa nghĩ đến cái mà khách hàng cần” nên rất khó hình thành các tour, tuyến với sản phẩm du lịch hoàn chỉnh”.

 DUY CHÍ