Để ngành du lịch phát triển xứng tầm – Kỳ 1

Thứ tư, ngày 10/06/2015

(BDO) Kỳ 1: Tạo đòn bẩy cho ngành du lịch

Những năm qua, Bình Dương đã chú trọng công tác quy hoạch phát triển ngành du lịch (DL) nhằm tạo đòn bẩy cho ngành này phát triển và tạo nhiều điểm đến để thu hút du khách.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tham mưu xây dựng 2 đề án và đã được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Phát triển các sản phẩm DL đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến DL Bình Dương giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó tỉnh đã triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình kích cầu DL gắn với thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2013 và những năm tiếp theo.

Đầu tư cho du lịch sinh thái

Theo định hướng quy hoạch không gian phía nam của tỉnh, quy mô không gian gồm khu vực TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và một phần của TX.Bến Cát. Sản phẩm DL chính của quy hoạch này gồm DL sinh thái (DL miệt vườn, DL sông nước), DL văn hóa (tham quan di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, DL tâm linh, tín ngưỡng), vui chơi giải trí, DL cuối tuần, DL nghỉ dưỡng... Khu vực ưu tiên đầu tư là miệt vườn Lái Thiêu (TX.Thuận An) và ven sông Sài Gòn (TX.Bến Cát); trung tâm phát triển là DL dịch vụ TP.Thủ Dầu Một.

Đầu tư mạnh cho ngành du lịch góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Khách tham quan Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến.
Ảnh: X.THI

Thực hiện quy hoạch này, thời gian qua Bình Dương đã đẩy mạnh phát triển loại hình DL sinh thái miệt vườn Lái Thiêu qua việc tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín 2013”, thu hút trên 50.000 lượt người dân và du khách tham gia. Năm 2015 Sở VH-TT&DL tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TX.Thuận An tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín 2015” để phục vụ người dân cũng như du khách.

Bên cạnh đó, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh như Nhà tù Phú Lợi, nhà cổ ông Trần Văn Hổ; về DL tâm linh, tín ngưỡng, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh, chùa Châu Thới... cũng thu hút đông du khách. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có các khu, điểm DL phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm như Khu DL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, Phương Nam Resort... phục vụ du khách vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần.

Riêng loại hình DL sông nước trên sông Sài Gòn, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cải tạo cảng Bà Lụa thành cảng tổng hợp hoặc cảng DL từ nguồn xã hội hóa. Đồng thời, trên cơ sở đó UBND tỉnh chấp thuận cho Sở VH-TT&DL được mời đơn vị tư vấn lập Quy hoạch chi tiết cảng Bà Lụa phục vụ phát triển DL trình UBND tỉnh phê duyệt để làm căn cứ triển khai thực hiện. Song song đó, Viện Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh đang đề xuất các phương án đầu tư, cải tạo cảng Bà Lụa theo Công văn số 3606/ UBND-VX ngày 20-10-2014 của UBND tỉnh về chủ trương đầu tư, cải tạo, khai thác cảng Bà Lụa phục vụ cho phát triển tuyến DL đường sông trong thời gian tới.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Đối với không gian DL về phía tây bắc của tỉnh gồm khu vực hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, hành lang sông Sài Gòn, khu vực phụ cận thuộc huyện Dầu Tiếng và TX.Bến Cát, sản phẩm DL chính của khu vực này là DL nghỉ dưỡng, DL văn hóa, DL sinh thái, DL thể thao cao cấp. Các khu vực ưu tiên là ven sông Sài Gòn và hồ Cần Nôm; trung tâm phát triển là DL dịch vụ thị trấn Dầu Tiếng.

Ông Lê Phan Thuần cho biết nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành DL của tỉnh đến năm 2020 dự toán khoảng 11.700 tỷ đồng; tổng nhu cầu vốn cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 8.300 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước từ 15 - 20%, nguồn vốn khác từ 80 - 85%.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, Sở VH-TT&DL đã quy hoạch chi tiết khu DL núi Cậu - hồ Dầu Tiếng với diện tích 257 ha. Mục tiêu của quy hoạch này là xây dựng khu DL núi Cậu - hồ Dầu Tiếng thành khu DL sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, văn hóa hấp dẫn, độc đáo; làm cơ sở xây dựng các dự án đầu tư DL trên địa bàn, kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước vào khu DL... Hiện tỉnh đã đầu tư làm đường bê tông nhựa nóng dài trên 9km chạy vòng khu quy hoạch để tạo lực mời gọi đầu tư.

Ngoài ra, đối với khu vực xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho mở rộng diện tích địa đạo Củ Chi sang phần đất của xã Thanh An với diện tích trên 100 ha. Đối với khu vực xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đang được quy hoạch thành thị trấn, trong đó có quy hoạch bến tàu DL về phía hạ lưu của cầu Bến Súc nhằm xây dựng không gian DL theo dọc bờ sông đi qua Thanh Tuyền.

Đối với không gian phía đông của tỉnh bao gồm khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc địa bàn TX.Tân Uyên và huyện Phú Giáo, sản phẩm DL chính của khu vực này là DL sinh thái, DL nghỉ dưỡng, DL cuối tuần, DL thể thao cao cấp. Các khu vực ưu tiên đầu tư là ven sông Đồng Nai, hồ Đá Bàn, cù lao Bạch Đằng; trung tâm phát triển DL dịch vụ là phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên.

Hiện nay, không gian DL phía đông của tỉnh có công viên văn hóa, nghỉ dưỡng Mắt Xanh với diện tích 50 ha, điểm DL sinh thái Hồ Nam với diện tích 12,24 ha; các dự án khu DL Hàn Tam Đẳng, khu DL Phước Lộc Thọ… đang được triển khai đầu tư. Tại đây cũng đã có 1 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư khu DL sinh thái Meekong Golf & Villas rộng 199,2 ha gồm sân golf 54 lỗ, hội quán câu lạc bộ, nhà hàng - khách sạn 5 sao...

Tích cực xúc tiến du lịch

Bên cạnh làm tốt quy hoạch, phát triển các điểm DL, Bình Dương đã tích cực tuyên truyền quảng bá, xúc tiến DL thông qua việc tham gia các sự kiện DL do các tỉnh, thành khác tổ chức. Bên cạnh đó tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện DL như lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín 2013”; tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm quản lý và khái thác loại hình DL....

Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết trong thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, tâm lý, thị hiếu, tập quán, thói quen tiêu dùng của các đối tượng khách hàng để xây dựng những sản phẩm DL đặc trưng, đặc thù của tỉnh phù hợp với thị trường. Ngoài ra, ngành cũng sẽ cung cấp thông tin cho khách DL thông qua cẩm nang DL Bình Dương, tập gấp, bản đồ...; đồng thời thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo DL trong nước để giới thiệu về hình ảnh, vùng đất và con người Bình Dương.

Bên cạnh quy hoạch phát triển DL theo không gian, Bình Dương còn phát triển DL theo các tuyến trong và ngoài tỉnh. Các tuyến DL liên tỉnh, liên khu vực gồm tuyến DL theo quốc lộ 13, tuyến theo đường ĐT741, ĐT 742, tuyến theo đường Hồ Chí Minh; các tuyến DL nội tỉnh gồm tuyến DL theo đường ĐT744, tuyến theo đường ĐT746, ĐT747. DL đường sông gồm các tuyến trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé.

 

 Kỳ 2: Nâng cao chất lượng hạ tầng lưu trú

 PHƯƠNG LÊ